Nhức nhối tình trạng ngộ độc thực phẩm

HƯƠNG BÌNH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trung bình trong 5 năm gần đây, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 100 vụ ngộ độc, 23 trường hợp tử vong. Riêng trong 5 tháng đầu năm nay đã ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm.

Nhức nhối tình trạng ngộ độc thực phẩm - ảnh 1
TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế hỏi thăm sức khoẻ công nhân bị nghi ngộ độc thực phẩm tại Vĩnh Phúc. Ảnh: Int

Nhiều vụ ngộ độc quy mô lớn với hàng trăm người nhập viện

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm cũng chỉ ra, so với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm về số lượng, tuy nhiên số ca mắc lại tăng hơn 1.000 người. Có những vụ ngộ độc có quy mô lớn khiến hàng trăm người mắc và nhập viện... 

Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vào giữa tháng 5/2024 tại bếp ăn tập thể Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam (Vĩnh Phúc) khiến 438 người mắc và phải nhập viện. Mới đây nhất, tại Đồng Nai, vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể công ty TNHH Dechang Việt Nam làm 95 người mắc, nhập viện. 

Về nguyên nhân, qua kiểm tra 36 vụ ngộ độc từ đầu năm tới nay ghi nhận 11 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến vi sinh vật, khiến 1.241 người mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong (chiếm 30,6% tổng số vụ, nhưng chiếm đến 58% số mắc); 2 vụ ngộ độc xảy ra do nguyên nhân hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên; 17 vụ ngộ độc không xác định nguyên nhân.

Cụ thể ở một số vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn thời gian gần đây như ở Sóc Trăng (xảy ra hồi tháng 1/2024, tại hộ kinh doanh bánh mì Thu Hà, làm 150 người mắc, nhập viện, TS Nguyễn Hùng Long cho biết, nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt nguội.

“Hiện nay các văn bản pháp luật về ATTP đã rất đầy đủ, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ban, ngành về việc quản lý. Các đơn vị cần thực hiện trách nhiệm của mình từ khâu nguyên liệu, sử dụng phụ gia, phụ phẩm cho đến sản phẩm cuối cùng. Điều quan trọng là thực hiện việc tuyên truyền, thanh kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh và người dân. Phải đưa ra giải pháp để quản lý phù hợp với từng vùng, từng địa phương”- TS Nguyễn Hùng Long nói.

Hay tại Khánh Hoà, vụ ngộ độc xảy ra tại quán cơm gà Trâm Anh tháng 3/2024, làm 369 người mắc và nhập viện có nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong gà. Quán cơm này không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định, không cung cấp được các hợp đồng và giấy tờ liên quan đến nguyên liệu thực phẩm…

Vụ ngộ độc tại tiệm bánh mì Cô Băng, Đồng Nai xảy ra cuối tháng 4/2024, làm 547 người mắc và nhập viện. Nguyên nhân do vi sinh vật Salmonella trong thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa. Tiệm bánh mì này cũng không có đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…

Thực tế cho thấy ngộ độc thực phẩm là sự cố khó tránh khỏi, ngay cả đối với các nước có hệ thống quản lý ATTP tiên tiến. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên bao gồm cả yếu tố khách quan (thời tiết nóng ẩm, phù hợp cho vi sinh vật phát triển đặc biệt trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật...), và yếu tố chủ quan (như sự phối hợp giữa các ban ngành, UBND đặc biệt ở tuyến cơ sở chưa tốt...).

Vẫn còn lơ là, chủ quan trong thực hiện các quy định về ATTP
Liên quan tới vấn đề quản lý ATTP hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: Ban Bí thư đã có Chỉ thị 17 về tăng cường công tác an ninh, ATTP trong tình hình mới; Chính phủ đã liên tiếp có nhiều chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm; các bộ, ban ngành và chính quyền địa phương đã vào cuộc, bước đầu đã có kết quả trong công tác đảm bảo an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, còn có 2 nội dung quan trọng trong lĩnh vực này cũng đã được triển khai và hướng dẫn cụ thể. Thứ nhất là về thể chế đã có: Luật ATTP; Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan... Thứ hai là về tổ chức thực hiện, cũng có đầy đủ hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở...

