Ngày 16/4, hơn 1.800 học sinh lớp 6 của Hà Nội được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19

Chia sẻ

Ngay sau khi tiếp nhận lô vắc-xin ngừa Covid-19 Moderna đầu tiên theo phân bổ, ngày 16/4, một số quận, huyện của Hà Nội như: Sóc Sơn, Hà Đông, Phú Xuyên, Hoài Đức... đã triển khai tiêm chủng cho các cháu học sinh lớp 6.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6 tại trường THCS Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh lớp 6 tại trường THCS Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: CSCC)

Theo ghi nhận của phóng viên tại huyện Sóc Sơn, công tác chuẩn bị và triển khai tiêm tại các cơ sở được thực hiện rất chu đáo, đầy đủ về vật tư tiêm chủng như: Bông, cồn, phích vắc-xin, nhiệt kế, hộp chống sốc, tờ khai y tế, bảng kiểm khám sàng lọc, phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu xác nhận tiêm chủng, phiếu theo dõi phản ứng sau tiêm… Bên cạnh đó, công tác cứu chữa đề phòng các trường hợp gặp phản ứng mạnh, sốc phản vệ cũng được tập huấn, chuẩn bị sẵn sàng. Trẻ cũng được theo dõi sau tiêm 30 phút tại điểm tiêm chủng; đồng thời tiếp tục tự theo dõi tại nhà 28 ngày.

Theo bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sóc Sơn, dự kiến có hơn 4.700 học sinh lớp 6 các trường THCS được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong ít ngày tới. Cùng với học sinh lớp 6, khoảng 35.000 học sinh tiểu học và 3.670 đối tượng trẻ mầm non cũng sẽ được tiêm chủng trong chiến dịch lần này.

Cụ thể, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã trang bị đầy đủ cơ số phòng chống phản vệ và phân công 3 tổ cấp cứu thường trực trong những ngày diễn ra chiến dịch để sẵn sàng xử trí, cấp cứu các trường hợp gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Tất cả các khâu từ tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và tổ chức buổi tiêm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng an toàn, đáp ứng nhanh cho công tác phòng chống dịch…

Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã có lưu ý và khuyến cáo cụ thể tới các bậc cha mẹ khi đưa trẻ đi tiêm; nhấn mạnh sự cần thiết của việc giúp trẻ thoải mái về tinh thần, cho trẻ ăn no. Đặc biệt trong 3 ngày đầu sau tiêm, bố mẹ được khuyến cáo luôn bên cạnh hỗ trợ trẻ 24/24 giờ. Tránh cho trẻ vận động mạnh, hướng dẫn trẻ nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng. Chuẩn bị thuốc hạ sốt và cho trẻ dùng theo sự hướng dẫn của bác sĩ khi trẻ sốt trên 38,5 độ C.

Riêng với những trường hợp trẻ đã mắc Covid-19, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Hải khuyến cáo nên cho trẻ tạm hoãn tiêm vắc-xin phòng Covid-19 ít nhất là 3 tháng sau khi mắc bệnh. Sau thời gian này, trẻ sẽ được tiêm vắc-xin nếu bảo đảm đủ điều kiện sức khỏe.

“Tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ. Hiện nay, đại đa số người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Thực tế qua nhiều đợt bùng phát dịch, vắc-xin không ngừa được lây nhiễm 100% nhưng giúp giảm hẳn khả năng chuyển nặng. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên đồng ý cho trẻ được tiêm chủng sớm...” - ông Phạm Quang Hải phân tích.

TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra quy trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông). (Thắng Đạt)TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra quy trình tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông). (Thắng Đạt)

Tại quận Hà Đông, bà Lê Thị Thanh Bình, trưởng phòng Y tế quận cho biết: Theo thống kê, toàn quận có 54.393 cháu trong độ tuổi tiêm chủng (5-dưới 12 tuổi). Tuy nhiên qua khảo sát có khoảng 54% trẻ đã bị nhiễm Covid-19. Những trường hợp này sẽ tiêm trong khoảng thời gian 3-6 tháng sau khi khỏi bệnh. Riêng trong ngày 16/4, sẽ bắt đầu tiêm cho học sinh khối 6 đủ điều kiện (gồm 2.800/5.600 trẻ).

Về công tác chuyên môn, bà Lê Thị Thanh Bình cũng cho hay, toàn bộ cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng, theo dõi, hồi sức cấp cứu và các thầy cô của nhà trường tham gia công tác tổ tiêm chủng đều đã trải qua đợt tập huấn của Sở Y tế. Các điểm tiêm đều tổ chức tại các trường THCS, đối với các cháu không đi học sẽ tiêm tại các trạm y tế. Việc triển khai tiêm sẽ căn cứ vào việc phân bổ vắc xin của Sở Y tế, đợt này quận nhận được 4.000 liều để tiêm cho các cháu học sinh khối lớp 6, nếu còn sẽ tiếp tục tiêm cho khối lớp 5.

Trực tiếp kiểm tra tại điểm tiêm chủng trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông), TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội ghi nhận quận Hà Đông đã tổ chức tốt công tác tiêm chủng cho trẻ. Theo bà Hà, ước tính, toàn thành phố có 1 triệu trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. Tại các điểm tiêm chủng, Sở Y tế đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến thành phố để tham gia ứng trực.

“Để chiến dịch tiêm chủng an toàn, Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng lần này. Đặc biệt, trong quá trình tiêm chủng, chúng tôi rất quan tâm đến các đối tượng như là trẻ em mắc bệnh bẩm sinh, trẻ suy dinh dưỡng hay trẻ có tiền sử dị ứng… và thực hiện khám sàng lọc thật kỹ.

Bên cạnh đó có những phương án xử trí trong quá trình tiêm chủng, với những trẻ có bệnh lý nền hoặc dị ứng chúng tôi sẽ tiêm tại bệnh viện để bảo đảm an toàn nhất cho các cháu. Vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn phụ huynh học sinh đồng thuận, đưa con em tới các điểm tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng đầy đủ và sớm nhất. Dự kiến đợt tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày" - TS Trần Thị Nhị Hà cho hay.

 LÊ HÒA - THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).