Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

Chia sẻ

(PNTĐ) - Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là tình trạng đặc trưng của sự mất cân bằng nội tiết tố, u nang buồng trứng, hoặc rối loạn chức năng buồng trứng. PCOS có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố của bạn dẫn đến chu kỳ kinh nguyệt không đều, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh sản. Vì thế, việc chẩn đoán bệnh sớm để được điều trị đúng cách là rất quan trọng.

Dấu hiệu, triệu chứng điển hình

 Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, triệu chứng điển hình của hội chứng PCOS, là bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 50% phụ nữ bị hội chứng PCOS có chu kỳ kinh nguyệt quá dài. Thậm chí, khoảng 20% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang không có chu kỳ kinh nguyệt. Điều đó cho thấy tất cả các dấu hiệu bất thường của chu kỳ kinh nguyệt đều có thể là dấu hiệu của hội chứng PCOS, bạn đừng chủ quan, lờ đi các dấu hiệu này.

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang  - ảnh 1
ảnh minh họa

Các dấu hiệu bất thường của chu kỳ kinh nguyệt có thể bao gồm: thời gian của mỗi chu kỳ quá dài (lên đến 40-45 ngày); trong kỳ “đèn đỏ” lượng máu kinh bạn mất quá nhiều hoặc quá ít; có chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt… đều có thể là dấu hiệu của PCOS. Vì thế, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn có dấu hiệu bất thường, hãy đi khám bác sĩ sớm.

Về biểu hiện ở ngoại hình: Phụ nữ khỏe mạnh đều có một lượng nhỏ hormone testosterone (hormone sinh dục nam) hiện diện trong cơ thể. Nhưng với những người bị hội chứng PCOS, cơ thể có xu hướng sản xuất nhiều testosterone hơn do nồng độ cao của hormone luteinizing và insulin trong cơ thể người bệnh. Nồng độ cao insulin cao đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh tiểu đường hay hạ đường huyết, nhưng ở những phụ nữ bị hội chứng PCOS, nó là kết quả của tình trạng kháng insulin.

Chính tình trạng này đã gây ra những triệu chứng vô cùng khó chịu cho ngoại hình của chị em như: ria mép xuất hiện, da nhờn, có mụn trứng cá, tóc có gàu, rụng tóc, thậm chí có người còn bị hói đầu…

Nếu bạn đang có những dấu hiệu trên đi kèm kinh nguyệt thất thường, bạn nên nghĩ tới PCOS.

Rõ hơn ở người mắc hội chứng PCOS khi siêu âm buồng trứng có nhiều nang, chúng có thể lên tới 12 nang trứng nhưng mỗi trứng thường chỉ có đường kính từ 2 - 9mm. Tức là mặc dù có nhiều trứng trong một chu kỳ nhưng PCOS khiến trứng không thể lớn, trưởng thành và rụng như bình thường nên trứng không thể thụ tinh thành công với tinh trùng, dẫn tới tình trạng vô sinh, hiếm muộn của chị em bị hội chứng PCOS.

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang  - ảnh 2
Nếu bạn đang có những dấu hiệu trên đi kèm kinh nguyệt thất thường, bạn nên nghĩ tới PCOS.

Mắc hội chứng PCOS, chị em bị béo phì nghiêm trọng: Béo phì có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nếu bạn ăn uống rất điều độ, chăm chỉ vận động mà vẫn tăng cân mất kiểm soát và dẫn tới béo phì, đi kèm với một trong những dấu hiệu trên, đó có thể là một triệu chứng của PCOS; có khoảng 38% phụ nữ mắc PCOS là béo phì.

Điều này được lý giải là do mức tăng của nội tiết tố androgen khiến phụ nữ bị hội chứng PCOS dễ dàng bị tích tụ mỡ quanh eo và khiến cơ thể bạn nhanh chóng thành hình quả lê. Nếu bạn bị mắc hội chứng PCOS sẽ rất khó để bạn giảm cân.  

Biến chứng lâu dài

Theo các chuyên gia, hội chứng PCOS có thể có những biến chứng nguy hiểm và lâu dài về sau nếu bạn không điều trị nó:

Ảnh hưởng đến huyết áp: Những phụ nữ bị hội chứng PCOS sẽ có nguy cơ bị huyết áp cao hơn hẳn những phụ nữ khác.

Bệnh về tim mạch: Bệnh tim và nhồi máu cơ tim cũng phổ biến ở phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang hơn. Vì thế, nếu bạn đã từng được chẩn đoán hoặc điều trị PCOS cần chú ý chăm sóc tốt hơn cho hệ tim mạch của mình.

Nguy cơ bị tiểu đường: Hơn 50% phụ nữ bị hội chứng PCOS có nguy cơ bị bệnh tiểu đường ở tuổi 40. Bởi vậy bạn cần lên kế hoạch để theo dõi và điều trị bệnh tiểu đường sớm ngay khi thấy lượng đường trong máu cao.

