Đồng hành cùng vợ chiến đấu với căn bệnh ung thư vú

AN HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trên hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú quái ác, nhiều chị em đã được tiếp thêm sức mạnh, kiên cường vượt qua bệnh tật nhờ sự đồng hành, chia sẻ yêu thương vô điều kiện từ gia đình, mà đặc biệt là “nửa kia”.

Đồng hành cùng vợ chiến đấu với căn bệnh ung thư vú - ảnh 1
Nhờ sự đồng hành của người thân, chị Thanh Huyền (Long Biên, Hà Nội) luôn thấy lạc quan dù mang trong mình căn bệnh ung thư vú. Ảnh: NVCC

“Em cứ yên tâm chữa bệnh, cần thiết anh sẽ bán nhà”
Vốn là một người phụ nữ bản lĩnh, tài năng, luôn tràn đầy nhựa sống, tâm huyết với công việc, gia đình… Vậy mà tai ương bỗng dưng ập đến với cô Nguyễn Thị Nhã (Đống Đa, Hà Nội) vào đúng thời điểm bắt đầu về hưu. “Tháng 6/2019, tôi về nghỉ theo chế độ thì đến tháng 8/2019 lên bàn mổ. Lúc phát hiện, tôi không giấu người thân tình trạng bệnh. Nhưng cả gia đình khi nghe tin đều hết sức bàng hoàng. Thế nên bản thân có bao nhiêu lo sợ tôi cũng phải giấu nhẹm vào trong, cố gắng tỏ ra bình tĩnh, lạc quan vì không muốn kéo cả nhà suy sụp theo” - cô Nhã nhớ lại.

Cô kể, sau này khi bệnh tình ổn rồi, có lần hai vợ chồng ngồi nói chuyện, chồng cô mới thú nhận rằng: “Nhiều lúc nhìn em ngủ, hoặc thấy em ngồi im lặng suy nghĩ với đôi mắt dại đi vì thuốc… anh rất xót xa, cũng hoảng sợ, chỉ ước mình có thể thay vợ chịu đựng nỗi đau. Rồi khi nhìn em từng bước kiên cường vượt qua, có những lúc cơ thể lở loét vì tác dụng phụ của thuốc… vẫn không một lời than phiền, chiến đấu từng giây, từng phút với bệnh, anh lại thấy khâm phục vợ. Với anh và các con, em chính là tấm gương để cả nhà noi theo”.

Và với cô Nhã, chính người chồng luôn yêu thương, lặng lẽ đi phía sau đồng hành, giúp đỡ vợ cũng lại là nguồn cổ vũ, động viên, là “liều thuốc” chữa lành đáng giá nhất. “Đợt nào nằm viện về, anh ấy cũng nấu đủ các món để chăm vợ. Hễ ai mách ăn gì tốt cho sức khỏe bệnh nhân ung thư vú là anh ấy lại làm, hoặc tìm cách mua bằng được về cho vợ dùng. Chẳng hạn nghe bảo uống nước bắp cải giúp người hóa trị đỡ buồn nôn, anh ấy ra ngay siêu thị mua bắp cải về luộc lấy nước cho vợ uống” - cô Nhã kể. 

Trong câu chuyện của mình, có khoảnh khắc cô Nhã nghẹn lại khi hồi tưởng về những gì bản thân từng trải qua. “Nói ra có lẽ khó tin, nhưng thú thực lúc tôi nghỉ hưu, trong tay không có một đồng tiền riêng, không một xu tiết kiệm vì đã dành hết để chăm lo cho gia đình chồng, về sau là chăm sóc bố mẹ đẻ. Một lần đang trò chuyện, anh xã bỗng dưng hỏi tôi rằng, vì sao bao năm qua em làm quần quật hết viết sách, đi dạy, rồi tư vấn mà không giữ lại cho mình đồng tiền riêng nào. Lúc đó, tôi tâm sự hết. Nghe xong, anh ôm vợ, nghẹn ngào bảo: “Em cứ yên tâm chữa bệnh, nếu cần thiết anh sẽ bán nhà, em không phải lo gì hết” - cô Nhã tâm sự.

Yêu thương, mong muốn vợ được hưởng những thứ đáng có, và để bù đắp thiệt thòi, hy sinh cho vợ, những khoảng thời gian về sau, chồng cô Nhã luôn tranh thủ mọi dịp để đưa vợ đi du lịch theo tour ngắn ngày hoặc đi nước ngoài. Chứng kiến tình cảm, sự thay đổi từng ngày của chồng với mong muốn vợ được vui vẻ, thoải mái về tinh thần, khỏe mạnh về thể chất, cũng như sự sẻ chia của các con, cô Nhã cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, để kiên cường trên chặng đường chiến đấu với bệnh tật.

