TIền mất, tật mang vì..... thực phẩm chức năng

Kỳ 2: Sự hỗn loạn của thị trường và bất cập trong công tác quản lý

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nắm bắt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, những năm gần đây, hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) được sản xuất, đầu tư quảng cáo, rao bán với những lời “có cánh” trên khắp các trang mạng xã hội như: Facebook, youtube, zalo, tiktok… Tuy nhiên, thực tế này cũng khiến thị trường TPCN trở nên hỗn loạn, thật giả lẫn lộn.

Tràn lan hàng giả, hàng quảng cáo “thổi phồng” công dụng 

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện có khoảng 30.000 sản phẩm TPCN được cấp phép lưu hành. Trong đó, hơn 70% số đó được tiêu thụ là hàng sản xuất trong nước, hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu từ các thị trường như: Mỹ, Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Không thể phủ nhận công dụng của các sản phẩm TPCN tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động quảng cáo TPCN như thổi phồng công dụng, thông tin không chính xác về thành phần hoạt chất, thậm chí nhiều sản phẩm chứa chất cấm vẫn được chào bán công khai. 

Trên trang web chính thức của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), rất nhiều cảnh báo công dụng, thông báo thu hồi đối với nhiều TPCN đang được rao bán công khai trên thị trường như: Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hàu sâm Fastromen có chứa chất cấm N-Desmethyl tadalafil; thu hồi sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Stomachp, lô sản xuất 1110622 vì không đảm bảo an toàn; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên ăn ngon GG và Viên thảo mộc GG vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm (quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, sử dụng hình ảnh, trang phục, tên của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế…).

Kỳ 2: Sự hỗn loạn của thị trường và bất cập trong công tác quản lý - ảnh 1
Sản phẩm tảo xoắn DAVI SUKI từng được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo do quảng cáo gây hiểu lầm công dụng sản phẩm như thuốc chữa bệnh Ảnh: Int

Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng xách tay không rõ nguồn gốc, xuất xứ; một bộ phận doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận sản xuất hàng nhái hoặc biến TPCN thành mặt hàng đa cấp để thu lợi bất chính… đang gây nhức nhối trong dư luận và trở thành mối lo lớn đối với người tiêu dùng.  Có thể kể đến một số TPCN bị làm giả nhiều nhất như: Vitamin, collagen, nhau thai cừu, sữa ong chúa, glucosamin, siro bổ phổi… 

Đầu tháng 8/2022, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố bị can với Nguyễn Văn Biên (SN 1992, trú tại thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) - nhân viên CTCP công nghệ cao EUPHA về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Trước đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Văn Sỹ (SN 1995) - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ cao EUPHA và Ong Thị Vân (SN 1988) - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Nam Phong về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.

Qua khai thác điều tra, các đối tượng đã thừa nhận: Vì hám lợi nên đặt mua các viên nang là TPCN Collagen giả, làm giả các loại vỏ hộp, nhãn mác để đóng gói thành sản phẩm Collagen Gold bán ra thị trường kiếm lời. Tại hiện trường, cơ quan điều tra đã bắt quả tang, thu giữ 16 thùng nặng khoảng 600kg chứa các viên nang là thực phẩm chức năng Collagen giả; 13 thùng chứa vỏ hộp giấy, hộp nhựa, tem nhãn Collagen, cùng 3 máy khò và nhiều đồ vật liên quan. 

Một thực tế khá nhức nhối khác, theo ThS. BS Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đó là tình trạng “nhập nhèm” trong đăng ký sản phẩm là thuốc hay TPCN.

Để một sản phẩm được đăng ký, công nhận là thuốc mất nhiều thời gian, tốn kém và khó khăn nên không ít đơn vị đã “lách” bằng cách đưa sản phẩm ra thị trường với danh nghĩa “thực phẩm chức năng”, trong khi kỳ thực lại là thuốc chữa bệnh.

Bởi lẽ, trong thành phần của các sản phẩm này hoàn toàn chỉ gồm các vị thuốc Đông y có tác dụng chữa bệnh (thuốc bệnh) chứ không hề có vị thuốc nào có tác dụng bổ dưỡng và nâng cao sức đề kháng (thuốc bổ), thậm chí còn có mặt cả những vị thuốc mà các thầy thuốc Đông y khi sử dụng cũng phải rất thận trọng như đại hoàng, phan tả diệp, phụ tử...

Một số trà giảm béo là những ví dụ điển hình. Trên thực tế, người ta cố ý dùng chữ “trà” hay “nước tăng lực”... để sản phẩm qua mắt được các nhà kiểm duyệt để được xếp vào nhóm “thực phẩm chức năng”.

