“Quyền” duy trì sữa mẹ cho con tại nơi làm việc

Chia sẻ

Để duy trì sữa mẹ cho bé là một thử thách không hề nhỏ của các bà mẹ bỉm sữa, đặc biệt là khi trở lại với công việc. Nhiều bà mẹ chia sẻ rằng, phải vắt sữa ở nhà vệ sinh, phòng kho, hoặc không có nơi phù hợp để vắt sữa và bảo quản sữa.

Phòng vắt và trữ sữa cho công nhân nữ tại Công ty TNHH Điện Tử Meiko Việt NamPhòng vắt và trữ sữa cho công nhân nữ tại Công ty TNHH Điện Tử Meiko Việt Nam (Ảnh: Nguyễn An)

Nên có phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới để sửa đổi, bổ sung Nghị định 85/2015/NĐ-CP. “Sau 5 năm Nghị định 85 ra đời với quy định khuyến khích thiết lập phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc chỉ làm tăng từ 70 lên 500 cơ quan, doanh nghiệp có phòng vắt sữa, trong khi có hàng ngàn doanh nghiệp. Vậy nên đã đến lúc đưa quy định này thành bắt buộc”, bà Đỗ Hồng Vân – Phó Trưởng ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bày tỏ.

Tháng 6/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực trạng đời sống gia đình công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại 10 tỉnh/thành, trong đó có Hà Nội. 20 doanh nghiệp và 1.000 người lao động đã tham gia khảo sát, cho thấy, việc hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc được cả người lao động và người sử dụng lao động ủng hộ cao. Gần 100% người lao động tham gia khảo sát ủng hộ quy định “Mỗi doanh nghiệp nên có tối thiểu một phòng vắt, trữ sữa” và “cảm thấy hài lòng và gắn bó hơn khi làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tốt”.

Về phía người sử dụng lao động, đa số doanh nghiệp đều đồng ý rằng chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc giúp tăng sự hài lòng, tăng gắn kết của lao động nữ với doanh nghiệp, giảm thời gian lao động nữ nghỉ việc trông con ốm, tăng thời gian lao động nữ duy trì nuôi con bằng sữa mẹ.

Chị Đỗ Thị Kim Dung, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty ALK Vina chia sẻ: “Ban đầu doanh nghiệp làm phòng vắt sữa vì yêu cầu tuân thủ. Đến khi làm thì thấy tốt cho lao động nữ, nuôi con bằng sữa mẹ tốt hơn hẳn. Họ không phải vào phòng toilet vắt sữa bỏ đi nữa, thấy gắn bó với công ty vì chính sách tốt. Tôi ủng hộ luật yêu cầu DN bắt buộc có phòng vắt sữa. Vì nếu không làm thì doanh nghiệp lẫn người lao động sẽ không biết được có phòng vắt trữ sữa sẽ tác động tốt đến thế nào”.

Anh Nguyễn Văn Trưởng, Trưởng phòng Nhân sự - Hành chính, Công ty Hadanbi Vina cho rằng: “Chi phí phòng vắt sữa là khoảng 10 triệu đồng cho hàng nghìn người, hoàn toàn doanh nghiệp chi trả được. Nếu được đưa vào luật, đi kèm với truyền thông nâng cao nhận thức để chị em chủ động vắt sữa thường xuyên hơn, con họ sẽ hưởng lợi.

Theo bà Phan Thị Hồng Linh, Phó Giám đốc Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á (một dự án thúc đẩy dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) cho biết “Nếu tất cả các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ thiết lập phòng vắt trữ sữa, ước tính có 4,9 triệu lao động nữ và khoảng 140 nghìn trẻ được hưởng lợi mỗi năm”.

Cần có nhiều phòng vắt, trữ sữa hơn nữa

Tính đến tháng 5/2020, sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 85/2015/NĐ-CP, cả nước có 826 phòng vắt, trữ sữa được thiết lập ở 515 cơ quan, doanh nghiệp ở 40 tỉnh và thành phố (năm 2014 chỉ có 70 phòng tại 23 tỉnh thành). Các phòng vắt sữa này đã mang lại lợi ích cho 1 triệu lao động nữ, trung bình cứ 1.200 lao động nữ đã có một phòng vắt trữ sữa. Hà Nội là địa phương có nhiều phòng vắt sữa nhất (182 phòng tại 103 cơ quan, doanh nghiệp). Samsung là doanh nghiệp có nhiều phòng vắt sữa nhất với tổng số 61 phòng. Chỉ 25% doanh nghiệp nhận xét phòng vắt, trữ sữa hoạt động ít hiệu quả hoặc không hiệu quả do chưa có lao động nữ mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ, lao động nữ chưa được truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ, phòng vắt trữ sữa ở vị trí xa nơi làm việc, không thuận lợi.

Việt Nam đã có chế độ nghỉ thai sản 6 tháng được hưởng lương (quy định trong Luật Lao động sửa đổi 2012) và thực hiện tốt một số biện pháp bảo vệ thai sản khác. Tuy nhiên, lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ còn cần được hỗ trợ tại nơi làm việc về thời giờ nghỉ ngơi và một nơi riêng tư an toàn để vắt sữa, cùng sự ủng hộ khuyến khích của đồng nghiệp và người sử dụng lao động. Vì vậy, cần có nhiều phòng vắt, trữ sữa hơn nữa để đảm bảo thuận tiện cho nhiều lao động nữ có thể sử dụng hơn.

Nghiên cứu của Alive & Thrive còn chỉ ra, tỷ lệ giữ chân lao động ở doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt là 94%, gần gấp đôi tỷ lệ của tất cả các doanh nghiệp nói chung (59%). Lao động nữ làm việc tại doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ và nghỉ thai sản tốt cảm thấy hài lòng, gắn kết với doanh nghiệp cao hơn gấp ba lần, từ đó năng suất lao động cao hơn. Bên cạnh đó, nuôi con bằng sữa mẹ còn góp phần giảm thời gian nghỉ trông con ốm của lao động nữ.

QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

​  Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

​ Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn thành phố; có giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố kịp thời, phù hợp, không để dịch lây lan, bùng phát.
Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng: Cảnh báo khi mùa hè đang đến gần

Liên tiếp 3 trẻ đuối nước nghiêm trọng: Cảnh báo khi mùa hè đang đến gần

(PNTĐ) - Dù mới bước vào đầu hè, nhưng chỉ trong 3 ngày cuối tuần vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận 3 bệnh nhi đuối nước nghiêm trọng, nguy kịch tính mạng. Đuối nước ở trẻ em thường là hậu quả do sự hiếu động của trẻ nhỏ, sự bất cẩn của người lớn khi trông trẻ và hệ thống sông ngòi, ao hồ, bể bơi... chưa đảm bảo điều kiện an toàn.