 Loãng xương: Một trong những hậu quả nghiêm trọng khác của PCOS là chị em có thể bị loãng xương do sự thay đổi của các nội tiết tố. Hãy chắc chắn rằng bạn đã bổ sung đủ canxi, và hãy hỏi bác sĩ của bạn những việc cần làm khác để ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

Hướng điều trị

Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nguyên tắc điều trị chung đối với hội chứng đa nang buồng trứng là gây phóng noãn; cách thực hiện có khác nhau tùy theo việc bệnh nhân muốn có thai ngay hay không.

Những phụ nữ chưa muốn có thai sẽ được điều trị bằng thuốc kích thích phóng noãn. Các thuốc này giúp nang trứng phát triển to lên, vỡ ra và phóng noãn. Khả năng thành công tùy thuộc vào độ dày của vỏ buồng trứng và mức độ đáp ứng của từng người. Trong thời gian điều trị bằng phương pháp này, người phụ nữ có thể mang thai nên cần áp dụng các biện pháp phòng tránh (trừ việc dùng thuốc tránh thai vì dược phẩm này ức chế phóng noãn).

Trường hợp người phụ nữ muốn có thai ngay (thường thuộc nhóm hiếm muộn) sẽ được điều trị theo các bước:

Kích thích thử buồng trứng bằng các thuốc gây phóng noãn: Trong quá trình dùng thuốc, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển nang noãn bằng đầu dò âm đạo hoặc que thử phóng noãn (thử nước tiểu). Bệnh nhân cần giao hợp quanh những ngày nghi ngờ có phóng noãn. Sau không quá 6 chu kỳ, nếu không có thai, bệnh nhân sẽ chuyển sang bước sau.

Can thiệp ngoại khoa buồng trứng: Bác sĩ cắt bỏ một phần hoặc chọc thủng vài vị trí bề mặt buồng trứng để giải phóng các nang noãn. Bằng kỹ thuật nội soi, họ trổ vài điểm trên bề mặt buồng trứng, phá vỡ bức tường dày và chọc bớt vài nang noãn phát triển dở dang trước kia. Các nang bị phá này sẽ làm thay đổi nội tiết, giúp các thuốc kích thích phóng noãn có tác dụng hơn, đồng thời các nang khác có cơ hội lách vào những khoảng trống vừa tạo ra để to lên và vỡ ra ngoài.

Với cách điều trị này, 50-60% trường hợp hiếm muộn đơn thuần (chỉ mắc hội chứng buồng trứng đa nang) sẽ có thai. Sau mổ, bệnh nhân thực hiện thụ thai ngay; nếu qua 6 chu kỳ không thành công thì nên thực hiện kích thích phóng noãn như bước một, nhưng không quá 6 chu kỳ. Nếu vẫn không mang thai thì tốt nhất là thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại Hội nghị “Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023” diễn ra trong hai ngày 14 - 15/08/2023, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội tham gia với phần báo cáo nghiên cứu “Hội chứng buồng trứng đa nang và béo phì” của BSCKI Nguyễn Thành Trung - Trưởng Khoa Khám bệnh, Phó trưởng Khoa Hỗ trợ sinh sản trong phiên thảo luận với chuyên đề “Hỗ trợ sinh sản và nội tiết”. Đây là một trong những phần trình bày được rất nhiều đại biểu quan tâm bởi tính cấp thiết và ứng dụng thực tế của đề tài.

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang  - ảnh 3

BS CKI Nguyễn Thành Trung trình bày báo cáo tại Hội nghị “Sản phụ khoa Việt - Pháp 2023”.

Trình bày báo cáo, BS CKI Nguyễn Thành Trung đã nêu những dẫn chứng cụ thể từ các nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế cho bốn nội dung chính: Mối liên hệ giữa Hội chứng buồng trứng đa nang và béo phì; Tác động bất lợi của béo phì đến kết cục sinh sản; Lợi ích của việc giảm cân trên phụ nữ mắc Hội chứng Buồng trứng đa nang; Thực tiễn việc điều trị phối hợp giảm cân và thụ tinh trong ống nghiệm - IVF. Từ đó, đưa ra kết luận rằng: Tỷ lệ béo phì tăng dần đều qua các năm; Hội chứng Buồng trứng đa nang đóng góp cùng béo phì làm tăng nguy cơ vô sinh; Giảm cân bằng thay đổi lối sống cho kết quả không thống nhất trong điều trị hỗ trợ sinh sản; Giảm cân bằng GPL1 là một xu hướng mới, cần thêm các bằng chứng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khi nào có thể sinh con sau khi điều trị ung thư vú?

Khi nào có thể sinh con sau khi điều trị ung thư vú?

(PNTĐ) -Ung thư vú chủ yếu gặp ở phụ nữ với độ tuổi trung bình khoảng 45 tuổi. Tuy nhiên cũng có tỉ lệ ung thư vú ở tuổi trẻ, đặc biệt độ tuổi mắc bệnh ở các nước châu Á thường trẻ hơn các nước châu Âu và Mỹ.