Thầm lặng nghề điều dưỡng

THANH LOAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhắc tới ngành y là nhắc tới sứ mệnh cứu người, ở đó vai trò của cán bộ điều dưỡng trong chăm sóc, đồng hành, gắn bó cùng bệnh nhân là không thể thiếu. Không ít người đã dành cả thanh xuân của mình để học tập, cống hiến, tận tụy vì bệnh nhân trong sứ mệnh cao cả ấy.

Thầm lặng nghề điều dưỡng - ảnh 1
Điều dưỡng Đặng Thị Hạ chăm sóc cho bệnh nhân tại Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai

Tận tình chăm sóc bệnh nhân bằng cả tấm lòng

Mỗi người điều dưỡng thường mang trọng trách, nhiệm vụ khác nhau, nhưng ở những môi trường làm việc đặc thù như chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm, sự khó khăn, vất vả dường như tăng lên gấp bội. 

Tại khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức truyền nhiễm - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Viện LSCBTN), Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108, với chức năng điều trị mặt bệnh truyền nhiễm cấp tính nặng, một người bệnh lại có thể mắc rất nhiều bệnh mãn tính của các chuyên khoa khác nhau… Đặc điểm người mắc bệnh truyền nhiễm thường diễn biến cấp tính, có thể nhanh chóng chuyển biến nặng, dẫn đến sốc, suy đa tạng hôn mê, thậm chí tử vong. Do vậy việc chăm sóc điều trị theo dõi người bệnh đặc biệt từ phía điều dưỡng là điều rất quan trọng chiếm tỉ lệ thành công trong điều trị người bệnh. 

Chia sẻ về công việc hàng ngày của các điều dưỡng trong khoa, Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hương Lan - khoa Bệnh lây đường hô hấp, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108 cho hay: Hằng ngày điều dưỡng trong khoa ngoài việc thực hiện thuốc dịch truyền xét nghiệm theo y lệnh của bác sĩ, còn chăm sóc toàn diện về vệ sinh cá nhân ăn uống cho người bệnh. Không riêng các chị em mà nhiều điều dưỡng là nam giới, ở gia đình có thể chưa bao giờ phải tắm gội cho ai, nhưng khi tới bệnh viện, nhiệm vụ tắm, gội cho bệnh nhân là việc làm thường xuyên. 

Vất vả về công việc, các anh chị điều dưỡng cũng rất áp lực về thời gian. Nếu như nghỉ lễ, Tết là lúc các gia đình có dịp sum vầy, tụ họp bên nhau, thì người điều dưỡng lại căng mình 24/24 giờ để trực, điều trị, chăm sóc tích cực cho người bệnh. Có những đêm, người điều dưỡng căng mình trực với 5 cái máy lọc, 6 cái máy thở. Buổi khuya tĩnh mịch, vắng lặng, khắp không gian phòng bệnh chỉ có tiếng máy kêu, tiếng bệnh nhân thở và tiếng gõ máy tính làm việc hoặc bước chân khẽ khàng đi lại kiểm tra máy móc của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng trực.

Mỗi ca trực, bữa ăn tối của các bác sĩ, điều dưỡng luôn là sự vội vàng tranh thủ thay phiên nhau, khi thì bát mì tôm úp vội, khi chỉ là chiếc bánh mì pate nhưng vẫn phải đảm bảo để đủ sức khỏe làm việc và hoàn thành ca trực an toàn. Nhọc nhằn, áp lực là vậy nhưng với tình yêu nghề, người điều dưỡng sẵn sàng hy sinh khoảng thời gian của riêng mình, chấp nhận những vất vả và tận tình chăm sóc người bệnh bằng cả tấm lòng.
Luôn sẵn sàng đồng hành cùng người bệnh

Có lẽ nhờ sự gắn bó ấy nên nhiều người điều dưỡng như anh Mai Văn Hạnh - Điều dưỡng trưởng khoa Ngoại bụng II, cơ sở Tân Triều, bệnh viện đã giống như ngôi nhà thứ hai, và bệnh nhân giống như người thân thiết, ruột thịt của chính mình. 

