Phép màu “tế bào gốc”
PNTĐ-Điều trị bằng phương pháp tế bào gốc đã được áp dụng để chữa tim mạch, cơ xương khớp, tụy, da, các bệnh về máu… tại nhiều quốc gia.
Tế bào gốc (TBG) là những tế bào có khả năng biệt hóa thành các tế bào khác nhau để thay thế cho các tế bào bị mất đi do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Điều trị bằng phương pháp TBG đã được áp dụng để chữa tim mạch, cơ xương khớp, tụy, da, các bệnh về máu… tại nhiều quốc gia.
Ca ghép TBG chữa xơ phổi đầu tiên trên thế giới
Trong số ra tháng 10/2017, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu thế giới “American journal of case reports” đã công bố công trình nghiên cứu về trường hợp đầu tiên ghép TBG chữa xơ phổi thành công trên thế giới tại Việt Nam. Bệnh nhi là một trẻ sinh non 30 tuần tuổi, nặng 1,5kg, thực hiện tại bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, do GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Nguyên Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, Giám đốc viện Nghiên cứu tế bào gốc - công nghệ gen Vinmec thực hiện.
Tháng 5/2016, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng do thở máy kéo dài. Nhiễm trùng tái diễn và tăng áp lực động mạch phổi do các phương pháp điều trị truyền thống không phát huy tác dụng khiến bệnh nhi có nguy cơ tử vong cao. Sau một thời gian điều trị, nâng cao sức khỏe, tháng 9/2016, bệnh nhi được tiến hành ghép TBG. 4 tuần sau, bệnh nhi đã có thể tự thở, hoàn toàn cai được oxy, phát triển như trẻ bình thường. Sau ca đầu tiên này, bệnh viện đã ghép TBG chữa xơ phổi thành công cho 2 trường hợp sinh non khác ở tuần 26 và 31.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ: "Y văn thế giới chưa ghi nhận các phương pháp truyền thống giúp điều trị dứt điểm xơ phổi nặng ở trẻ sinh non. Trong khi đó, ghép TBG có thể mang lại hiệu quả triệt để bởi khả năng ngăn chặn và làm giảm quá trình xơ hóa phổi, đồng thời có thể biệt hóa thành phế nang mới giúp cải thiện cấu trúc và chức năng phổi. Nhờ đó, trẻ có thể tự thở, không cần lệ thuộc máy”.
Thành công trong ghép TBG chữa xơ phổi là bước ngoặt lớn trong lĩnh vực nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sinh non yếu. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 100 ngàn trẻ sinh non cần chăm sóc đặc biệt. Trong đó, 30-80% trẻ sinh non yếu ở tuần 26-28 có nguy cơ tử vong trong 2 năm đầu tiên do xơ phổi, nhiễm trùng, tăng áp lực động mạch phổi. Tỉ lệ này sẽ tăng lên đến 80-90% khi sinh non yếu ở tuần 24-25. Đặc biệt, 50% trẻ sinh non được cứu sống phải nhập viện trên 5 lần/năm do viêm phổi.
Triển vọng kỹ thuật ghép TBG mới trong tương lai
Tại Việt Nam, tính đến tháng 4/2015, cả nước đã ghép được 387 ca, trong đó có 218 ca ghép tự thân và 169 ca ghép đồng loài. Từ năm 2007, nhóm nghiên cứu gồm các bác sĩ của bệnh viện TW Quân đội 108 đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp ghép TBG tủy xương tự thân trong điều trị một số tổn thương xương khớp khó hồi phục như: khuyết hổng xương do kéo dài chi, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
Tại viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nghiên cứu kết quả ghép TBG tự thân trên 60 bệnh nhân đa u tủy xương và 22 bệnh nhân u lympho trong giai đoạn 2006 - 2014 cho thấy thời gian sống thêm toàn bộ của bệnh nhân 2 năm sau ghép chiếm 85,2%, sống 3 năm là 86,2% và trên 5 năm chiếm 57,8%. Ngoài ra, bệnh viện còn đạt được thành công bước đầu trong lĩnh vực này còn ở việc sử dụng TBG tạo máu để điều trị một số bệnh máu ác tính (ghép TBG tạo máu), chữa tan máu bẩm sinh…
Giữa tháng tháng 4/2017, kết quả nghiên cứu đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng TBG tự thân điều trị bại não ở trẻ em” của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cùng các đồng nghiệp đã được đăng trên Tạp chí BMC Pediatrics – một trong số 20 tạp chí về y khoa hàng đầu thế giới. Điển hình là trường hợp bé gái Nguyễn Lê Nhật Lam (8 tuổi, ở huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), phát hiện mắc bại bão năm 2014.
![]() |
Niềm vui trở lại với gia đình và bé Nhật Lam sau khi được ghép TBG |
Yên Hưng