Phiền toái vì cốc nguyệt san

Chia sẻ

PNTĐ-Cốc nguyệt san là một trong những sản phẩm được một số chị em phụ nữ sử dụng trong ngày “đèn đỏ”. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng gây ra không ít phiền toái nếu dùng không đúng cách.

 
Cốc nguyệt san là sản phẩm làm từ silicon y tế dài khoảng 5cm, đường kính khoảng 4 ngón tay, có dạng hình nón, giá dao động từ 600.000 -1.000.000đ. Sản phẩm cốc nguyệt san được đưa vào âm đạo để hứng chất dịch trong ngày có chu kỳ, sau đó rửa sạch dùng lại; song thực tế, nhiều trường hợp đã gặp rắc rối khi sử dụng cốc nguyệt san.
 
Phiền toái vì cốc nguyệt san - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
Chị Hoàng Thùy M (28 tuổi, Hà Nội) kể, qua giới thiệu của người bạn, chị đã mua một sản phẩm cốc nguyệt san được quảng cáo là nhập khẩu từ Đức về Việt Nam. Vào ngày đầu chu kỳ, chị mang ra dùng thử. Nhưng sau khi đưa sâu vào âm đạo, chị cảm thấy đau rát, loay hoay mãi mà cốc nguyệt san vẫn ở lì trong âm đạo không chịu ra. Kết quả chị M phải tới nhờ bác sĩ gắp ra giúp mình.
 
Hay trường hợp của một phụ nữ tên T (Hải Phòng). Vì nghe theo lời quảng cáo, chị T đã thử “yêu” trong ngày “đèn đỏ”, khi đang sử dụng cốc nguyệt san. Tuy nhiên, không những không có cảm giác khi quan hệ, chị T còn xuất hiện cảm giác đau rát. Mấy hôm sau, chị thấy âm đạo xuất hiện thêm những dấu hiệu bất thường: chảy dịch, cảm giác ngứa ngáy. Tới bệnh viện kiểm tra, chị được bác sĩ cho biết thành âm đạo bị xây xước nhiều phần, cổ tử cung xuất hiện tụ máu, viêm nhiễm.
 
Ngoài 2 trường hợp trên, theo các bác sĩ sản khoa, nếu sử dụng cốc nguyệt san sai cách, chị em còn có nguy cơ gặp những rắc rối khác như: Kinh nguyệt bị đổ trong quá trình lấy cốc ra khỏi âm đạo; kinh nguyệt rò rỉ; rách màng trinh ở bạn nữ chưa quan hệ tình dục; âm đạo có dấu hiệu nổi mụn nước, cơ thể phát ban, dị ứng cao su, thậm chí gây sốc phản vệ (khó thở, sưng môi, tim đập nhanh, tức ngực) nếu dùng phải sản phẩm “rởm”; nhiễm khuẩn âm đạo do vệ sinh không đúng cách…
 
Theo ThS.BSCKII Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Khám tự nguyện II, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi sử dụng cốc nguyệt san, chị em nên lưu ý chỉ để cốc nguyệt san trong khoảng 6-12 tiếng, tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt nhiều hay ít.  Nên thay cốc nguyệt san mỗi 12 tiếng. Nếu cốc nguyệt san đầy trước thời gian này, cần thay cốc trước khi kinh nguyệt bị trào ra ngoài. Việc vệ sinh cốc nguyệt san cũng rất quan trọng, chị em cần xem kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất để vệ sinh đúng cách.
 
Do được tái sử dụng, nên nếu người dùng vệ sinh không đảm bảo có thể dẫn đến trường hợp nhiễm khuẩn. Thông thường, nếu trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em có thể rửa sạch cốc với nước sạch và lại cho vào âm đạo. Cẩn thận hơn, có thể rửa cốc bằng loại xà phòng chuyên biệt dành riêng cho vệ sinh vùng kín. 
 
Bs Lê Thị Kim Dung - Phó Giám đốc viện Sức khỏe sinh sản (RAFH), Phụ trách khoa Sản Trung tâm Y tế 178 Thái Hà, khuyến cáo: Cốc nguyệt san là vật để chứa dịch trong chu kỳ, nhưng không phải là dụng cụ tránh thai. Do đó, không phải loại cốc được quảng cáo an toàn, thoải mái trong ngày đèn đỏ là giúp chị em vừa vệ sinh vừa tránh thai. Hơn nữa, không phải sử dụng cốc nguyệt san là chị em có thể thoải mái “yêu”. Bởi lẽ trong giai đoạn này, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi về các mô vùng chậu, âm đạo bị sung huyết, dễ chảy máu…
 
Đồng thời, dưới góc độ chuyên môn, các bác sĩ sản khoa khuyên rằng sản phẩm dùng ngoài âm đạo luôn an toàn hơn loại nhét vào bên trong. Và vì cốc nguyệt san như một “vật thể lạ” được đặt vào trong âm đạo, chị em cần sử dụng sản phẩm có xuất xứ rõ ràng. 
 
Sử dụng cốc nguyệt san, khi thấy có những dấu hiệu bất thường: đau bụng vùng hạ vị, mệt mỏi; ra huyết trắng đổi màu, có mùi hôi, ngứa âm đạo… chị em cần ngừng sử dụng và tới bệnh viện thăm khám phụ khoa, bởi đó là những dấu hiệu cho thấy âm đạo có thể đã bị mắc các bệnh lý về nhiễm trùng sinh dục.
 
Yên Hưng 

Tin cùng chuyên mục

Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng: Cảnh báo khi mùa hè đang đến gần

Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng: Cảnh báo khi mùa hè đang đến gần

(PNTĐ) - Dù mới bước vào đầu hè, nhưng chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận 3 bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Đuối nước ở trẻ em thường là hậu quả do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự bất cẩn của người lớn khi trông trẻ và hệ thống sông ngòi, ao hồ, bể bơi... chưa đảm bảo điều kiện an toàn.
Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.