Cảnh báo nguy cơ tử vong do sốt xuất huyết bùng phát

Chia sẻ

Thời điểm này, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát, trong khi dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Người dân phải chủ động các biện pháp phòng ngừa, tránh để dịch chồng dịch, nhằm hạn chế nguy cơ biến chứng, tử vong.

Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân.Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

Đã có trường hợp tử vong liên quan đến SXH

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2020 tới nay, thành phố đã có hơn 1.420 trường hợp mắc SXH (ban đầu xuất hiện ở các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín… sau lan dần vào khu vực trung tâm như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai...). Riêng tại bệnh viện (BV) Đống Đa (Hà Nội), 8 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị hơn 90 bệnh nhân SXH (số ca bệnh tính riêng trong tháng 8 là 39 ca).

Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cũng đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp SXH phải nhập viện; một số trường hợp nặng trên các cơ địa phức tạp như phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… Đặc biệt, mới đây Hà Nội đã ghi nhận trường hợp mắc SXH tử vong.

Bệnh nhân là một thanh niên 17 tuổi, bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Khi đưa đến khoa Cấp cứu (bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

Không chủ quan, nhầm lẫn SXH với Covid-19

Dù Covid-19 và SXH là hai bệnh có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng đây đều là dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra và biểu hiện ban đầu giống nhau: sốt, đau đầu, đau mỏi người nên rất dễ gây nhầm lẫn.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân 27 tuổi (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội). Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, 39 - 400C, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Do có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch Đà Nẵng, ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến Covid-19, tuy nhiên làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 đã cho kết quả âm tính. Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ. Xét nghiệm test Dengue NS1 cho thấy bệnh nhân có kết quả dương tính, được kết luận mắc SXH. Sau 4 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh: truyền dịch, hạ sốt, tình trạng của bệnh nhân đã từng bước ổn định.

Từ trường hợp ca bệnh nói trên, PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo người dân phân biệt triệu chứng SXH và Covid-19 theo các dấu hiệu sau: Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra SXH điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mang bệnh, còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết thêm: Triệu chứng của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn; nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý truyền dịch tại nhà.

Đa số bệnh nhân SXH thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc SXH, các chuyên gia cũng cảnh báo: Khi được chẩn đoán mắc SXH, trong những ngày đầu, người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch theo đơn của bác sĩ. Từ ngày thứ 4, bệnh nhân nên tái khám và theo dõi sát diễn biến sức khỏe vì đây là giai đoạn có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).