Kỹ thuật mới giúp hiện thực hóa giấc mơ có con cho vợ chồng hiếm muộn

HOÀNG NHẤT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cùng với kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) , ngày càng có nhiều kỹ thuật mới đang được các bệnh viện chuyên khoa hỗ trợ sinh sản áp dụng, giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn sớm thực hiện giấc mơ sinh con.

Sinh con khỏe mạnh từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Gia đình chị Nông Thị Quỳnh (sinh năm 1995) và anh Ma Văn Toàn (sinh năm 1990), người dân tộc Tày (xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang). Năm 2015, anh chị kết hôn, hai vợ chồng không kế hoạch nhưng mãi không có tin vui. Đi khám, chị Quỳnh được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang - một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến ở nữ giới.

Kỹ thuật mới giúp hiện thực hóa giấc mơ có con cho vợ chồng hiếm muộn  - ảnh 1

Chị Nông Thị Quỳnh vốn mắc hội chứng buồng trứng đa nang, nay đã có cặp song sinh kháu khỉnh

Sau đó, gia đình anh Toàn bắt đầu hành trình tìm con đầy gian nan. Hai vợ chồng cố gắng tích góp, dành dụm được bao nhiêu tiền đều dùng để cắt thuốc mong sớm có con. Nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với anh Toàn và chị Quỳnh khi những thang thuốc không có tác dụng, hai lần thực hiện thụ tinh nhân tạo IUI cũng thất bại.

Sau những lần điều trị thất bại, tưởng chừng như hành trình phải tạm gác lại vì kinh tế khó khăn. Anh chị đều làm công nhân, nhà neo người nên kinh tế gia đình đều do hai vợ chồng cáng đáng. Do đó, chi phí thực hiện TTTON vượt quá khả năng của hai vợ chồng. May mắn, tháng 7/2020, anh chị trở thành một trong 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện TTTON tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Bắt đầu quá trình điều trị tại bệnh viện sau hai tháng, hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Quỳnh đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên. Vào ngày 15/06/2021, bé Voi và Thỏ (cân nặng 2,6kg/bé) của vợ chồng người dân tộc Tày chào đời trong niềm vui sướng không gì sánh được của gia đình.

Kỹ thuật mới giúp hiện thực hóa giấc mơ có con cho vợ chồng hiếm muộn  - ảnh 2
Gia đình chị Nông Thị Quỳnh - anh Ma Văn Toàn nay đã chào đón hai thiên thần

Trường hợp của vợ chồng anh Trần Văn Đức (sinh năm 1987) và chị Doãn Thị Thu Hoài (sinh năm 1987) quê ở xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình cũng được coi là kỳ tích. Năm 2014, sau 10 tháng kết hôn, ước mơ về một gia đình trọn vẹn tưởng chừng như đã đóng lại khi anh Đức không may bị tai nạn lao động dẫn đến liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống.

Kinh tế khó khăn, mọi thứ đều dồn hết cho việc điều trị của anh Đức nên hành trình tìm con của hai vợ chồng phải tạm gác lại. Giữa giai đoạn khó khăn ấy, anh chị nhận được món quà bất ngờ là gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Sau một hành trình dài kiếm tìm “trái ngọt”, cuối cùng, anh chị đã chạm tay tới giấc mơ làm cha mẹ.

Nhiều kỹ thuật hiện đại cho tỷ lệ thành công cao

Theo BS CKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, thực tế trong quá trình thăm khám, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như vợ chồng mang gene bệnh lý hiếm, người chồng vô tinh, vợ chồng hiếm muộn lâu năm, sảy thai nhiều lần…

Song điều đáng mừng là y học hiện đại ngày nay đã có nhiều phương pháp có thể giúp điều trị khả năng có con cho những người vô sinh, hiếm muộn. Cùng với thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có tỷ lệ thành công rất cao, thì ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được bệnh viện áp dụng, giúp nhiều trường hợp vợ chồng chẳng may mắc vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện mơ ước làm cha mẹ.

Kỹ thuật mới giúp hiện thực hóa giấc mơ có con cho vợ chồng hiếm muộn  - ảnh 3

Trong cả quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), Labo Hỗ trợ sinh sản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nuôi cấy và theo dõi phôi, là nơi tạo nên các mầm sống cho các gia đình hiếm muộn.

Đơn cử như vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng - Micro TESE, đây là kỹ thuật sẽ giúp tăng cơ hội có con cho nam giới vô tinh, đặc biệt là những trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn vốn là thách thức lớn trong điều trị vô sinh nam. Micro TESE là phương pháp can thiệp sâu để bác sĩ bóc tách từng mô tinh hoàn, tìm tinh trùng để làm TTTON.

Kỹ thuật này thường được chỉ định cho hầu hết trường hợp vô sinh không tắc nghẽn do những nguyên nhân như: teo tinh hoàn do quai bị, hội chứng Sertoli, hội chứng sinh tinh giữa chừng, các bất thường về gene (hay gặp nhất là đột biến mất đoạn gene AZF trên nhiễm sắc thể Y), bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Klinefelter)... Có rất nhiều bệnh nhân vô tinh đã từng làm các kỹ thuật PESA, TESE không tìm thấy tinh trùng nhưng đã thành công nhờ Micro TESE và có được đứa con của chính mình.

Riêng về phía nữ giới, việc phẫu thuật nội soi thăm dò buồng tử cung nhằm giúp phát hiện các bất thường ở buồng tử cung như u xơ tử cung, dính buồng tử cung, polyp buồng tử cung hay lạc nội mạc trong cơ tử cung… - những nguyên nhân gây hiếm muộn phổ biến cũng như gây sảy thai liên tiếp hay thất bại làm tổ nhiều lần, sinh non, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Phương pháp phẫu thuật nội soi là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu bằng vết cắt nhỏ thay vì rạch dài vài centimet như phẫu thuật mở, mang lại lợi ích vượt trội giúp bệnh nhân ít đau sau mổ, nhanh chóng hồi phục và có ít nguy cơ nhiễm trùng hơn, bảo đảm sức khỏe ổn định để thực hiện TTTON.

Ngoài ra, việc sàng lọc phôi đã mở ra hy vọng mới giúp các gia đình TTTON có thể sinh con khỏe mạnh nếu không may mắc bệnh lý di truyền. Nếu như trước đây, phôi sau khi được thụ tinh và nuôi cấy sẽ được chuyển vào cơ thể người mẹ một cách ngẫu nhiên thì giờ đây các bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ nhằm phát hiện những phôi bệnh bằng để loại bỏ trước khi chuyển phôi, giúp các bệnh nhân có những bất thường về di truyền như bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia, bệnh rối loạn đông máu Hemophilia, teo cơ tủy… hoặc có tiền sử lưu sảy thai liên tiếp để có thể sinh ra một đứa con khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, nuôi cấy và theo dõi phôi bằng hệ thống tự động Timelapse giúp tăng tỷ lệ thành công khi chuyển phôi, từ đó các gia đình chạm tay gần hơn đến ước mơ làm cha mẹ. Hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động (Timelapse) tích hợp Trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence) đang được áp dụng cho phép thu thập hình ảnh phôi được ghi nhận tự động trong tủ cấy phôi, không bị gián đoạn khi đang nuôi cấy mà vẫn có hình ảnh của toàn bộ quá trình, hỗ trợ chuyên viên phôi học đánh giá chính xác chất lượng phôi và lựa chọn những phôi tốt nhất để chuyển.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.