Hội nghị khoa học quốc tế BV Hữu Nghị 2025: Bàn luận nhiều vấn đề thiết thực về chăm sóc sức khỏe
(PNTĐ) - Từ ngày 27-28/3/2025, Hội nghị Khoa học Quốc tế BV Hữu Nghị năm 2025 với chủ đề "Tiếp cận đa chuyên ngành trong quản lý bệnh nhân cao tuổi: Hiện tại và tương lai" đã diễn ra thành công với sự tham gia của hơn 500 chuyên gia y tế trong nước và quốc tế. Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề trọng điểm trong công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở nhóm bệnh nhân cao tuổi.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh: "Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh chóng. Người cao tuổi Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, vừa là hậu quả tích lũy của các bệnh lý mãn tính không lây.

Trong đó có thể kể tới các bệnh lý như: Tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, sa sút trí tuệ…; vừa có nguy cơ cao gặp phải các tình trạng suy giảm chức năng, biến chứng điều trị, lệ thuộc thuốc và giảm chất lượng sống. Trung bình, một người cao tuổi mắc từ 3 đến 4 bệnh mạn tính kèm theo. Do đó việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi là một nhiệm vụ cấp thiết".
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã và đang xây dựng nhiều chính sách, chiến lược nhằm thích ứng với già hóa dân số, trong đó có Chiến lược quốc gia về người cao tuổi cũng như tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế có năng lực chăm sóc người cao tuổi.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả bền vững, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển mô hình chăm sóc tích hợp, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, và đặc biệt là sự phối hợp liên ngành - không chỉ trong y tế mà cả trong các lĩnh vực bảo trợ xã hội, chính sách an sinh, đào tạo, và cộng đồng.

“Chính vì vậy, tiếp cận đa chuyên ngành trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân cao tuổi là xu hướng tất yếu, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và cá thể hóa cho người cao tuổi.
Mô hình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như nội, tim mạch, ung bướu, thần kinh, tâm thần, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, dược lâm sàng, điều dưỡng… từ khâu dự phòng, sàng lọc sớm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc tại bệnh viện, phục hồi chức năng và chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
PGS.TS.BSCC Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cho biết thêm: Tại Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh chóng. Hiện nay, người cao tuổi chiếm khoảng 12% dân số, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2050.

Theo TS.BS Nguyễn Thế Anh, già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống y tế và xã hội. Mặc dù tuổi thọ trung bình ngày càng tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh không tỷ lệ thuận với điều này.
"BV Hữu Nghị là một trong những đơn vị y tế tuyến đầu trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Chúng tôi cam kết không ngừng đổi mới, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng điều trị. Hội nghị lần này chính là dịp để chúng tôi học hỏi và hợp tác với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước" - TS.BS Nguyễn Thế Anh khẳng định.
Hội nghị năm nay tập trung vào năm phiên chính: Chính sách y tế dành cho các nhà quản lý; các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi; các vấn đề về ung thư gan, ung thư phổi; bệnh lý tim mạch; dược học và dược lâm sàng.

Phiên chính sách y tế đã làm rõ thực trạng gia tăng dân số già tại Việt Nam và trên thế giới, đặt ra những thách thức trong hệ thống y tế. Các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển dịch vụ y tế cơ sở, tối ưu hóa mô hình chăm sóc liên tục và đào tạo nhân lực y tế chuyên sâu về lão khoa. PGS.TS.BSCC Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cũng trình bày về những thách thức trong quản lý hệ thống y tế dành cho người cao tuổi và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Phiên thảo luận chuyên sâu về bệnh lý ở người cao tuổi đã tập trung vào các vấn đề như suy tim, bệnh thận mạn, đái tháo đường và các bệnh lý tim mạch. Một số kết quả nghiên cứu mới được trình bày, trong đó có phương pháp điều trị suy tim tiên tiến của GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, giúp kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Các phiên chuyên đề về ung thư đã cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, ung thư gan. Đặc biệt, chuyên gia từ Bệnh viện Đại học Quốc Gia Đài Loan đã giới thiệu kỹ thuật chẩn đoán sớm ung thư phổi bằng phương pháp sinh thiết lỏng, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn 20% so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, phương pháp điều trị ung thư gan bằng TACE và liệu pháp miễn dịch cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Phiên hội thảo về tim mạch đã trình bày nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, trong đó có phương pháp can thiệp động mạch vành không đặt stent do A.Prof Chin-Chee Yang từ Singapore giới thiệu. Phương pháp này giúp giảm nguy cơ biến chứng, tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tim mạch mạn tính.
Lần đầu tiên, hội nghị dành riêng một chuyên đề sâu về dược lâm sàng, nhấn mạnh vai trò của dược sĩ trong hỗ trợ kê đơn và tối ưu hóa phác đồ điều trị. TS Lê Văn Anh, Trưởng khoa Dược – Bệnh viện Hữu Nghị, đã trình bày nghiên cứu về tác động của dược lâm sàng đến hiệu quả điều trị bệnh nhân nội trú, với tỷ lệ giảm tác dụng phụ thuốc đạt 25% và cải thiện tuân thủ điều trị lên đến 40%.
Có thể nói, Hội nghị không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật mà còn mang lại giá trị thực tiễn trong điều trị lâm sàng. Những nghiên cứu mới, mô hình chăm sóc cải tiến và các kỹ thuật tiên tiến được trình bày tại hội nghị sẽ giúp nâng cao chất lượng y tế tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng.
Hội nghị kết thúc vào ngày 28/3/2025 với nhiều cam kết hợp tác và trao đổi nghiên cứu giữa các đơn vị y tế trong và ngoài nước, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho nền y học Việt Nam trong tương lai.