Không tùy tiện uống An cung trị đột quỵ

Chia sẻ

Gần đây, nhiều gia đình xem viên uống An cung ngưu Hoàng hoàn như một loại “thần dược” để dự phòng và điều trị đột quỵ, tai biến mạch máu não, đặc biệt ở người già. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu vì tùy tiện dùng loại thuốc đông y nói trên.

ThS.BS CKII Đỗ Mai Huyền kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tới khám tại bệnh việnThS.BS CKII Đỗ Mai Huyền kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi tới khám tại bệnh viện

Xuất huyết nghiêm trọng vì uống An cung

Thời gian gần đây, nhu cầu mua sản phẩm An cung ngưu hoàng hoàn để phòng và điều trị đột quỵ, tai biến mạch máu não. Chính vì thói quen tùy tiện này, không ít người bệnh đã phải vào viện cấp cứu.

Tại bệnh viện Lão khoa Trung ương từng có bệnh nhân đột quỵ, nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn đông máu, chảy máu mũi, xuất huyết cả dưới da… khiến bác sĩ không thể đặt ống nội khí quản. Qua khai thác tiền sử điều trị được biết, trước khi vào viện, gia đình đã tự ý cho bệnh nhân uống An cung ngưu hoàng hoàn để cấp cứu. Ngoài bệnh nhân nói trên, “BV Lão khoa Trung ương cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị dị ứng, sốt cao, tăng men gan, tiêu chảy nặng… vì uống An cung dự phòng đột quỵ” - ThS.Bs CKII Đỗ Mai Huyền - khoa Khám bệnh (BV Lão khoa Trung ương) chia sẻ.

Khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cũng từng gặp nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nhưng không qua khỏi hoặc để lại di chứng nặng nề do uống An cung ngưu hoàng hoàn. Một số trường hợp khác phải cấp cứu vì nhiễm độc thạch tín, thủy ngân sau khi uống loại thuốc trên.

Uống An cung ngưu hoàng hoàn phải có chỉ định của bác sĩ

Theo TS.BS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ (BV Lão khoa Trung ương), đột quỵ có hai thể khác nhau. Một là, đột quỵ thiếu máu cục bộ não - chiếm khoảng 85%, xảy ra khi mạch máu cung cấp cho não bị tắc bởi cục máu đông, huyết khối, hẹp do vữa xơ động mạch. Hai là, đột quỵ chảy máu não chiếm khoảng 15%, xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào trong não hoặc xung quanh não.

An cung chỉ có tác dụng nhất định với thể đầu tiên - thể nhồi máu, vì khi đó thuốc có thể giúp giảm đông máu (bệnh nhân vẫn có nguy cơ chảy máu trong vùng nhồi máu). Ngược lại, nếu bị xuất huyết não, uống An cung ngưu hoàng hoàn càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu do máu không thể đông lại. Trong khi đó, để xác định tai biến thiếu máu não hay xuất huyết não, các bác sĩ phải chụp chiếu, xét nghiệm chứ người bệnh không thể quan sát được bằng mắt thường. Do đó, người dân không nên tùy tiện sử dụng sản phẩm này.

Dưới góc độ Đông y, lương y Lê Xuân Hải - Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa (Hà Nội) cũng cho biết: An cung ngưu hoàng hoàn vốn là bài thuốc y học cổ truyền có từ lâu của Trung Quốc với các vị chính như: sừng tê giác, sỏi mật trâu/bò, xạ hương và một số thành phần khác (hùng hoàng, chu sa…). Hiện nay, sừng tê giác đã được thay bằng sừng trâu; sỏi mật trâu/bò tự nhiên hầu như không có nên cũng thay bằng sỏi mật nhân tạo. Xạ hương cũng có nhiều loại: tự nhiên hoặc tổng hợp…


Trong thực tế, đã có bệnh nhân đột quỵ, xuất huyết não dẫn tới hôn mê… nhưng đã tỉnh lại và dần bình phục nhờ dùng An cung ngưu hoàng hoàn. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sau khi dùng An cung, chẳng những bệnh không qua khỏi mà còn nặng thêm. Như vậy, vị thuốc này không phải “thần dược” chữa được mọi trường hợp đột quỵ.

“Chưa kể trong bài thuốc An cung chứa nhiều thành phần có tính độc, chẳng hạn: chu sa và hùng hoàng. Chu sa có thành phần chính là sunfua thủy ngân thiên nhiên và sunfua; hùng hoàng có thành phần chủ yếu là asen sunfua (AsS) đều là các chất có tính độc… có thể gây ảnh hưởng xấu, thậm chí nhiễm độc cho cơ thể ở người có chức năng gan, thận kém. Bởi vậy, người bệnh khi sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn phải có sự kiểm soát chặt chẽ về liều dùng, đường dùng, người dùng và được sự tư vấn của bác sĩ Đông y” - lương y Lê Xuân Hải khuyến cáo.

THẢO HƯƠNG 

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).