Hay nhưng chưa thể thực hiện ngay

Chia sẻ

PNTĐ-Tình trạng bán thuốc không kê đơn trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phổ biến, người dân có thể dễ dàng mua thuốc tại các cửa hàng, trong đó có thuốc kháng sinh...

 
Triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nốt liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, nhằm kiểm soát chất lượng thuốc và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn của Bộ Y tế, tới nay, Hà Nội cơ bản đã hoàn thành tiến độ. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn dễ dàng mua thuốc tại các cửa hàng, trong đó có thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ.
 
Hay nhưng chưa thể thực hiện ngay - ảnh 1
Khách hàng dễ dàng mua loại kháng sinh theo nhu cầu tại Siêu thị thuốc Việt B1 (Cầu Giấy, Hà Nội)

Thuốc không đơn vẫn bán tràn lan
 
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 7/8/2018 của UBND Thành phố Hà Nội về triển khai, thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” giai đoạn 2018-2020, tính tới 10/5/2019, toàn thành phố có 5.390/5.723 cơ sở cung ứng thuốc đã thực hiện kết nối liên thông (đạt 94,2%).
 
Cụ thể, 3.410/3.410 nhà thuốc (đạt 100%), 1.980/2.313 quầy thuốc (đạt 85,6%) và 331/1.129 cơ sở bán buôn thuốc (đạt 29,3%). Ngoài ra, 100% các nhà thuốc tư nhân, 100% nhà thuốc và quầy thuốc trong các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế đã hoàn thành kết nối liên thông.
 
Tuy nhiên, tình trạng bán thuốc không kê đơn trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phổ biến. Trong vai một khách hàng đi mua thuốc cho người nhà, phóng viên đã tới nhà thuốc Siêu thị thuốc Việt B1- một cơ sở bán thuốc khá lớn tại phố Trần Đăng Ninh (Cầu Giấy, Hà Nội), chuyên bán lẻ thuốc thành phẩm và là nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (thông tin ghi tại biển hiệu nhà thuốc) để tìm hiểu.
 
Tại đây, khi nghe sơ qua các triệu chứng của bệnh nhân: sốt, ho khan kéo dài… nhân viên nhà thuốc lập tức giới thiệu cho khách hàng loại kháng sinh có tên Synergex 625, giá 8.000đ/ viên. Sau đó, phóng viên nói người nhà thường dùng kháng sinh Amoxicillin, nhân viên nhà thuốc cũng sẵn sàng chuyển loại theo ý khách hàng muốn. Thậm chí, khi được hỏi mua kháng sinh như này có cần đơn không, người bán thuốc thản nhiên trả lời không cần vì ở đâu cũng có thể bán như vậy.
 
Tương tự, tại nhà thuốc Minh Anh (đường Đê La Thành, ngay đầu dốc bệnh viện Nhi TƯ), phóng viên cũng dễ dàng hỏi mua một số loại thuốc trong danh mục thuốc bán theo đơn như: Anaferon, Babycanyl, Daleston-D (thường dùng điều trị cảm cúm, chống viêm cho trẻ em) mà không cần đơn thuốc.
 
Sẽ triển khai theo lộ trình
 
Thực tế, với phần mềm kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, khi nhập dữ liệu, nhà thuốc sẽ phải khai báo cụ thể tên thuốc, nhãn hàng, hoạt chất, lô sản xuất, đơn vị sản xuất, hạn sử dụng, giá thuốc đầu vào và đầu ra… Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng truy cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc…; đồng thời cơ quan nhà nước có thêm công cụ quản lý việc mua - bán thuốc trên phạm vi toàn quốc.
 
Trong quá trình hoạt động, ngoài định kỳ kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm một lần, cơ sở cung ứng thuốc còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như: Bộ Y tế, Sở Y tế, Quản lý thị trường. Khi đó, cơ sở nào bán thuốc không theo đơn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
 
Tuy nhiên, do việc kết nối dữ liệu các nhà thuốc chưa đồng bộ, nên tình trạng mua - bán thuốc không kê đơn chưa được kiểm soát tốt. Dược sĩ V (chủ một cửa hàng thuốc tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) thừa nhận: Tại nhiều cửa hàng thuốc người mua chỉ cần nói tên thuốc, mô tả triệu chứng bệnh, hoặc đem theo vỉ thuốc dở dang kể cả các loại kháng sinh như: Erythromycin, Curam, Zinnat… vẫn có thể mua được thuốc. 10 người tới mua tại nhà thuốc tư nhân, may ra có 1-2 người mang theo đơn, vì vậy, nếu đòi hỏi đơn thuốc thì không bán được cho ai. 
 
Thừa nhận thực tế trên, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kiểm soát tốt hoạt động bán thuốc không kê đơn phải làm từng bước.
 
Trước mắt, Sở Y tế sẽ phối hợp các cơ quan ban ngành tập trung đẩy mạnh hoàn thành mục tiêu 100% cơ sở cung ứng thuốc được kết nối mạng, cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu hoạt động quản lý kinh doanh thuốc (theo kế hoạch, đến 30/6/2019, 100% quầy thuốc tư nhân, quầy thuốc thuộc doanh nghiệp hoàn thành kết nối liên thông); đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động bán thuốc kê đơn, chất lượng kết nối liên thông tại nhà thuốc, quầy thuốc; tiếp tục tuyên truyền để người dân, từng bước thay đổi thói quen từ tùy tiện sử dụng thuốc sang thực hiện khám bệnh, mua thuốc theo đơn.
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).