Hậu Covid-19: Hiểu đúng để điều trị đúng cách

Chia sẻ

Với tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhưng biểu hiện bệnh nhẹ như hiện nay thì vấn đề di chứng hậu Covid-19 lại đang được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, không ít người chưa thực sự hiểu đúng và biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân trong giai đoạn này.

Mọi triệu chứng sau mắc Covid-19 đều là “hậu Covid”?

Từ thực tế chăm sóc, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân Covid-19, ThS.BS Lê Xuân Hà - Khoa Nội A, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết: Hiện nay nhiều người đang lo lắng quá mức, thậm chí sai lệch về vấn đề hậu Covid-19.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng hậu Covid-19 còn được gọi là “Covid kéo dài”, đề cập chung đến nhóm các triệu chứng lâu dài mà một số người gặp phải sau khi họ đã mắc Covid-19. Các triệu chứng này thường kéo dài trong vòng 3 tháng kể từ khi khởi phát, với các biểu hiện, tác động trong khoảng thời gian ít nhất 2 tháng và không thể giải thích được bằng một chẩn đoán khác.

Trong khi hầu hết những người mắc Covid-19 hồi phục hoàn toàn, một số người trải qua nhiều tình trạng trung và dài hạn như: Mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, rối loạn chức năng nhận thức (ví dụ lú lẫn, hay quên hoặc thiếu tập trung và minh mẫn), rối loạn tiêu hóa, đau mỏi cơ...

“Đồng ý là sau khi mắc Covid-19, người bệnh nên khám tổng thể để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề liên quan đến Covid-19 cũng như tình trạng sức khỏe chung. Tuy nhiên, thời điểm để thăm khám phụ thuộc nhiều yếu tố: Độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh nền, diễn biến khi mắc Covid-19, điều kiện và khả năng tiếp cận y tế của mỗi người...

Hiện tại, đang có sự “hiểu nhầm” về hậu Covid-19 so với thời điểm đỉnh dịch tại TP Hồ Chí Minh (khoảng tháng 8/2021). Có thể thấy, trước đó, người dân chưa được tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đủ 2 mũi; trong khi chủng virus gây bệnh phổ biến là Alpha, Delta tấn công chủ yếu vào cơ quan đích là phổi, gây nhiều hậu quả nặng nề. Còn bây giờ, vắc-xin ngừa Covid-19 đã được bao phủ trên diện rộng, tại nhiều địa phương như Hà Nội, đa số người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 3 mũi.

Chủng virus lưu hành phổ biến hiện nay là Omicron, tốc độ lây lan nhanh nhưng chủ yếu tấn công đường hô hấp trên phác đồ và thuốc điều trị hiệu quả hơn, nguồn lực y tế tốt hơn nên tỷ lệ bệnh nhân nặng không nhiều. Một bệnh nhân trẻ tuổi mắc Covid-19 với diễn biến nhẹ, không có sự thay đổi SPO2 (có nghĩa không có tổn thương phổi) không thể “đột nhiên” phổi trắng xóa hay xơ phổi theo như nhiều người vẫn lo sợ và tưởng tượng. Thực tế, hiện tại nhiều bệnh nhân diễn biến nặng lên là do hiểu sai, điều trị sai hoặc vẫn chưa tiêm vắc-xin” - BS Hà cho hay.

Chia sẻ trên nhóm “Cộng đồng hậu Covid-19 Việt Nam” khi đọc được nhiều thông tin chưa chính xác, ThS.BS Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, bệnh viện Phổi Trung ương tư vấn: Nhiều người đang lầm tưởng rằng sau mắc Covid-19 tất yếu sẽ là hậu Covid-19.

Không phải tất cả, mà chỉ có một tỷ lệ người sau mắc bệnh, các triệu chứng còn kéo dài hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng mới mà trước đó không có và kéo đến tận 2-3 tháng sau. Nhưng, cũng cần quan tâm đó là các trường hợp bệnh kéo dài (tiếp theo giai đoạn cấp) trên 4 tuần sau.

