Chậm cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế:

Người dân mất cơ hội tiếp cận thuốc mới

Bài và ảnh: LÝ THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Kể từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể, trong khi trên thế giới, quy trình cập nhật danh mục này tương đối nhanh chóng. Thực tế này khiến cơ hội được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt của người bệnh bị hạn chế, ảnh hưởng tới quá trình điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Người dân mất cơ hội tiếp cận thuốc mới - ảnh 1
Ảnh minh họa

Muốn sử dụng thuốc mới, người dân phải tự chi trả

Theo các chuyên gia về dược, tại Việt Nam hiện nay, kênh tiếp cận thuốc mới của bệnh nhân chủ yếu thông qua các cơ sở khám chữa bệnh công lập (95% giường bệnh thuộc các cơ sở y tế công lập) và được chi trả bởi BHYT. Để thuốc mới được đưa vào danh mục thuộc phạm vi thanh toán bởi BHYT cung ứng cho người bệnh cần thông qua các đợt đấu thầu của bệnh viện. 

Trong khi đó, với các sản phẩm thuốc mới, phải mất gần 4 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt trên toàn cầu mới có mặt ở Việt Nam. Sau đó mất thêm từ 3-4 năm để được xem xét bổ sung vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT. Như vậy, khoảng thời gian từ khi được cấp giấy đăng ký lưu hành tới khi thuốc được cập nhật vào danh mục BHYT ở Việt Nam có độ trễ gấp 3, thậm chí gấp 10 lần so với nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản (3 tháng), Hàn Quốc (18 tháng), Anh, Pháp (15 tháng)… 

Nguồn dữ liệu của tổ chức nghiên cứu ngành y dược IQVIA MIDAS data cập nhật đến năm 2022 cho thấy: Chỉ có 9% thuốc mới có mặt tại Việt Nam (trong tổng 460 thuốc mới ra thị trường từ 2012 tới cuối 2021); 11% thuốc biệt dược gốc được sử dụng trong tỷ trọng thuốc dùng tại các bệnh viện. Các thuốc này bao gồm thuốc điều trị đích, thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư và một số thuốc tim mạch.

Điều này hạn chế khả năng bệnh nhân được tiếp cận đến các giải pháp điều trị mới, tiên tiến thông qua kênh khám, chữa bệnh BHYT tại cơ sở y tế công lập. Và khi không nằm trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, nếu muốn sử dụng các loại thuốc mới, bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua. Tình trạng này sẽ gây ra nhiều áp lực về vấn tài chính cho bệnh nhân, gây khó khăn trong việc theo dõi và phối hợp điều trị cho nhân viên y tế, thậm chí thuốc mua được cũng không chắc đảm bảo về chất lượng.

Điển hình trường hợp một nam bệnh nhân (70 tuổi, trú tại Hà Nội) có tiền sử bệnh tim mạch khoảng 10 năm nay, kèm theo cao huyết áp, đã phải đặt máy tạo nhịp tim và cuộc sống gắn liền với các loại thuốc điều trị bệnh. Do tuyến dưới thiếu thuốc BHYT, để được sử dụng thuốc tốt, bệnh nhân phải chuyển tới BV Bạch Mai điều trị, dù chi phí cho mỗi lần mua thuốc và trị bệnh lên tới vài triệu đồng. “Gia đình tôi còn có thể lo được, nhưng nếu các gia đình có điều kiện kinh tế eo hẹp hơn thì thực sự là gánh nặng lớn” - bệnh nhân chia sẻ.

GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức và chống độc Việt Nam cho biết thêm: Không riêng bệnh tim mạch, nhiều bệnh nhân bỏ ngang điều trị vì thuốc không có trong danh mục BHYT chi trả, còn nếu tự bỏ tiền ra mua thì chi phí lại cao, ngoài khả năng kinh tế của bệnh nhân. Thậm chí, bởi thiếu thuốc, bác sĩ biết rõ thuốc có tác dụng phụ nhưng vẫn phải kê cho bệnh nhân. Nếu kê thuốc ngoài danh mục BHYT, bệnh nhân uống hợp nhưng phải trả tiền sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề. 

Đề xuất cập nhật danh mục thuốc BHYT ít nhất 1 lần/ 1 năm
Trước thực trạng nhiều thuốc mới chưa được cập nhật vào danh mục chi trả BHYT, bà Tống Thị Song Hương, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) phân tích: Hiện nay có rất nhiều thuốc mới được đánh giá hiệu quả tốt về lâm sàng, tài chính. Tuy nhiên, danh mục thuốc được BHYT chi trả tại nước ta chậm cập nhật, trong đó có nguyên nhân về cân đối quỹ.

 “Vấn đề là chúng ta có đưa các thuốc mới vào danh mục được BHYT chi trả hay không? Nếu không đưa thì người dân không được tiếp cận thuốc mới, thuốc tốt và phải mua thuốc bên ngoài. Nếu đưa vào thì nên đưa như thế nào” - bà Hương nói.

Để giải quyết bài toán cân đối quỹ BHYT khi đưa thuốc mới vào danh mục, bà Hương đề xuất dự án luật định mức trần thanh toán. Ví dụ, thủy tinh thể đang có dải giá rộng từ 700.000 đồng đến 24 triệu đồng, BHYT có thể quy định mức thanh toán 3 triệu làm mức trần. Như vậy, người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi ở mức cơ bản. Nếu muốn hưởng, sử dụng dịch vụ, thuốc cao hơn, họ sẽ chi trả thêm.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị Việt Nam nên có cơ chế quy định về việc cập nhật danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán BHYT ít nhất 1 năm 1 lần. Điều này là vô cùng cấp thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và quyền được tiếp cận phương pháp điều trị tối ưu của bệnh nhân.
Liên quan đến vấn đề danh mục thuốc chữa bệnh BHYT, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và toàn diện. So với mức phí đóng BHYT thì danh mục thuốc được mở rộng. 

Bên cạnh đó, trong danh mục thuốc được ghi dưới dạng hoạt chất, thành phần; không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại nên việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ BHYT thanh toán mà không bị giới hạn về chủng loại, nội hay ngoại mà căn cứ vào mô hình bệnh tật để các cơ sở y tế xây dựng danh mục thuốc tại đơn vị, đảm bảo tính chủ động linh hoạt cho các cơ sở y tế.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 1.037 hoạt chất thuốc, hóa dược; 59 thuốc phóng xạ, chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, cổ truyền phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của người dân. Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo Vụ BHYT rà soát, cập nhật các danh mục thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, đối với danh mục thuốc còn liên quan đến việc đánh giá sự an toàn, tác động tới Quỹ BHYT nên trong thời gian qua, Bộ đang phối hợp với các bộ ngành để rà soát, bổ sung danh mục theo định kỳ. “Dự kiến, đến năm 2024 sẽ có những văn bản cập nhật nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.