Nhưng trong y học cổ truyền, các vị thuốc này cũng không bao giờ được xếp vào nhóm các loại vừa có thể làm thực phẩm vừa có thể làm thuốc và đương nhiên, khi sử dụng nhất thiết phải được thầy thuốc chuyên khoa khám bệnh, kê đơn với chỉ định, liều lượng, liệu trình và cách dùng hết sức chặt chẽ.

Như vậy sẽ hết sức nguy hiểm, không đảm bảo an toàn khi các sản phẩm này được đưa ra thị trường, và người dùng chỉ cần sử dụng theo hướng dẫn nhà sản xuất mà không cần thầy thuốc chuyên khoa khám.

Như “bắt cóc bỏ đĩa”

Những bất cập của thị trường TPCN tồn tại từ rất lâu và là một vấn đề nhức nhối với người tiêu dùng và các nhà quản lý. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 90% quảng cáo TPCN là sai sự thật, thổi phồng công dụng một cách quá đáng không đúng với hồ sơ đăng ký, “quảng cáo một đằng, đăng ký một nẻo”, thậm chí nhiều loại được quảng cáo như một thứ “thần dược” có khả năng khiến cho “bách bệnh tiêu tan, vạn bệnh tiêu trừ” để đánh vào tâm lý người bệnh.

Tuy nhiên các quảng cáo sai sự thật này vẫn diễn ra hàng ngày trên mạng xã hội, tồn tại dưới nhiều hình thức như: Đăng online, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, chat box, bán hàng đa cấp, chuyển hàng qua bưu điện…

Kỳ 2: Sự hỗn loạn của thị trường và bất cập trong công tác quản lý - ảnh 2
Các tài liệu, đồ vật làm giả sản phẩm TPCN của Công ty cổ phần Công nghệ cao EUPHA bị cơ quan chức năng thu hồi Ảnh: Int

Với hình thức này người kinh doanh không công khai nơi trưng bày, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa sản xuất kinh doanh sản phẩm không đảm bảo chất lượng và an toàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thông tin thêm: Hiện có không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật và sự cả tin của người tiêu dùng để bán hàng với giá cao, chất lượng không bảo đảm, bán hàng giả. Hành vi vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức với quy mô, tính chất khác nhau.

Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, hàng hóa là một trong những hành vi bị cấm theo quy định của Luật Quảng cáo. Nhưng trên thực tế, những quảng cáo gây nhầm lẫn, không phải hiếm gặp. Đã từng có trường hợp khi bị cơ quan chức năng phát hiện, cửa hàng kinh doanh đã chuyển địa điểm sang thành phố khác, mang tên pháp nhân, tên sản phẩm khác...

Chưa kể, lợi nhuận của ngành dược rất lớn là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả các sản phẩm thuốc và TPCN ngày càng gia tăng và chưa có hồi kết. Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay: Nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất không phải là hàng giả sản xuất trong nước, mà đặt sản xuất giả luôn từ nước ngoài rồi vận chuyển về.

Nhiều đơn vị nhập khẩu, có tờ khai, nhưng thực tế là đặt làm giả ở nước ngoài, tinh vi hơn rất nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát là hậu kiểm, và chi phí cho giám định rất lớn vì thuốc, TPCN là sản phẩm mang tính chất đặc thù, muốn phát hiện thật giả một cách chính xác phải kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... Việc này cần 1 khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và TPCN giả trên thị trường. 

Bên cạnh đó, chính thói quen tiêu dùng, sự thiếu cẩn trọng trong mua và sử dụng cũng như hạn chế trong nhận biết về TPCN của đại đa số người dân cũng là nguyên nhân gây ra sự bát nháo, lộn xộn của thị trường TPCN, nhất là hoạt động kinh doanh qua mạng.

 “Có thể dễ dàng nhận biết những TPCN ở dạng tự nhiên được sử dụng hằng ngày. Nhưng thực tế, không ít loại TPCN đã không ghi rõ và đầy đủ những thông tin xác nhận có lợi cho sức khỏe và những thông tin xác nhận có lợi cho cấu trúc/chức năng.

Mặt khác, cũng có một số kiểu “luồn lách”, ví dụ như các TPCN gắn tên “thực phẩm chữa bệnh” (medical foods) để tránh được quy định của cơ quan kiểm duyệt, hoặc có trường hợp nhà sản xuất bổ sung thêm một số chất có lợi cho sức khỏe vào các sản phẩm giàu chất béo, cholesterol, đường... để bán ở dạng TPCN. Bởi vậy, người tiêu dùng nhiều khi không hề hay biết tính xác thực và mức độ tin cậy của sản phẩm” - ThS. BS Hoàng Khánh Toàn phân tích.

Kỳ 3: Làm gì để thị trường thực phẩm chức năng thực chất, hiệu quả?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.