Cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc khí CO từ những thiết bị hiện đại

Bài và ảnh: Nguyên Hà
Chia sẻ

(PNTĐ) - CO là chất khí không màu, không mùi, thường được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất liệu có chứa carbon. Đáng nói, trong cuộc sống hiện nay có nhiều thiết bị hiện đại không cần cháy nổ cũng phát sinh khí CO, làm tăng nguy cơ gây ngộ độc khí CO cho người dân.

Cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc khí CO từ những thiết bị hiện đại - ảnh 1
Bệnh nhân theo dõi ngộ độc khí CO tại căn bếp ở Hà Nội đang được điều trị tại TT Chống độc, BV Bạch Mai.

Liên tiếp các ca nghi ngộ độc khí CO

Cách đây không lâu, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tiếp nhận các trường hợp nhập viện với biểu hiện nôn trớ, hôn mê, suy hô hấp, được chẩn đoán theo dõi ngộ độc khí CO (Carbon monoxide). 

Điển hình là 3 ca nghi ngộ độc từ một căn bếp ở Hà Nội. Theo chia sẻ của bệnh nhân, họ bị ngộ độc khi đang làm việc trong căn bếp có diện tích gần 30m2 tại Hà Nội. Thời điểm đó, căn bếp không có mùi gì bất thường. Tuy nhiên, đến tầm 9h thì có 2 bệnh nhân bị ngất và 1 người khác gặp biểu hiện khó chịu, được đưa vào Trung tâm Chống độc điều trị do nghi ngờ ngộ độc khí CO. Qua kiểm tra cho thấy, nồng độ CO trong máu của người bệnh rất cao, HbCO lên tới hơn 30% trong khi bình thường chỉ khoảng dưới 1%, di chứng sau này có thể sẽ bị suy giảm trí nhớ. Sau hơn 10 ngày điều trị ô-xy cao áp, dùng thuốc dự phòng tránh biến chứng với tâm thần, thần kinh, bệnh nhân vẫn thấy người rất mệt.

Cũng được theo dõi ngộ độc khí CO tại Trung tâm Chống độc, nhưng nguyên nhân khiến gia đình 3 người tại Nghệ An ngộ độc CO là do dùng máy phát điện. Anh trai bệnh nhân cho biết, buổi tối vì bị mất điện nên gia đình người em có sử dụng máy phát điện khoảng 4 tiếng đồng hồ, để bật điều hoà trong phòng kín 15 - 20m2. Máy phát điện này gia đình vẫn sử dụng lâu nay, nhưng lần này được để ở một phòng có thông với phòng ngủ. 9h sáng hôm sau, 3 người trong gia đình em trai được phát hiện bị hôn mê, bên cạnh có chất nôn. Người bố bị ngộ độc nhẹ, điều trị ở địa phương và đã ra viện, còn hai mẹ con được đặt nội khí quản, đưa thẳng đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. Tại đây, người mẹ (48 tuổi) và con trai (15 tuổi) được điều trị, bao gồm hồi sức, dùng các thuốc dự phòng di chứng với não.

Theo TS. BS Lê Quang Thuận - Phó Giám đốc Trung tâm, 2 mẹ con người Nghệ An vào viện trong tình trạng có tổn thương đa cơ quan, đặc biệt não, tim, cơ, hô hấp và một số tạng khác. Do có tổn thương rõ trên não nên nguy cơ cao sau này bệnh nhân sẽ gặp các di chứng muộn và cần theo dõi, điều trị rất cẩn thận. Riêng với người bố, do lúc đầu đã bất tỉnh nên sau này cũng sẽ có nguy cơ cao gặp di chứng với não, cần nhanh chóng đi kiểm tra, bác sĩ sẽ có đơn thuốc và có thể phải điều trị ô-xy cao áp để phòng tránh di chứng muộn. Đáng nói, "các trường hợp ngộ độc lần này có lượng HbCO trong máu cao hơn cả các nạn nhân vụ cháy ở Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội hồi tháng 9/2023" - TS. BS Thuận nhấn mạnh.

Nhiều thiết bị hiện đại cũng có thể phát sinh khí CO
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc thông tin thêm: Ngoài những trường hợp trên, Trung tâm từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc khí CO mà không phải do sự vụ cháy nổ như chạy xe máy "rốt đa" ở trong phòng kín, chạy máy phát điện để ở trong phòng có thông với phòng có người sinh hoạt, ngồi trong xe ôtô và bị ngộ độc do hít phải khí CO từ khói của xe, sử dụng bình đun nước nóng chạy bằng khí gas, bồn chiên dầu sử dụng đồng thời khí ga và điện.

"CO là chất khí không màu, không mùi, không gây kích ứng đường hô hấp. Do đó, rất khó nhận biết được sự có mặt của CO trong không khí. Khí CO được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất liệu có chứa carbon như: Xăng, dầu, khí đốt tự nhiên, gỗ hoặc than củi, nhựa, vải, rơm, rạ... hoặc một số trường hợp cá biệt do các hóa chất được hấp thu qua da vào trong cơ thể rồi mới được chuyển hóa thành khí CO và gây ngộ độc" - BS Nguyên phân tích.

Khí CO hấp thu nhanh vào cơ thể gây ngộ độc, trường hợp nhẹ thì gây buồn nôn, đau đầu, dễ tưởng nhầm là cảm cúm hay ngộ độc thức ăn, nặng thì có thể khiến người/vật hít phải bất tỉnh và tử vong. Do khí CO từ không khí nhanh chóng được hấp thu qua đường hô hấp vào máu, ở trong máu thì CO gắn chặt với hồng cầu làm mất khả năng vận chuyển ô xy của máu tới các cơ quan, khi tới các cơ quan thì CO ức chế, bóp nghẹt hoạt động của tế bào, gây chết tế bào và gây một loạt các phản ứng dây truyền phức tạp và tổn thương cấp tính cũng như di chứng về sau. Các cơ quan hay bị tổn thương và thường bị nặng, bị sớm nhất là não, tim, cơ và các cơ quan khác. Hậu quả của ngộ độc là não, tim và các cơ quan bị tổn thương, suy sụp, tử vong hoặc di chứng lâu dài.

BS Nguyên cũng nhấn mạnh: "50% bệnh nhân bị nhiễm độc khí CO dù là nhẹ, sau khi được điều trị vẫn sẽ bị các di chứng về tâm thần, thần kinh, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ sau này. Một phần ba những người bị ngộ độc nặng ban đầu có tổn thương tim mạch sẽ tử vong trong vòng 8 năm sau này do biến chứng loạn nhịp tim. Người sau 35 tuổi bị ngộ độc CO thường nguy cơ bị di chứng nhiều hơn. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giảm mức độ nặng, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế di chứng".

Hiện trong cuộc sống có các nguy cơ mới gây ngộ độc khí CO, bên cạnh rất nhiều máy móc, thiết bị sử dụng nhiên liệu là xăng dầu, đáng chú ý còn các hoàn cảnh hiện đại không cần cháy nổ cũng phát sinh khí CO hoặc thiết bị thế hệ mới có thể sử dụng khí gas mà chúng ta còn chưa quen như: Xe nâng hàng, máy làm lại bề mặt sân trượt băng, bộ phận hấp thụ khí gây mê, rang hạt cà phê. Thậm chí có hóa chất dung môi tẩy sơn chứa methylene chloride, methylen bromide có thể ngấm qua da vào trong cơ thể rồi được chuyển hóa thành khí CO ở trong cơ thể và gây ngộ độc từ từ...

Rõ ràng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý, kiểm định để đảm bảo các thiết bị máy móc và hóa chất này đảm bảo chất lượng và an toàn. Các thiết bị và hóa chất đó cần phải luôn có kèm theo các cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc để người tiêu dùng sử dụng biết và phòng tránh. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

500 doanh nghiệp thực phẩm nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững

500 doanh nghiệp thực phẩm nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững

(PNTĐ) -Vừa qua, mạng lưới phát triển thực phẩm Việt Nam phối hợp Hiệp hội thực phẩm minh bạch TP.HCM (AFT), Mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) tổ chức chương trình Diễn đàn thực phẩm bền vững, lễ tôn vinh các sáng kiến và nỗ lực vì sự phát triển thực phẩm bền vững với chủ đề 'From Food Hero to Net Zero' (Từ anh hùng thực phẩm đến phát thải ròng bằng 0).
Cục Dân số phát động Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số

Cục Dân số phát động Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số

(PNTĐ) - Theo Cục Dân số, Cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số nhằm chọn 1 logo ngành Dân số phù hợp với định hướng chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, thể hiện nét đặc trưng, tính khái quát cao về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân số đối với mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và đối với phát triển bền vững của đất nước.
Hà Nội: Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch, bệnh

Hà Nội: Tiếp tục chủ động phòng, chống dịch, bệnh

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là với bệnh sởi. Hiện, đội ngũ y bác sĩ và các đơn vị đang tích cực, đây mạnh triển khai các biên pháp phòng, chống dịch bệnh.
Gần 3.000 vận động viên tham gia Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024

Gần 3.000 vận động viên tham gia Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024

(PNTĐ) - Trong 2 ngày từ 4-5/10, gần 3.000 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tới từ 78 đơn vị trong ngành Y tế Hà Nội sôi nổi tham gia Hội khỏe ngành Y tế Hà Nội năm 2024. Đây là hoạt động thiết thực do Công đoàn ngành Y tế Hà Nội tổ chức, nhằm hưởng ứng chào mừng kỷ niệm 70 ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).