“Có một số tình huống chúng tôi đã gặp cần lưu tâm như: Trong thời gian cách ly tại nhà, có trường hợp có tổn thương phổi (chưa nặng đến giảm oxy), nhưng triệu chứng hô hấp dai dẳng ho nhiều, tức ngực, hụt hơi, nhanh mệt, sau khi xét nghiệm phát hiện có bất thường ở phổi.

Một số trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi sau đó, biểu hiện ho nhiều, đờm vàng, có thể sốt trở lại, trường hợp này cần đi khám; biểu hiện nặng lên của một số bệnh trước đó như đái tháo đường, tăng huyết áp, hen, bệnh phổi mạn tính. Nhưng nếu sức khoẻ của bạn hồi phục dần sau khi mắc Covid-19 thì chỉ cần tự điều chỉnh sinh hoạt, ăn ngủ, rèn luyện thể dục thể thao là sẽ trở về bình thường sau một thời gian” - BS Thành phân tích.

Nhân viên y tế bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn kiểm tra tổn thương phổi cho bệnh nhân sau khi mắc Covid-19. 	Ảnh: BVCCNhân viên y tế bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn kiểm tra tổn thương phổi cho bệnh nhân sau khi mắc Covid-19.  Ảnh: BVCC

Thuốc bổ phổi nào tốt cho người mắc Covid-19?

Phân tích thêm về cơ chế tác động của virus SARS-CoV-2 tới người bệnh, TTƯT.TS.BS. Dương Văn Trung - Trưởng khoa Ngoại thận tiết niệu, bệnh viện Bưu điện cho hay: Khi một người bị Covid-19, những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao, sau đó làm bong tróc lớp bảo vệ này. Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập.

Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 bị viêm cả 2 lá phổi. Sau giai đoạn 1, nếu hệ miễn dịch bệnh nhân đủ khoẻ, họ sẽ hồi phục dần; nếu yếu sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp theo là phổi tổn thương nặng và tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính (thở nhanh, khó thở, tím tái…).

Như vậy, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào phổi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các phế nang - là nơi trao đổi khí. Xơ phổi là 1 biến chứng hay gặp nhất của hậu Covid-19, là tình trạng các nhu mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi, nguyên nhân là do nhu mô phổi bị phá hủy trong giai đoạn cấp tính sẽ không thể phục hồi trạng thái bình thường, mà thay bằng những mô xơ.

Xơ phổi dẫn đến không thực hiện được chức năng trao đổi khí CO2 và O2 ở phổi, gây nên khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động thể lực. Đây là một trong những biến chứng dai dẳng ảnh hưởng đến khả năng lao động. Sau Covid-19, chức năng phổi có thể sớm trở lại như bình thường, hoặc sau 6 tháng, hoặc kéo dài hơn nữa, thậm chí có tổn thương không hồi phục...

Đánh vào tâm lý lo sợ tổn thương phổi của người bệnh, hiện nay có nhiều cá nhân, nhóm mạo danh bác sĩ hoặc thổi phồng hệ lụy của “hậu Covid-19” nhằm trục lợi từ việc bán các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo là: Sản phẩm giải độc tố tăng cường đề kháng; thực phẩm chức năng giúp phục hồi lại hệ miễn dịch và chống viêm đau cơ thể, ổn định thần kinh; thuốc bổ phổi...

“Tuy nhiên, đối với phổi, thứ bổ dưỡng nhất chính là oxy. Khi phổi tổn thương có nghĩa phổi “đói” oxy. Vì thế, “thuốc” giúp bổ phổi tốt nhất chính là liệu pháp tập thở, giúp cho các phế nang giãn ra đưa lượng khí vào phổi nhiều nhất; kèm theo là chế độ dinh dưỡng tốt và luyện tập thể thao tùy theo sức khỏe của mỗi người… chứ không chỉ là việc uống thuốc bổ. Và người dân nên tỉnh táo, nếu thấy sức khỏe có vấn đề nên đến cơ sở uy tín để khám, điều trị thay vì tin theo các phương pháp trên mạng, tránh rước họa vào thân, tiền mất tật mang” - BS Trung khuyến cáo.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.