Lúng túng quản lý chất lượng thuốc

Chia sẻ

PNTĐ-Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã, đang phát hiện thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng...

 
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đã, đang phát hiện thuốc giả, thuốc không đạt chất lượng (với tỷ lệ thuốc mà cơ quan quản lý phát hiện được là 0,01% số mẫu, thuốc kém chất lượng là 2% số mẫu). Không ai có thể đo đếm được tác hại mà người bệnh phải gánh chịu từ những loại thuốc không đạt tiêu chuẩn này. Do đó, tìm giải pháp kiểm soát chất lượng thuốc đang là vấn đề cấp thiết.
 
Lúng túng quản lý chất lượng thuốc - ảnh 1
Kiểm soát tốt thị trường thuốc nhằm tránh cho người tiêu dùng
phải dùng sản phẩm kém chất lượng.
 
Tháng 8/2017, người tiêu dùng xôn xao khi Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ra thông báo phát hiện thuốc tẩy giun Fugacar giả đã xuất hiện trên thị trường. Đây là một nhãn hiệu thuốc giun khá phổ biến. Trước đó, tháng 4/2017, cơ quan chức năng phát hiện thuốc điều trị tim mạch Vastarel 20mg giả trên thị trường; đầu tháng 1/2017 phát hiện loại thuốc được chỉ định dùng để ức chế viêm trong nhiều chứng bệnh viêm và dị ứng Prednisolon 5mg giả.
 
Đại diện Cục Quản lý Dược thừa nhận, thuốc giả, thuốc kém chất lượng không chỉ tồn tại trong các nhà thuốc tư nhân, các cơ sở kinh doanh dược liệu nhỏ lẻ, mà đã thâm nhập vào các chuỗi cung ứng hợp pháp như: công ty, nhà thuốc bệnh viện (BV). Song việc phát hiện rất khó khăn do tình trạng mua bán lòng vòng, mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn đang diễn biến phức tạp. Trung bình mỗi năm, Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ lấy khoảng 30 nghìn mẫu thuốc (trong toàn hệ thống kiểm nghiệm) và một số mẫu ngẫu nhiên trên thị trường để kiểm tra. Tính chung cả hai nhóm mẫu này, năm 2016 tỷ lệ thuốc giả phát hiện được là 0,01% số mẫu, thuốc kém chất lượng là 2% số mẫu (thuộc hầu hết các nhóm thuốc từ đắt tiền đến thông thường).
 
Thị trường Việt Nam hiện có 30 nghìn loại thuốc đang lưu hành, mỗi mặt hàng có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau nên không dễ quản lý, kiểm soát. Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho biết, thủ đoạn phổ biến mà một số đối tượng kinh doanh thuốc kém chất lượng nhắm tới là sử dụng sản phẩm thuốc thật đã hết, hoặc gần hết hạn dùng có nguồn gốc từ các nhà sản xuất, nhà thuốc, công ty phân phối để xóa bỏ hạn cũ và đóng bao bì với hạn dùng mới.
 
Trên thực tế, quy định về nhập khẩu thuốc hiện nay khá chặt chẽ. Theo Thông tư 47 của Bộ Y tế, để nhập khẩu thuốc, doanh nghiệp cần có bộ hồ sơ gồm: Giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (CPP), Giấy chứng nhận lưu hành tự do (FSC), Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP)… cùng nhiều phụ lục khá ngặt nghèo khác. Sau 20 ngày nhận hồ sơ, Cục Quản lý dược sẽ xem xét, thẩm định, nếu không có vấn đề gì sẽ cấp giấy nhập khẩu.
 
Vụ việc bê bối hơn 9.000 hộp thuốc chữa ung thư H-Capital 500mg của Công ty CP VN Pharma được nhập khẩu dễ dàng qua đường chính ngạch vào Việt Nam cho thấy lỗ hổng lớn trong cấp phép của Bộ Y tế, đặc biệt là lỗ hổng về con người. Nếu không phát hiện kịp thời, một lượng lớn thuốc giả đã được tiêu thụ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Bởi vậy, vấn đề cần quan tâm là minh bạch thông tin và giám sát việc đấu thầu các gói thầu cung cấp thuốc.
 
Để ngăn chặn thuốc giả, kém chất lượng, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam cho rằng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng; tăng chế tài xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả. Tội phạm sản xuất kinh doanh thuốc giả là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Không chỉ dẫn đến thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng tình trạng kháng thuốc, thuốc giả còn có thể gây chết người.
 
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 194, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh: “4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; b) Làm chết 2 người trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên”. Tuy nhiên, do thuốc giả trên thị trường rất tinh vi, lại không lập tức gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan tố tụng rất khó để kết tội đối tượng sản xuất, kinh doanh thuốc giả. Đồng thời ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm khi người dân đã tiêu thụ thuốc kém chất lượng rồi mới phát hiện vẫn chưa được làm rõ khiến mỗi cơ quan khi có sự việc xảy ra đều đổ thừa trách nhiệm cho nhau.

Kim Lý

Tin cùng chuyên mục

Sởi ở người lớn

Sởi ở người lớn

(PNTĐ) - Không còn là căn bệnh “của trẻ con”, sởi đang quay trở lại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả người lớn. Nhiều bệnh nhân trưởng thành nhập viện trong tình trạng nguy kịch, gặp các biến chứng như viêm phổi nặng, tiêu chảy cấp, thậm chí suy hô hấp tiến triển (ARDS) phải can thiệp bằng kỹ thuật ECMO.
Hà Nội: Khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em

Hà Nội: Khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em

(PNTĐ) - Mới đây, Bệnh viện Tim Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đến thăm, khám sàng lọc miễn phí bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội.