Những “bông hồng thép” tại Trung tâm Cấp cứu 115

Chia sẻ

Ít ai ngờ rằng, ở một nơi đảm nhận nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển người bệnh nhiều vất vả, thậm chí nặng nhọc như tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, hơn 50% bác sĩ, hơn 80% điều dưỡng lại là nữ giới.

Các điều dưỡng tại phòng điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội trong một kíp trực.Các điều dưỡng viên tại Phòng điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội trong một kíp trực. (Ảnh: Thảo Hương)

Những năm qua, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19, các chị là lực lượng đầu tiên tiếp xúc với người nghi nhiễm, vận chuyển bệnh nhân F0 đưa tới khu cách ly, sẵn sàng đối diện rủi ro, thách thức vì an toàn của người bệnh nói riêng, của thành phố nói chung.

Nhiệm vụ đặc biệt và những đêm không ngủ

Những ngày cuối năm, khi mọi người bắt đầu sắm sửa cho cái Tết thì nhân viên tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội (Trung tâm 115) lại “cắm chốt” ở cơ quan; công việc dường như cũng bận rộn, vất vả hơn.

19 giờ, tại phòng điều phối điện thoại trên tầng 3 của Trung tâm 115, khi điều dưỡng Trần Thị Phương Liên chưa kịp kết thúc cuộc gọi báo cấp cứu về trường hợp bệnh nhân tai nạn ở khu vực quận Đống Đa, thì chuông báo cuộc gọi đến từ một điện thoại khác đã đổ liên hồi. Không muốn người bệnh đợi lâu, cũng là để họ yên tâm rằng 115 đã nhận cuộc gọi, nhưng đang “kẹt” một ca cấp cứu khác, chị Liên đưa tay nhấc điện thoại, áp ống nghe vào tai còn lại, nhanh chóng giải quyết yêu cầu của bệnh nhân trước đó, rồi tiếp nhận thông tin, ghi chép cẩn thận ngày giờ, tình trạng, yêu cầu và địa chỉ cụ thể của bệnh nhân tiếp theo vào sổ để thực hiện các bước hỗ trợ.

Cuốn sổ A4 dày 200 trang thoáng chốc đã kín đặc những dòng chữ, tính ra chỉ đủ ghi thông tin các cuộc gọi tới Trung tâm trong 4 - 5 ngày. Đếm sơ sơ, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận trên dưới 1.800 cuộc gọi.

Tuy nhiên, đó chỉ là thống kê ở thời điểm thành phố không có dịch Covid-19. Còn vào những ngày cao điểm của dịch, lượng cuộc gọi đến Trung tâm 115 tăng gấp đôi, riêng tư vấn về Covid-19 đã trên 2.000 cuộc/ngày, chị em điều dưỡng luôn trong tình trạng quá tải, trả lời điện thoại liên tục, stress tới mức có thể cáu bất cứ lúc nào…” - BSCK I Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thông tin.

Cũng vào lúc dịch Covid-19 tại Hà Nội “cao điểm”, các cuộc gọi liền nhau, bữa cơm hàng ngày của các nữ bác sĩ, điều dưỡng làm công việc trực điện thoại và theo xe cấp cứu chẳng hề có giờ cố định. Nhất là ngày Hà Nội thực hiện cách ly, giãn cách xã hội… anh chị em Trung tâm 115 thường xuyên ăn bánh mỳ, uống sữa hộp cho qua bữa.

“Ở trạm Trung tâm 115 có 5/15 chiếc xe cấp cứu; kíp trực bao gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 1 lái xe. Trung bình, một kíp có thể thực hiện 8-10 chuyến/ca trực (đỉnh điểm đêm ngày 7/3 lên đến 120 chuyến), mỗi chuyến kéo dài 2-4 tiếng nên việc thức trọn 24h với các chị là điều bình thường. Nhìn vào tần suất làm việc của chị em, phải thừa nhận các bạn có sức khỏe, sức bền và sức chịu rất tốt; làm việc triền miên nhưng vào ngày nghỉ, ngày lễ, Tết vẫn đi làm đều, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn Hà Nội” - BS Thắng nói.

Những phụ nữ mang “tinh thần thép”

Nhớ lại lần đi cấp cứu vào lúc 2-3 giờ sáng tại gia đình một vợ chồng già (ở Bách Khoa, Hà Nội), nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Nụ (Trung tâm 115) kể: “Cụ ông sức khỏe yếu, gặp khó khăn về đi lại, cụ bà nằm liệt một chỗ, gia đình không có người giúp việc nên sau khi sơ cấp cứu cho cụ bà bị co giật xong, tôi và một nữ bác sĩ vừa phải dìu cụ ông đi, vừa phải tự dùng chăn khiêng cụ bà từ tầng 2 xuống để đưa tới bệnh viện”.

