Nới lỏng nhưng không "thả lỏng"

Chia sẻ

Thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, thời gian qua, Hà Nội đã nới lỏng một số hoạt động để vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều trường hợp F0 là người về từ vùng dịch

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, việc “mở cửa” và nới lỏng một số hoạt động khiến lực lượng y tế thành phố càng thêm áp lực. Xác định không thể có “zero Covid-19” tại cộng đồng trong giai đoạn này, thêm việc sẽ có nhiều người dân từ các tỉnh thành, nhất là vùng có dịch về Hà Nội… dẫn đến khó tránh phát sinh ca Covid-19, nên cán bộ y tế luôn phải trong tâm thế sẵn sàng, căng mình với các hoạt động chủ động phòng dịch, thực hiện chiến lược xét nghiệm, điều tra truy vết.

Thực tế, qua giám sát của thành phố với người về từ các địa phương có dịch cho thấy: Đến hết ngày 30/10, thành phố đã thực hiện rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 8.153 người về từ các tỉnh miền Nam. Trong đó, 4.798 người di chuyển bằng máy bay, 1.124 người di chuyển bằng tàu hỏa; 1.317 người di chuyển bằng ô tô, xe khách; 914 người di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô).

Qua rà soát, xét nghiệm đã phát hiện 48 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, về từ nhiều địa phương khác nhau như: TP Hồ Chí Minh (34 người), Đồng Nai (6 người), Bình Dương (3 người), Quảng Ngãi (2 người), Tây Ninh (1 người), Hà Giang (1 người), Hà Nam (1 người). Số ca mắc Covid-19 từ các tỉnh, thành phân loại theo phương tiện di chuyển: 26 người đi bằng ô tô, 15 người đi máy bay, 6 người đi tàu hỏa, 1 người đi bằng xe máy. Trong đó, 31 trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, 10 trường hợp mới chỉ tiêm 1 mũi, 7 trường hợp chưa tiêm và chưa đến tuổi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19.

Tính từ 6h ngày 22/10 đến 18h ngày 30/10 toàn thành phố có 160 ca Covid-19 mắc mới (trong đó 73 trường hợp trong cộng đồng), tại một số ổ dịch: Ngõ 67 Giáp Bát (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai), xã Sài Sơn (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai), ổ dịch Trần Quang Diệu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh).

Theo các chuyên gia y tế, việc Hà Nội xuất hiện các trường hợp dương tính với Covid-19 thời gian qua không phải điều bất ngờ và hoàn toàn trong dự liệu, nhất là khi thành phố “mở cửa”, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại. Chưa kể, người dân di cư từ các tỉnh, thành về Hà Nội hoặc đi qua thành phố là một trong những nguồn lây có nguy cơ cao.

Nới lỏng nhưng không (Ảnh: Minh họa)

Nới lỏng nhưng không “thả lỏng” phòng dịch

Xác định rõ nguy cơ dịch bệnh trong tình hình mới, bà Trần Thị Nhị Hà thông tin, thời gian qua, Y tế thành phố luôn nỗ lực hết mình và xây dựng kế hoạch cụ thể để ứng phó với diễn biến dịch, với phương châm “nới lỏng” nhưng không “thả lỏng” công tác phòng dịch Covid-19.

Trong công tác xét nghiệm, truy vết, Hà Nội kiên định thực hiện theo công thức 4-6: Tối đa trong 4 giờ sẽ tiến hành xong hoạt động điều tra, truy vết, trong 6 giờ sẽ hoàn thành việc xét nghiệm và trả kết quả. Từ đó, xây dựng "rào cản thép" từ y tế dự phòng để che chở cho hệ thống điều trị. Song song với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho người dân trong lứa tuổi trên 18, sẵn sàng kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Các trạm y tế lưu động tại khu vực dân cư, khu công nghiệp được xây dựng và tập huấn kỹ lưỡng để đảm bảo chăm sóc y tế cho người dân, cũng như trường hợp thực hiện cách ly y tế tại nhà.

Với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn về việc tăng cường chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ (ho, sốt, khó thở, biểu hiện cúm), sàng lọc chỉ định xét nghiệm cho người bệnh điều trị ngoại trú, nội trú, để chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2, cách ly kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh.

Liên quan tới các trường hợp Covid-19 về từ địa phương thuộc vùng dịch, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội cho biết: Những trường hợp này cũng được coi như ca nhập cảnh. Do đó, để quản lý tốt cần có sự phối hợp liên ngành thật chặt chẽ.

“Hiện nay, việc cung cấp danh sách những trường hợp trở về bằng đường hàng không tương đối đầy đủ, nhưng với đường bộ và đường sắt thì việc cung cấp danh sách còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cần yêu cầu các nhà xe, hãng xe, Tổng công ty Đường sắt thực hiện nghiêm việc thông báo danh sách những người trở về Hà Nội từ các địa phương có dịch để chính quyền giám sát, quản lý chặt chẽ” - ông Tuấn cho hay.

Trong bối cảnh độ phủ vắc-xin, nhất là lượng người đã tiêm đủ 2 mũi trên cả nước còn thấp, Hà Nội lại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng, chính quyền, cơ quan chức năng cần chủ động giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch về bằng xét nghiệm, kể cả người đã tiêm đủ 2 mũi. Đồng thời, yêu cầu người dân cam kết để không làm lây nhiễm ra cộng đồng. Đây là biện pháp thận trọng để ngăn dịch bùng phát.

Đặc biệt, mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó, phải nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.