Tuy nhiên, quá trình triển khai trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn: Một số địa phương thiếu nhân lực, vật lực trong thực hiện công tác ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; do ảnh hưởng của thị trường, điều kiện kinh tế xã hội; do lợi nhuận; thậm chí một số doanh nghiệp định mức khẩu phần ăn cho người lao động ở mức thấp, sử dụng nguyên liệu giá rẻ, không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, còn do nhận thức và ý thức của một bộ phận người dân về bảo đảm ATTP phòng chống ngộ độc thực phẩm chưa tốt.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra: Trong một số vụ ngộ độc vừa rồi có quy định phải lưu mẫu và kiểm định nhưng cơ sở không thực hiện; cùng với đó quy định phải có kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng vẫn còn tình trạng các cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không đảm bảo điều kiện ATTP vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hoặc, cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP về kinh doanh các sản phẩm nông sản do ngành Nông nghiệp cấp nhưng lại thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát ATTP. Tình trạng các cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, nhưng thực tế không thực hiện, hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất dẫn đến gây ra ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về ATTP tại nhiều nơi, nhiều lúc chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở…

Tăng cường kiểm tra, thanh tra xử phạt các cơ sở vi phạm
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, để làm tốt công tác ATTP ngoài việc tổ chức triển khai tốt Luật ATTP, Nghị định 15, các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Trong đó, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề ATTP để đảm bảo sức khỏe cho mình, cho cộng đồng.

Tiếp đến, các cấp các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt đối với bếp ăn tập thể, cơ sở thức ăn đường phố. Một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra vừa qua là ở quán bán thức ăn đường phố, gần đây nhất ở Vĩnh Phúc là xảy ra tại bếp ăn tập thể.

“Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Y tế, các bộ ngành đã có chỉ đạo, tuy nhiên giờ chúng ta phải kiểm tra giám sát việc này để làm sao các cơ sở thực hiện cho tốt từ khâu nuôi trồng đến thu hái, chế biến, sử dụng. Mục đích cuối cùng là làm sao đưa thực phẩm sạch cho người dân sử dụng”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Hiện nay, việc kiểm tra ATTP sẽ có hai hình thức là kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Theo đó, với kiểm tra theo kế hoạch các địa phương sẽ lập kế hoạch ngay từ đầu năm. Trong trường hợp nếu cơ sở chưa đảm bảo các điều kiện như vệ sinh không đảm bảo, rác thải bừa bãi… không đúng quy định về ATTP thì sẽ bị xử phạt theo quy định.

Ngoài ra, các địa phương có thể kiểm tra đột xuất theo phản ánh, theo tháng cao điểm ATTP, hay theo ghi nhận thực tế. Nếu phát hiện sai phạm, các cơ sở sẽ bị xử phạt, đồng thời công khai vi phạm để người dân được biết.

Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành. Lĩnh vực ATTP không chỉ riêng của Bộ Y tế, mà các cấp, các ngành đều phải vào cuộc vì nó liên quan đến vấn đề nuôi trồng, thu hái, lưu thông trên thị trường và cuối cùng chế biến, sử dụng, liên quan rất nhiều lĩnh vực”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, cơ bản nhất là truyền thông làm sao nâng cao ý thức của người dân, ăn chín uống sôi, hạn chế tối đa mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố chưa đảm bảo vệ sinh. Vấn đề ý thức rất quan trọng.

Thông tin thêm về vấn đề này, TS Nguyễn Hùng Long cho biết: Theo quy định hiện nay, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn uống dù lớn hay nhỏ đều phải đủ điều kiện ATTP. Quy định pháp luật về phân cấp quản lý ATTP rất rõ ràng. Tùy từng địa phương sẽ có sự phân cấp quản lý.

Chủ yếu biện pháp nâng cao ATTP vẫn là tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, thanh tra xử phạt, đưa thông tin vi phạm lên các phương tiện đại chúng từ cấp xã phường. Trong đó, tuyên truyền cho hai đối tượng là người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Bởi, nhiều người dân dù nhìn thấy không đảm bảo an toàn nhưng vẫn sử dụng các loại thực phẩm này.

“Hiện nay các văn bản pháp luật về ATTP đã rất đầy đủ, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ban ngành về việc quản lý. Các đơn vị cần thực hiện trách nhiệm của mình từ khâu nguyên liệu, sử dụng phụ gia, phụ phẩm cho đến sản phẩm cuối cùng. Điều quan trọng là thực hiện việc tuyên truyền, thanh kiểm tra, giám sát và nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh và người dân. Phải đưa ra giải pháp để quản lý phù hợp với từng vùng, từng địa phương”- TS Nguyễn Hùng Long nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

(PNTĐ) - Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

(PNTĐ) - Sáng 17/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công ty Fujifilm Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ; hợp tác triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa; tập trung nghiên cứu khoa học, trao đổi để tiếp cận công nghệ mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu.
Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).