Phát hiện thêm F0 sớm, khả năng dập dịch càng cao

Chia sẻ

Thời gian qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao, số ca mắc rải rác ở nhiều khu vực trên địa bàn. Ứng phó với diễn biến dịch bệnh phức tạp, thành phố đã nhanh chóng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh chỉ có thể kiểm soát tốt khi có sự phối hợp chủ động, chặt chẽ từ phía người dân.

Ảnh: Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng trong diện sàng lọcẢnh: Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng trong diện sàng lọc (Ảnh: T.H)

Nhiều trường hợp phát hiện do ho, sốt trong cộng đồng

Đợt dịch lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021), biến chủng Delta đã xuất hiện tại 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân.

Riêng tại Hà Nội, tính từ ngày 29/4 tới 18h ngày 2/8/2021, thành phố có tổng cộng 1.345 ca mắc Covid-19, được chia thành 2 nhóm: Nhóm chùm ca bệnh liên quan các tỉnh/thành phố có dịch như: TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh; nhóm chùm ca bệnh chưa xác định rõ nguồn lây. Trong đó, số ca Covid-19 chưa xác định nguồn lây lên tới 1.142 trường hợp. Đặc biệt, số bệnh nhân từ sàng lọc ho, sốt tại cộng đồng nguyên phát và thứ phát khá cao (số ca mắc lần lượt là 58 và 406 người).

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lượng người mắc Covid-19 mới có thể chia thành 2 nhóm chính: Các ca mắc tại ổ dịch hiện hữu (là F1 của trường hợp dương tính trước đó hoặc được phát hiện thông qua sàng lọc tại khu vực có nguy cơ cao, quanh nơi có ca bệnh ở các quận, huyện trên địa bàn), và trường hợp dương tính được xác định qua sàng lọc cộng đồng theo yếu tố dịch tễ (ho, sốt, mất vị giác…).

Liên quan đến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lãnh đạo CDC Hà Nội cho rằng, có thể những ngày tới thành phố sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao. Bởi lẽ số ổ dịch tại thành phố tương đối nhiều, F0 tản mát ở nhiều khu vực nên thường phải mất 21-28 ngày mới có thể ổn định. Tuy nhiên, việc ghi nhận thêm các ca bệnh trong cộng đồng là vấn đề đã được lường trước; và phát hiện thêm F0 càng sớm, khả năng dập dịch càng cao.

Hà Nội kêu gọi người dân khai báo y tế, đặc biệt là khi ho, sốt

Đáng nói, hầu hết các ca bệnh Covid-19 ghi nhận của đợt này đều xuất hiện triệu chứng như ho, sốt... Vì vậy, theo ông Khổng Minh Tuấn, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ những người đi từ vùng dịch về mà với những người dân đã từng đi ra khỏi thành phố và bất cứ người dân nào, khi có triệu chứng nghi ngờ cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế hoặc đường dây nóng phòng chống dịch Covid-19, để được tư vấn, hướng dẫn xử trí kịp thời.

Do đó, để kịp thời phát hiện, phân loại và điều trị các trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, TP Hà Nội kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện khai báo y tế, nhất là đối với người có biểu hiện ho, sốt. Hiện nay, Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, phân loại danh sách những người khai báo có biểu hiện ho, sốt trên ứng dụng Bluezone và tokhaiyte.vn. Người có biểu hiện ho, sốt khai báo qua các hệ thống này sẽ được gửi danh sách đến các cơ quan y tế thành phố để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Tính đến hết ngày 31/7/2021, có 2.326.921 trường hợp khai báo y tế trên hệ thống phần mềm, số tờ khai mỗi ngày khoảng trên 70 nghìn trường hợp. Riêng trong ngày 31/7, có 1.008 trường hợp khai báo có biểu hiện ho sốt khó thở, trong đó 666 trường hợp khai báo trên Bluezone, 342 trường hợp khai qua tokhaiyte, các trường hợp này đã được chuyển danh sách sang Y tế để khám xét nghiệm sàng lọc Covid-19 (ghi chú: Số liệu trên là người dân tự khai báo lên hệ thống, không phải số liệu khai báo ho sốt do Covid-19).

Hiện nay, thành phố đang đẩy mạnh triển khai tiêm chủng vắc-xin cho người dân. Theo BS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Vắc-xin ngừa Covid-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì, và người được tiêm vẫn có thể bị mắc bệnh. Vắc-xin Covid-19 cũng không thể bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa, khi đã tiêm vắc-xin, chúng ta có thể không mắc Covid-19 nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Vì thế, người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, thực hiện tốt việc khai báo y tế cũng như giám sát cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, to lớn để đẩy lùi, tiến tới chiến thắng dịch bệnh trong thời gian sớm nhất.

CDC Hà Nội cũng vừa phát đi thông báo khẩn, yêu cầu tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện trên cần liên hệ ngay với Trạm y tế phường/xã nơi cư trú hoặc hotline 0969082115/0949396115 để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19.

Căn cứ tình hình thực tiễn của dịch bệnh, Bộ Y tế mới đây đã ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống Covid-19, thay thế quyết định cũ ban hành cách đây gần 1 năm. Quyết định nêu rõ các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 cụ thể là: Ho; sốt (trên 37,50C); đau đầu; đau họng, rát họng; sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; khó thở; đau ngực, tức ngực; đau mỏi người, đau cơ; mất vị giác; mất khứu giác; đau bụng, buồn nôn; tiêu chảy. 

Thảo Hương

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.