Khỏe tiêu hóa - khỏe hơn mỗi ngày

Chia sẻ

Theo các nghiên cứu thống kê, có đến 40% dân số thế giới bị các vấn đề mãn tính về đường tiêu hóa, và có đến 62% dân số đang gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tiêu hóa phổ biến như đau dạ dày, khó tiêu… Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe hệ tiêu hóa còn chưa được người dân chú trọng đúng mức trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Ngày 5/5/2022 - Chương trình truyền thông hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022 với chủ đề “Khỏe tiêu hóa - khỏe hơn mỗi ngày” đã chính thức được phát động bởi Báo Sức khỏe & Đời sống và Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Từ năm 2004, Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) phối hợp với Quỹ WGO (WGOF) đã chọn ngày 29/5 là Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới với mục đích nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về vai trò của hệ tiêu hóa đối với sức khỏe, cũng như cách phòng ngừa, chẩn đoán, quản lý và điều trị các bệnh và/ hoặc tình trạng rối loạn tiêu hóa.

Ngoài vai trò chính giúp tiêu hóa thức ăn tạo năng lượng cho cơ thể, hệ thống tiêu hóa còn đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ chức năng miễn dịch bởi 70% hệ miễn dịch biểu mô của chúng ta nằm ở hệ tiêu hóa. Do đó có thể nói, tiêu hóa khỏe đồng nghĩa với hệ miễn dịch khỏe mạnh, là chìa khóa phòng tránh bệnh tật.

Nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tiêu hóa đối với sức khỏe của người dân, với mong muốn chung tay xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh Báo Sức khỏe và Đời sống cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tổ chức phát động chương trình truyền thông thường niên hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa Thế giới 29/5.

Năm nay, chương trình truyền thông hưởng ứng Ngày Sức khỏe Tiêu hóa thế giới 2022 sẽ diễn ra trong suốt tháng 5/2022, gồm một chuỗi hoạt động truyền thông hướng đến cộng đồng với thông điệp Khỏe tiêu hóa - khỏe hơn mỗi ngày. Các hoạt động nhằm nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe tiêu hóa của cộng đồng, giúp người dân có nhận thức đúng về ý nghĩa của tiêu hóa đối với sức khỏe, các giải pháp dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường đề kháng, xây dựng thói quen tốt để chăm sóc hệ tiêu hóa khỏe mạnh tự nhiên.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các đơn vị hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các đơn vị hưởng ứng ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 2022

Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình này sẽ được đầu tư thực hiện vừa mang tính khoa học, vừa có sự gần gũi, tương tác cao như: Tọa đàm khoa học trực tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng và tiêu hóa trong và ngoài nước, loạt bài viết khoa học chuyên đề về chăm sóc sức khỏe hệ tiêu hóa với nhiều hình thức thể hiện sinh động, mới mẻ... Đặc biệt, hướng đến giới trẻ, GenZ, chương trình còn các các hình thức mới như “Thử thách Tiktok”, nội dung sáng tạo trên Facebook, hình thức Hỏi & Đáp tương tác trên Instagram, chuỗi video clips trên Youtube… để mang thông điệp Khỏe tiêu hóa, khỏe hơn mỗi ngày”đến gần với người trẻ với các hashtag #KhoeTieuHoa_KhoeHonMoiNgay và  #Ngaytieuhoathegioi.

TTND.GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh tại lễ phát động, chúng đã biết, từ xa xưa, thông qua những quan sát sinh hoạt hàng ngày ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm rất quan trọng “Bệnh là từ miệng vào”. Cho tới ngày nay, nhận xét này vẫn có ý nghĩa xét từ góc độ khoa học. Đường tiêu hóa, cụ thể là đường ruột, nơi tập trung tới hơn 70% thành phần hệ miễn dịch cũng chính là địa điểm hệ miễn dịch và vi khuẩn gặp nhau. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh là hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi hệ miễn dịch mạnh mẽ, bảo vệ cơ thể trước các tấn công liên tục từ tác nhân gây bệnh trong thức ăn.

Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sức khỏe của hệ miễn dịch. Bên cạnh những yếu tố khách quan khó có thể thay đổi như tuổi, giới, bộ gen, môi trường sống, thì cũng có những yếu tố chủ quan như dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt, mức độ vận động… Trong đó vai trò của dinh dưỡng là đặc biệt nổi bật. Nếu coi hệ miễn dịch như một thành trì thì dinh dưỡng chính là nguyên liệu xây nên thành trì đó thông qua các đa chất gồm protein, lipid, carbon hydrat là các viên gạch tạo nên thành phần hệ miễn dịch như kháng thể, cytokine, thụ thể.... Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất là những mắt xích mấu chốt và các chất truyền tin giữ cho hàng rào luôn kết nối vững vàng. Hơn nữa, không kém phần quan trọng, dinh dưỡng cũng cung cấp nguồn năng lượng không thể thiếu để hệ miễn dịch vận hành trơn tru, sẵn sàng được kích hoạt một cách hiệu quả khi có tác nhân có hại xâm nhập.

Hiện nay, suy dinh dưỡng vẫn đang còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Theo kết quả điều tra về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, tỉ lệ trẻ em SDD thể nhẹ cân ở Việt Nam tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, 14,1% năm 2015 đối với thể nhẹ cân. Tuy nhiên tỷ lệ SDD thấp còi chung toàn quốc vẫn ở mức 24,6% năm 2015, xếp vào hàng các quốc gia có tỷ lệ thấp còi cao, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

SDD trẻ em sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề về sức khỏe cũng như trí tuệ dẫn đến giảm khả năng học tập và lao động của của trẻ khi đến tuổi trưởng thành. Những trẻ bị SDD dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn hơn những trẻ bình thường và khi mắc bệnh thì thường nặng hơn và lâu bình phục hơn. SDD làm tăng nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ và tạo nên vòng xoắn bệnh lý.

 Các can thiệp về dinh dưỡng, cụ thể là bổ sung vi chất phối hợp probiotic, prebiotic được báo cáo là có cải thiện và nâng cao miễn dịch, giảm tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa và hô hấp trên trẻ em. Cụ thể, một nghiên cứu 2012 tại Viện Dinh dưỡng bổ sung probiotic và synbiotic trên trẻ 5-6 tháng tuổi cho kết quả cải thiện về cân nặng, chiều dài và củng cố sức khỏe hệ tiêu hóa thông qua đa dạng vi khuẩn có lợi đường ruột. Năm 2017 nghiên cứu bổ sung đa vi chất kết hợp synbiotic trên trẻ  24 đến 36 tháng báo cáo  có sự củng cố miễn dịch thông qua tăng kháng thể IgA đường tiêu hóa, giảm tần suất và thời gian mắc tiêu chảy, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Một nghiên cứu khác cũng được thực hiện bởi Viện Dinh dưỡng năm 2019 bổ sung sản phẩm dinh dưỡng gồm vi sinh, men tiêu hóa, kẽm và vi chất khác trên nhóm trẻ 12-36 tháng đã sử dụng kháng sinh tại Bắc Ninh cho thấy cải thiện tình trạng loạn khuẩn đường ruột, giảm biếng ăn và giúp tăng cường hấp thu dinh dưỡng.

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, các nghiên cứu cho thấy những vấn đề về dinh dưỡng bao gồm cả suy dinh dưỡng và béo phì đều tăng khả năng diễn biến xấu trên bệnh nhân nhiễm COVID-19. Ngoài ra, các thiếu hụt vi chất như vitamin D, kẽm, selen cũng làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong trên bệnh nhân COVID-19.

Như vậy, việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cả đa lượng và vi lượng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như nâng cao sức khỏe tổng thể. Bên cạnh đó, các bổ sung khác về dinh dưỡng như lợi khuẩn probiotic, các prebiotic nuôi dưỡng hệ vi khuẩn ruột cũng như các chất chống oxy hóa tự nhiên dạng polyphenol thực vật thông qua chế độ ăn đa dạng, nhiều rau củ quả cũng giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài.

HÀ LINH

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.