Bệ đỡ từ tình nghĩa vợ chồng 
Có lẽ, tình yêu thương chính là liều thuốc vô giá nhất để mỗi người sống vui, sống tốt hơn mỗi ngày. Chẳng thế mà nhìn chị Thanh Huyền (Long Biên, Hà Nội) với gương mặt luôn trẻ trung, tràn đầy lạc quan và sức sống, ít ai nghĩ rằng tới nay chị đã có 4 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư vú quái ác. Chị chia sẻ, điều khiến chị có được tinh thần tuyệt vời ấy một phần chính là nhờ sự yêu thương, đồng hành của gia đình, nhất là người chồng tuyệt vời, giúp chị có thêm nghị lực, vững vàng đón nhận và chiến đấu với bệnh tật.

“Bản thân tôi cũng là người cứng cỏi, rất hiếm khi rơi lệ. Năm 2019, khi phát hiện ung thư vú tôi còn không khóc, nghĩ nó cũng bình thường. Ấy vậy mà chồng lại khiến tôi rơi nước mắt. Lúc đó, tôi bước vào đợt hóa trị lần 2. Ảnh hưởng của thuốc khiến tóc tôi rụng rất nhiều. Thế là anh xã cầm ngay chiếc tông-đơ ra cạo tóc cho vợ, đồng thời cạo luôn tóc trên đầu anh ấy. Xong xuôi, anh chụp ảnh 2 vợ chồng, hớn hở khoe với các con: “Nhìn bố mẹ có đẹp đôi không?”. Nhìn nụ cười của chồng khi ấy, mắt tôi bỗng cay xè, ướt nhẹp vì xúc động” - chị Huyền chia sẻ.

Cũng trong suốt quá trình chị nằm viện, điều trị ung thư vú, chồng chị là người luôn ở bên, chăm lo mọi thứ từ cơm ăn, tắm giặt, động viên tinh thần. Sau này, khi chị tham gia các hoạt động xã hội, câu lạc bộ… anh cũng luôn chia sẻ, ủng hộ, yêu thương.

“Tôi từng chứng kiến một chị đồng bệnh, vì chồng không thấu hiểu, không quan tâm mà biết bao lần phải đối mặt với tử thần. May mắn có bạn bè giúp đỡ, chị mới có tiền tiếp tục chữa trị. Bởi vậy, với một người bệnh, có “hậu phương” là người chồng luôn thấu hiểu, làm chỗ dựa vững chãi, thực sự là nguồn động lực, nguồn sức mạnh vô cùng lớn” - chị Huyền trải lòng.

Giống như chị Huyền, cô H (59 tuổi, trú tại Gò Vấp, TP HCM) cũng là người may mắn vì có gia đình làm chỗ dựa. Ba tháng trước, cô H sờ thấy khối u nhỏ ở ngực, nghĩ bình thường nên không đi khám. Nhưng hằng đêm, khi đặt lưng xuống giường, cô lại lo ung thư.

Nằm bên cạnh, chồng cô bồn chồn vỗ vai: “Hay mình đi khám cho yên tâm”. Thế là hai vợ chồng đưa nhau đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả sinh thiết khẳng định, cô H bị ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập type không đặc biệt độ 2, phải cắt bỏ tuyến vú để điều trị.

Đêm trước ngày cô H bước vào cuộc phẫu thuật, các con ôm lấy mẹ động viên: “Mẹ là chiến binh mạnh mẽ! Mẹ là người chiến thắng!”. Chồng cô H không chỉ nói mà còn minh chứng bằng hành động, rằng: “Bất kể vợ khỏe hay ốm, ngoại hình có thay đổi thế nào, anh vẫn luôn yêu thương, làm “bờ vai” cho em”.

Nên bây giờ, mỗi khi có người hỏi về chồng mình, cô H luôn tự hào khoe rằng: “Anh ấy có thể quên sinh nhật của chính mình, nhưng luôn nhớ rõ từng loại thuốc vợ uống, từng mốc thời gian tái khám, điều trị theo lịch hẹn của bác sĩ… Chính nhờ sự đồng hành, yêu thương của gia đình, tôi mới từng ngày chiến đấu, chiến thắng bệnh tật, kiên cường sống tốt hơn”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

(PNTĐ) - Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

(PNTĐ) - Sáng 17/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công ty Fujifilm Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ; hợp tác triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa; tập trung nghiên cứu khoa học, trao đổi để tiếp cận công nghệ mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu.
Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).