Phát hiện thêm F0 càng sớm, khả năng dập dịch càng cao

Chia sẻ

Thời gian qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao, số ca mắc rải rác ở nhiều khu vực trên địa bàn. Ứng phó với diễn biến dịch bệnh phức tạp, thành phố đã nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh chỉ có thể kiểm soát tốt khi có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ từ phía người dân.

Ảnh: Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng trong diện sàng lọcHà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng trong diện sàng lọc (Ảnh: T.H) 

Nhiều trường hợp phát hiện do ho, sốt trong cộng đồng

Đợt dịch lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021), biến chủng Delta đã xuất hiện tại 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân.

Riêng tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4 tới 18h ngày 2/8/2021, thành phố có tổng cộng 1.345 ca mắc Covid-19, được chia thành 2 nhóm: Nhóm chùm ca bệnh liên quan các tỉnh/thành phố có dịch như: TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh; nhóm chùm ca bệnh chưa xác định rõ nguồn lây. Trong đó, số ca Covid-19 chưa xác định nguồn lây lên tới 1.142 trường hợp. Đặc biệt, số bệnh nhân từ sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng nguyên phát và thứ phát khá cao (số ca mắc lần lượt là 58 và 406 người).

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lượng người mắc Covid-19 mới có thể chia thành 2 nhóm chính: Các ca mắc tại ổ dịch hiện hữu (là F1 của trường hợp dương tính trước đó hoặc được phát hiện thông qua sàng lọc tại khu vực có nguy cơ cao, quanh nơi có ca bệnh ở các quận, huyện trên địa bàn), và trường hợp dương tính được xác định qua sàng lọc cộng đồng theo yếu tố dịch tễ (ho, sốt, mất vị giác…).

Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, có thể những ngày tới thành phố sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao. Bởi lẽ số ổ dịch tại thành phố tương đối nhiều, F0 tản mát ở nhiều khu vực nên thường phải mất 21-28 ngày mới có thể ổn định. Tuy nhiên, việc ghi nhận thêm các ca bệnh trong cộng đồng là vấn đề đã được lường trước; và phát hiện thêm F0 càng sớm, khả năng dập dịch càng cao.

Hà Nội kêu gọi người dân khai báo y tế, đặc biệt là khi ho, sốt

Đáng nói, hầu hết các ca bệnh Covid-19 ghi nhận của đợt này đều xuất hiện triệu chứng như ho, sốt... Vì vậy, theo ông Khổng Minh Tuấn, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ những người đi từ vùng dịch về mà với những người dân đã từng đi ra khỏi thành phố và bất cứ người dân nào, khi có triệu chứng nghi ngờ cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế hoặc đường dây nóng phòng chống dịch Covid-19, để được tư vấn, hướng dẫn xử trí kịp thời.

Căn cứ tình hình thực tiễn của dịch bệnh, Bộ Y tế mới đây đã ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19, thay thế quyết định cũ ban hành cách đây gần 1 năm. Quyết định nêu rõ các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 cụ thể là: Ho; sốt (trên 37,50C); đau đầu; đau họng, rát họng; sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; khó thở; đau ngực, tức ngực; đau mỏi người, đau cơ; mất vị giác; mất khứu giác; đau bụng, buồn nôn; tiêu chảy. 

Do đó, để kịp thời phát hiện, phân loại và điều trị các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, TP Hà Nội kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện khai báo y tế, nhất là đối với người có biểu hiện ho, sốt. Hiện nay, Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, phân loại danh sách những người khai báo có biểu hiện ho, sốt trên ứng dụng Bluezone và tokhaiyte.vn. Người có biểu hiện ho, sốt khai báo qua các hệ thống này sẽ được gửi danh sách đến các cơ quan y tế thành phố để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Tính đến hết ngày 31/7/2021, có 2.326.921 trường hợp khai báo y tế trên hệ thống phần mềm, số tờ khai mỗi ngày khoảng trên 70 nghìn trường hợp. Riêng trong ngày 31/7, có 1.008 trường hợp khai báo có biểu hiện ho sốt khó thở, trong đó 666 trường hợp khai báo trên Bluezone, 342 trường hợp khai qua tokhaiyte, các trường hợp này đã được chuyển danh sách sang Y tế để khám xét nghiệm sàng lọc Covid-19 (ghi chú: Số liệu trên là người dân tự khai báo lên hệ thống, không phải số liệu khai báo ho sốt do Covid-19).

Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh triển khai tiêm chủng vắc-xin cho người dân. Theo BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Vắc-xin ngừa Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì, và người được tiêm vẫn có thể bị mắc bệnh. Vắc-xin Covid-19 cũng không thể bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa, khi đã tiêm vắc-xin, chúng ta có thể không mắc Covid-19 nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Vì thế, người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, thực hiện tốt việc khai báo y tế cũng như giám sát cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, to lớn để đẩy lùi, tiến tới chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

CDC Hà Nội cũng vừa phát đi thông báo khẩn, yêu cầu tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện trên cần liên hệ ngay với Trạm y tế phường/xã nơi cư trú hoặc hotline 0969082115/0949396115 để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.

Kiểm tra, xử lý trường hợp tăng giá thuốc bất hợp lý

Lợi dụng tâm lý và nhu cầu tăng cường sức khỏe, phòng chống Covid-19 của người dân, một số cơ sở kinh doanh đã thổi phồng công dụng và tăng giá bán vô tội vạ nhiều sản phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng…

Trước tình hình này, Bộ Y tế và Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp tăng giá thuốc bất hợp lý. Ngày 26/7/2021, Bộ Y tế phải thu hồi công văn số 5944/BYT-YDCT sau 2 ngày ban hành do có những nội dung chưa phù hợp.

Trước đó, công văn này khuyến cáo tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu kèm theo danh mục gồm 12 loại thuốc, sản phẩm cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong đó, có nhiều sản phẩm như Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Bạch địa căn của bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an); viên nang Kovir và bột Nobel tăng cường miễn dịch của công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Hoạt huyết Nhất Nhất (công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất); Xuyên tâm liên CV19 với logo Toàn Lộc (vỏ hộp màu đỏ) và Xuyên tâm liên CV19 với logo Nhất Lộc (vỏ hộp màu xanh)…

Tuy nhiên, theo công văn số 1609/TCQLTT-CNV ngày 31/7, của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì những sản phẩm nêu trên đều chưa đăng ký bản công bố tại cơ quan có thẩm quyền hoặc ghi thông tin không chính xác, không có tác dụng điều trị, ngăn ngừa Covid-19, nhưng lại tăng giá bán đột biến so với giá bán thông thường niêm yết trước đó. Trước thực trạng đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Tổng cục QLTT cũng yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả; giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế...

Hiện, trên website của Tổng cục QLTT (địa chỉ www.dms.gov.vn; www.qltt.vn) đã đăng công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về những vi phạm. Mới đây, Sở Tư pháp Hà Nội ban hành Văn bản số 1996/STP-PBGDPL về tuyên truyền một số quy định người dân cần tuân thủ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và mức xử phạt vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, người có hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Về việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe mùa dịch, lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa, Hà Nội khuyến cáo: Bất cứ loại thuốc nào, kể cả sản phẩm thuốc đông y khi sử dụng cũng cần theo hướng dẫn của bác sĩ, người dân không nên tự ý sử dụng. Nếu cứ tự ý sử dụng không đúng cách có thể gây tổn hại tới sức khỏe như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi… Khi dùng liều cao có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan.

T.H

 THẢO HƯƠNG 

 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.