Để trẻ hết khóc dạ đề

Chia sẻ

PNTĐ- Khóc dạ đề là hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm, trong giai đoạn từ 2-3 tuần đến 3 tháng tuổi.

 
Theo đó, đồng thời với  khóc “dữ dội”, biểu hiện ở trẻ là toàn thân trở nên ửng đỏ, lưng cong lại, tay nắm chặt hai chân co về phía bụng và bụng căng cứng, dấu hiệu của những cơn đau. Vậy phải làm gì khi trẻ bị khóc dạ đề?
 
Để trẻ hết khóc dạ đề - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Một số trẻ sơ sinh khóc to, kéo dài trong đêm, vì sao?
 
Theo các chuyên gia nhi khoa của bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), cho đến nay vẫn chưa có minh chứng khoa học giải thích nguyên nhân của khóc kéo dài hàng giờ ở trẻ sơ sinh vào ban đêm và cũng chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, các bà mẹ đặc biệt chú ý, kiểm tra những hiện tượng sau:
 
Trẻ bị đau: Các nguyên nhân gây đau ở trẻ bao gồm: đau tai, loét miệng, hoặc da bị dị ứng do mặc tã thô. Đồng thời qua tiếp xúc của làn da giữa mẹ và bé, các bà mẹ cũng cần kiểm tra, xem bé khóc có phải do bệnh (nóng sốt, nôn ói, tiêu chảy…) hay không. Trong trường hợp này, bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ ngay, bởi sốt và các biểu hiện nêu trên ở nhóm tuổi sơ sinh nếu không phát hiện kịp thời, sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
 
Đau bụng: So với các trẻ sơ sinh khác có khoảng cách bình thường về thời gian và mức độ khóc trong ngày, nếu tâm trạng sức khỏe bé con của bạn luôn ổn vào ban ngày nhưng lại thường khóc kéo dài trong đêm, là dấu hiệu của đau bụng.
 
Dị ứng với thực phẩm: Các loại thực phẩm như sữa, trứng, các loại hạt và lúa mì trong chế độ ăn của mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến thành phần của sữa mẹ. Những thực phẩm này đôi khi có thể gây ra phản ứng đối với hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh ở trẻ gây đau bụng, táo bón, tiêu chảy…
 
Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có thể bị dị ứng với protein trong các công thức sữa bò, hoặc các sản phẩm từ sữa được tiêu thụ bởi người mẹ (nếu trẻ đang bú mẹ) khiến trẻ thở khò khè, tiêu chảy hoặc nôn.
 
Quần áo hoặc tã mặc cho bé quá chật: Tã bẩn rất kích ứng da, nếu không được làm sạch, có thể gây đau và rát khiến trẻ khó chịu và khóc.
 
Bé khóc do các giấc ngủ không trọn: Muốn được ngủ cũng là lý do để bé khóc. Vì vậy, các bé cần được đặt ở một vị trí êm, thông thoáng giúp bé dễ dàng đến với giấc ngủ.
 
Trẻ bị đói: Thông thường là trong giai đoạn tăng trưởng, trẻ sơ sinh bú liên tục và thời gian của các cử “ăn” cũng rất gần. Đến khoảng 3 tháng tuổi, khoảng cách các cử bú sẽ từ 2-4 giờ. Trẻ quấy khóc nhiều trong đêm có thể do bé bú chưa đủ no.
 
Bé “ăn” sữa quá no: Điều này khiến bụng bị đầy hơi, cũng là nguyên nhân gây khó chịu kéo dài khiến bé phải thể hiện qua tiếng khóc.
 
Trẻ bị mệt do người thân có những động tác lắc mạnh: Do khi vui đùa với bé, hoặc trẻ bị tác động bởi sự thay đổi đột ngột môi trường xung quanh.
 
Làm gì để trẻ hết khóc?
 
Theo lời khuyên của các chuyên gia y khoa, khóc dạ đề ở trẻ sơ sinh không cần chữa trị đặc hiệu, trừ khi các bà mẹ nhận thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của bé, như: khóc kéo dài gần 4 giờ, khóc kèm theo sốt, nôn ói, tiêu chảy, sình bụng, trẻ có biểu hiện mệt lả, thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.
 
Trong các trường hợp trẻ bú tốt, không giảm cân, phát triển bình thường thì các mẹ hãy bình tĩnh, làm giảm sự khó chịu của bé bằng tất cả sự thương yêu:
 
- Ôm bé vào lòng, hay đặt bé nằm cạnh mẹ để bé được cảm nhận nhịp tim và hơi ấm từ mẹ truyền sang.
 
- Mẹ nhẹ nhàng ru bé với những bài hát ru, hoặc cho bé nghe các bản nhạc dịu êm.
 
- Đặt bé nằm trong một không gian êm, yên tĩnh. Trong một trường hợp ngoại lệ, có thể cho bé làm quen với những tiếng ồn có âm lượng nhẹ.
 
- Xoa bóp nhẹ nhàng toàn thân và vùng bụng của bé bằng loại dầu thảo mộc.
 
- Tránh tâm trạng căng thẳng ở mẹ khi cho bé bú vì nghĩ rằng nguyên nhân khóc ở bé do đói.
 
- Không nên cho bé uống bất kỳ loại thuốc nào, nếu không có sự tư vấn của các chuyên gia nhi khoa.
 
 
BS Minh Tâm

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).