Nâng cao nhận thức về sàng lọc ung thư cho phụ nữ

Bài và ảnh: THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới. Trung bình mỗi năm, cả nước có trên 5.000 ca mắc mới và có khoảng 2.400 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung.

Nâng cao nhận thức về sàng lọc ung thư cho phụ nữ - ảnh 1
Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội tư vấn trực tiếp cho các chị em phụ nữ về ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Thực hiện Kế hoạch số 124/KH-UBND về tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực phối hợp với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, y tế cơ sở, triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn kiến thức tại 18 huyện và 5 đơn vị công đoàn ngành của thành phố.

Truyền thông kết hợp tư vấn, giải đáp thắc mắc trực tiếp 
Triển khai Kế hoạch số 124, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 53/-KH-BTV, trong đó, mục đích thông qua các buổi truyền thông nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về ung thư vú, ung thư cổ tử cung cũng như tầm quan trọng của việc tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý trên cho chị em phụ nữ. 

So với những năm trước, hội thảo truyền thông về ung thư vú, ung thư cổ tử cung năm nay được mở rộng hơn về đối tượng tham gia. Theo bà Nguyễn Thị Hiền Thúy - Chánh văn phòng Hội LHPN Hà Nội, thay vì tổ chức ở 18 huyện, thị xã như các năm trước, hoạt động truyền thông năm 2024 còn mở rộng đối tượng là đoàn viên công đoàn tại 5 công đoàn ngành (Xây dựng, Giao thông, Giáo dục, công đoàn viên chức thành phố, công đoàn các KCN và KCX Hà Nội). Tại mỗi đơn vị có tối thiểu 300 đại biểu tham dự được truyền thông, tư vấn trực tiếp.

Là đơn vị đầu tiên trong số 18 huyện được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động truyền thông kiến thức về ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bà Phạm Nguyên Nhung - Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Trì cho biết: “Chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ luôn là nội dung mà Hội LHPN các cấp huyện Thanh Trì quan tâm. Tiếp nối các hoạt động truyền thông năm 2023 do Hội LHPN Thành phố chỉ đạo, Hội LHPN huyện Thanh Trì đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, nữ lao động nhập cư. 

Trong năm 2024, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức 16 buổi tập huấn, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, tuyên truyền về công tác dân số Kế hoạch hóa gia đình, đề án tăng cường sàng lọc bệnh cho trên 2.000 cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở. Công tác khám và điều trị các bệnh phụ khoa thông thường tại trạm y tế xã được duy trì; Phối hợp với Trung tâm văn hoá, thể thao, thông tin huyện cũng như đài truyền thanh các xã, thị trấn đăng các tin, bài tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tiền hôn nhân...

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ cao chị em phụ nữ chưa chủ động trong việc khám sàng lọc bệnh dẫn tới phát hiện bệnh muộn. Nhiều chị em phải chịu di chứng nặng nề về sức khỏe do ung thư vú, ung thư cổ tử cung gây ra, từ đó ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và tạo gánh nặng y tế cho xã hội. "Vì thế, những buổi truyền thông, kết hợp với hội thảo tư vấn, giải đáp trực tiếp các ca bệnh về ung thư vú, ung thư cổ tử cung do bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội làm chuyên gia là hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực, giúp tăng cường nhận thức, ý thức chủ động phòng bệnh cho chị em phụ nữ" - bà Phạm Nguyên Nhung nhấn mạnh.

Tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung rất quan trọng
Liên quan tới kiến thức chuyên môn, ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Hà - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội phân tích: “Theo thống kê của tổ chức Ung thư toàn cầu, tại Việt Nam (năm 2020), mỗi năm có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, với 9.345 ca tử vong. Trong đó, có tới 27,6% trường hợp ung thư vú phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4); tỷ lệ tái phát chiếm 30%. 

Trong khi đó, ung thư vú và ung thư cổ tử cung có tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phí điều trị thấp. Chính vì vậy, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung ngay khi phụ nữ sang độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao là rất quan trọng. 

Chung tay thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có 100.750 phụ nữ độ tuổi từ 35-60 tuổi được khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung; tại các buổi truyền thông, đại diện lãnh đạo Hội LHPN 18 huyện, chính quyền cơ sở, và lãnh đạo công đoàn 5 ngành của Thành phố đã cùng cam kết và đưa ra nhiều kiến nghị, chỉ đạo nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung.

Theo đó, lãnh đạo địa phương đề nghị Trung tâm Y tế huyện phối hợp chặt chẽ với bệnh viện được phân công triển khai khám tầm soát cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện. Đề nghị lãnh đạo các xã, thị trấn và các ngành quan tâm chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là đối tượng phụ nữ nhập cư tại các khu công nghiệp, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện ngành y tế tổ chức tốt các hoạt động khám sàng lọc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai các hoạt động lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung trong các kỳ sinh hoạt chuyên đề của Hội. Tích cực phối hợp với y tế địa phương rà soát lập danh sách phụ nữ trong độ tuổi từ 35-60 tuổi, quan tâm phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, gia đình chính sách, bảo trợ xã hội, dân tộc tham gia các buổi truyền thông và khám tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung theo kế hoạch của ngành y tế triển khai tại địa phương.

Mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phòng, chống ung thư vú, ung thư cổ tử cung nói riêng và phòng, chống dịch bệnh nói chung, nâng cao ý thức của bản thân với cộng đồng, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bàn tay khéo léo của nữ y sĩ thành phố ngàn hoa

Bàn tay khéo léo của nữ y sĩ thành phố ngàn hoa

(PNTĐ) - Bằng đôi bàn tay khéo léo, y sĩ y học cổ truyền Trần Thị Mao (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã bấm huyệt, xoa bóp chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân mà không cần dùng thuốc. Đề tài “Nắn chỉnh khuôn mặt tự nhiên không xâm lấn” của chị Mao đã được chia sẻ rộng rãi tại Hội thảo khoa học về hiệu quả chữa bệnh bằng phương pháp và các bài thuốc y học cổ truyền vừa diễn ra sáng nay 3/11 tại Hà Nội.
Kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đồng hành cùng Hội nghị Nha chu Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15

Kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đồng hành cùng Hội nghị Nha chu Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15

(PNTĐ) - Với sự tham gia của gần 1000 Hội thảo viên 20 quốc gia, Hội nghị Nha chu Châu Á - Thái Bình Dương 2024 (APSP 2024) là một sự kiện lớn của khu vực, lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Đồng hành cùng sự kiện, các sản phẩm của thương hiệu kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu trong và ngoài nước.
500 doanh nghiệp thực phẩm nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững

500 doanh nghiệp thực phẩm nỗ lực phát triển thực phẩm bền vững

(PNTĐ) -Vừa qua, mạng lưới phát triển thực phẩm Việt Nam phối hợp Hiệp hội thực phẩm minh bạch TP.HCM (AFT), Mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) tổ chức chương trình Diễn đàn thực phẩm bền vững, lễ tôn vinh các sáng kiến và nỗ lực vì sự phát triển thực phẩm bền vững với chủ đề 'From Food Hero to Net Zero' (Từ anh hùng thực phẩm đến phát thải ròng bằng 0).