Nguy hiểm hơn cả là lúc cấp cứu vào ban đêm, địa hình vô cùng phức tạp. “Có lần chúng tôi cấp cứu cho bệnh nhân là con nghiện, bị sốc thuốc… ngay tại nghĩa trang hay bãi đất ven sông Hồng, xung quanh cả chục thanh niên nghiện hút khác. Trời tối đen như mực, giơ tay ra phía trước cũng không thể nhìn thấy, chị em phải níu chặt gấu áo nhau, dò dẫm từng bước, vừa đi vừa run nhưng vẫn tự trấn an, động viên bản thân vững vàng tâm lý để thực hiện sơ cứu, hoặc giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rằng trường hợp bệnh nhân này có thể không cứu được nữa… Rồi có cả đối tượng bệnh nhân là nạn nhân của một cuộc ẩu đả, đánh chém lẫn nhau; đối tượng bị tai nạn giao thông do say rượu, đuổi đánh cả bác sĩ trong lúc đang băng bó vết thương; đối tượng ngáo đá không tự chủ được hành vi của mình...” - điều dưỡng Đỗ Thị Hồng Liên chia sẻ.

Như thời điểm xuất hiện bệnh nhân Covid-19 thứ 17 tại Hà Nội, các nữ bác sĩ phải đi liên tục, da mặt nổi mụn, chằng chịt vết hằn vì đeo khẩu trang; tóc tai cũng xơ xác vì mỗi ngày đều tắm gội 5-6 lần. Đầu năm, cán bộ, nhân viên đều được phát áo mới, nhưng giặt nhiều quá nên bảng tên in trên áo mọi người giờ cũng mờ tịt, nhìn không rõ chữ. Phải mặc bộ đồ phòng dịch… còn kinh khủng hơn, cảm giác giống như người uống rượu, nóng hầm hập toàn thân tới mức chỉ muốn ốm, lần nào cởi ra quần áo cũng ướt sũng như người mới dầm nước mưa. Nhưng đi như vậy không phải lo về tình huống phát sinh, nguy hiểm ngoài dự liệu.

Làm việc bằng tình yêu nghề và trách nhiệm lương tâm

Không chỉ vất vả, các nữ bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm 115 còn chịu nhiều thiệt thòi vì có rất ít thời gian dành cho gia đình, người thân; thường xuyên ở cơ quan nhiều hơn ở nhà. Nhất là vào dịp Tết, hầu như không ai nghỉ phép vì các chị biết rằng, từ 28 đến mùng 4 Tết số chuyến cấp cứu luôn cao hơn ngày thường.

18 năm kể từ ngày làm việc tại Trung tâm 115, chị Hải mới có 4-5 lần được đón Giao thừa ở nhà cùng gia đình. Chị kể: “Ngày Tết ai cũng muốn ở bên chồng, con, nhưng vì đặc thù công việc nên mình phải thích nghi. Có lúc, các con gọi điện cho mẹ để chúc Giao thừa mà mình chỉ cảm ơn con ngắn gọn, rồi nhắn rằng mẹ đang trả lời điện thoại cấp cứu, không nghe máy được”.

Chia sẻ thêm về nỗi niềm của cán bộ Trung tâm 115, BS Thắng kể: Cơ quan mình có một group chung để mọi người nhắn tin trao đổi, hỗ trợ chuyên môn khi cần thiết. Nhiều hôm vào lúc Giao thừa, đọc tin nhắn của các chị em làm nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân cấp cứu nhắn về, miêu tả không khí vui xuân, đón Tết trên phố của người dân, cảnh pháo hoa rực rỡ nhìn qua kính của xe cấp cứu… mà rưng rưng nước mắt.

Hay như chị Nụ, 11 năm làm điều dưỡng tại Trung tâm 115 là từng ấy cái Tết không được nghỉ trọn vẹn ở nhà. Với chị “đặc thù công việc vất vả, nhiều rủi ro nhưng mình và các chị em trong Trung tâm đều yêu và tâm huyết với nghề; xác định đã chọn công việc này thì sẽ gắn bó, hết lòng vì nó. Nhất là khi mình được gia đình chia sẻ, ủng hộ. Các con mình cũng thấy tự hào khi biết mẹ là “chiến sĩ” tuyến đầu trên mặt trận phòng dịch Covid-19, là người cứu giúp nhiều bệnh nhân qua cơn nguy hiểm… Đây là nguồn động lực rất lớn giúp chúng mình vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).