Dấu ấn y tế Việt Nam năm 2019

Chia sẻ
Với tâm huyết, sáng tạo và nỗ lực vượt qua khó khăn của các y, bác sĩ Việt Nam, năm 2019, y tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, từ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ y sỹ, bác sĩ, tới nghiên cứu, áp dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học hiện đại vào thực tế điều trị. 
 
Dấu ấn y tế Việt Nam năm 2019 - ảnh 1
Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi phức tạp 100% “made in bác sĩ Việt”

Đột phá ứng dụng công nghệ thông tin 
 
Cùng sự phát triển như vũ bão của công nghiệp 4.0, năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ở Việt Nam đã có nhiều bước chuyển mình đột phá. Công nghệ thông minh hiện diện ở khắp các lĩnh vực của ngành y: Ứng dụng bệnh án điện tử, bệnh viện không giấy tờ, bệnh viện không phim, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, thu viện phí không dùng tiền mặt... Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia cũng được triển khai đến tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc; hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm bằng phần mềm được thực hiện tại 1.761 xã, phường, thị trấn của 33 tỉnh, thành phố.
 
Ngành y tế cũng tích cực thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018-2020; hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu Dược quốc gia…, 99,5% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam chỉ trong 2 năm. 
 
Những bước chuyển mình mang tính đột phá của ngành y từng bước đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với 3 trụ cột chính: Phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. 
 
Tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực ghép tạng
 
Ghép tạng là một trong 10 thành tựu y học của nhân loại thế kỷ 20. Dù khởi đầu chậm gần 30 năm so với thế giới trong lĩnh vực này, nhưng đến nay Việt Nam đã có 19 trung tâm ghép tạng và đạt được những tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lấy, ghép mô, tạng. Tính đến tháng 8/2019, cả nước đã thực hiện được khoảng hơn 4.200 ca ghép tạng, trong đó có ghép thận, ghép tủy, ghép gan, ghép tim, phổi và các loại mô tạng khác. Riêng năm 2019, cả nước đã thực hiện hơn 520 ca ghép tạng.
 
Nổi bật có thể kể tới thành công 15 ca ghép tạng trong 1 tuần liên tiếp tại bệnh viện Việt Đức (tháng 8/2019). Trong đó, thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng cho 5 bệnh nhân, gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận (cho 2 bệnh nhân), kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP.HCM), và thực hiện thành công ca ghép phổi thứ 2 hoàn toàn “Made in” bác sĩ Việt.
Ngày 17/12, bệnh viện Việt Đức cũng đã thực hiện thành công một loạt ca mổ lấy - ghép đa tạng từ người hiến chết não, gồm: tim, 2 phổi, gan, 2 thận. Trong đó có 2 ca ghép đặc biệt lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam: ghép hai phổi đồng thời với mổ tim hở sửa chữa bệnh tim bẩm sinh (sửa tim – ghép phổi) và ghép đa tạng gan và thận đồng thời.
 
Tự chủ bệnh viện, nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân
 
Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương, Bộ Y tế xác định: Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế với mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân, gắn với trao quyền tự chủ cho các đơn vị, đặc biệt, tự chủ về tài chính là nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2019, ngành Y tế có 29 đơn vị được giao quyền tự chủ (tăng 4 đơn vị so với năm 2018), tiết kiệm chi ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng/năm đối với tuyến Trung ương và gần 15.000 tỷ đồng đối với hệ thống y tế địa phương. Đặc biệt, từ tháng 5/2019, 4 bệnh viện hạng đặc biệt thuộc Bộ Y tế: Bạch Mai, Việt Đức, K Trung ương, Chợ Rẫy bắt đầu “thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện”.
 
Thực tế cho thấy, cơ chế tự chủ từng bước phát huy tính năng động của các bệnh viện, khuyến khích và tạo điều kiện cho các bệnh viện huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Nhờ đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện. 
 
Có thể nói, thành tựu ngành Y đạt được hôm nay luôn là sự kế thừa; là kết quả từ đầu tư nhân lực, vật lực và sự phù hợp trong hệ thống cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự chung tay của cả cộng đồng. Tuy nhiên, để y tế Việt Nam tiếp tục phát triển, vươn tầm thế giới và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ngành Y cần có giải pháp đồng bộ trên mọi mặt, mọi lĩnh vực: Từ xây dựng cơ chế chính sách tới hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đào tạo y bác sĩ; nâng cao chất lượng hiệu quả cả y tế từ cơ sở tới trung ương, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển; đầu tư cho cả y học hiện đại và y học cổ truyền…
 
Nguyễn Minh  
 

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).