Với phẫu thuật ung thư tiêu hoá, rất nhiều ca phẫu thuật khó, bệnh nặng được các bác sĩ trong khoa thực hiện thành công. Nhiều ca mổ cấp cứu ngay trong đêm, nhiều ca tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc thế nhưng may mắn lại mỉm cười. Trong những trường hợp ấy, không chỉ bác sĩ mà đội ngũ điều dưỡng cũng rất vất vả, cẩn trọng từng bước để chăm sóc sau mổ, đảm bảo không nhiễm trùng, biến chứng sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh.  

Không những hết mình vì người bệnh trong công tác chuyên môn, chăm sóc người bệnh mà anh Hạnh còn là cầu nối hỗ trợ người bệnh điều trị tại khoa có hoàn cảnh khó khăn. “Có trường hợp bệnh nhân người dân tộc quê tại Lai Châu, do gia đình hoàn cảnh ngặt nghèo, bệnh tiến triển mong muốn trở về địa phương để điều trị nhưng không có đủ tiền để đi xe cấp cứu, tôi đã liên hệ kết nối một chuyến xe với kinh phí 7-8 triệu đồng đưa người bệnh về nhà ngay trong đêm và kèm theo chút quà là tấm lòng của tôi và một số đồng nghiệp trong khoa gửi tặng bệnh nhân” - anh Hạnh nhớ lại. 

Đó cũng là tâm tư, tình cảm nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ - Trung tâm cấp cứu A9, BV Bạch Mai luôn mang theo trong suốt chặng đường làm nghề của mình. Tại Trung tâm cấp cứu A9, điều dưỡng đóng vai trò quan trọng, yêu cầu chuyên môn và trách nhiệm cao. Họ không ở tâm thế “phụ việc” cho bác sĩ mà luôn chủ động lên kế hoạch, sẵn sàng mọi phương án tác chiến từ tiếp đón, cấp cứu đến làm các công việc khác trong phòng thủ thuật. Ngoài theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, biết sử dụng máy móc như máy hạ thân nhiệt, máy thở, máy lọc máu, điều dưỡng viên còn phải thuần thục các kỹ thuật chăm sóc, nắm bắt tâm lý để người bệnh sớm hồi sức.

Chị Hạnh cho hay: Khi đã vào tình trạng cấp cứu, bệnh nhân thường có tâm lý khó chịu, cáu gắt. Lúc này, người điều dưỡng phải xem họ như người thân để dễ dàng cảm thông, chia sẻ. Dù người bệnh có đứng trước cửa tử, điều dưỡng viên cũng phải luôn truyền được năng lượng lạc quan, giúp bệnh nhân gạt bỏ cảm giác lo lắng, sợ hãi, bình tĩnh đón nhận cuộc sống phía trước. Những quan tâm dù là rất nhỏ nhưng cần thiết, giúp họ thêm ấm lòng hơn trong lúc yếu đuối nhất.

Không chỉ trong viện, bên ngoài cuộc sống chị cũng làm rất tốt việc cấp cứu. Tháng 3/2024, trong chuyến du lịch tại Đà Nẵng, chị bất ngờ gặp vị khách nước ngoài có dấu hiệu ngưng tim. Bằng nghiệp vụ sẵn có, nữ điều dưỡng đã ép tim giúp người đàn ông qua cơn nguy kịch. Với trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn này, chắc chắn sẽ rất khó qua khỏi nếu không tình cờ được điều dưỡng A9 có mặt tại đó cấp cứu. Sự xả thân, tinh thần của “chiến sĩ” khoác áo blouse của chị Hạ đã được ghi nhận bằng khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Y tế, của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. 

Có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng chị Hạ luôn khiêm nhường. Với chị, những phần thưởng cao quý của Ban giám đốc và lãnh đạo Bộ Y tế sẽ động viên chị tiếp tục nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và công việc. Phần thưởng khiến chị hạnh phúc hơn nữa chính là sự tin yêu của đồng nghiệp và bệnh nhân.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

(PNTĐ) - Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

(PNTĐ) - Sáng 17/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công ty Fujifilm Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ; hợp tác triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa; tập trung nghiên cứu khoa học, trao đổi để tiếp cận công nghệ mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu.
Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).