Thụ tinh trong ống nghiệm: Hiện thức hóa giấc mơ làm cha mẹ của người hiếm muộn

HOÀNG NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn nhiều năm vẫn luôn tìm kiếm hy vọng để hiện thực hóa ước mơ được làm cha, làm mẹ. Ngày nay, may mắn nhờ ứng dụng nhiều phương pháp y học hiện đại như thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse… đã mang đến “trái ngọt” cho không ít cặp vợ chồng hiếm muộn.

Vỡ òa đón nhận tin vui sau 7 năm chờ đợi

Chị Doãn Thị Thu Hoài (sinh năm 1987, quê ở Kim Sơn, Ninh Bình) vẫn còn nhớ mãi giây phút bàng hoàng khi hay tin người chồng mới cưới chưa đầy một năm gặp tai nạn lao động. Sau tai nạn bất ngờ ấy, anh Trần Văn Đức - chồng chị bị liệt hoàn toàn, chưa kể một bên mắt bị hỏng.

Hai năm phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải trông chờ vào người vợ hỗ trợ, anh Đức kể rằng, đã có lúc anh khuyên nhủ vợ nên đi tìm hạnh phúc mới, để được thực hiện thiên chức làm mẹ. Song chị Hoài nói: “Nhiều lần chồng khuyên tôi nên đi lấy người khác, nhưng tôi vẫn nói với anh rằng vợ chồng đến với nhau được là do duyên số. Tôi sẽ không bỏ đi đâu khác, vẫn sẽ ở bên cạnh anh và hi vọng một phép mầu sẽ mang đến hạnh phúc cho hai vợ chồng”.Thụ tinh trong ống nghiệm: Hiện thức hóa giấc mơ làm cha mẹ của người hiếm muộn - ảnh 1

Thụ tinh trong ống nghiệm: Hiện thức hóa giấc mơ làm cha mẹ của người hiếm muộn - ảnh 2
Sau rất nhiều ngày dài của sự lo lắng, thất vọng, bế tắc, vợ chồng chị Hoài đã nở nụ cười mãn nguyện với những đứa con của mình.

Những ngày tháng tiếp đó, chị đồng hành cùng anh qua các bệnh viện tập phục hồi chức năng, tập ngồi, tập đi. Và rồi, sức khỏe của anh Đức đã hồi phục theo cách mà bác sĩ gọi là sự kỳ diệu. Giờ đây, anh đã có thể ngồi được, tự cầm đũa, di chuyển bằng xe lăn, có thể tự đứng lên…

Khi tình trạng sức khỏe ổn định hơn, niềm khao khát có đứa con bế bồng trong vợ chồng anh lại mãnh liệt hơn bao giờ hết. Vợ chồng anh Đức đưa nhau đi khám, bác sĩ kết luận trường hợp của anh bị “con giống” yếu, phải tìm đến các phương pháp can thiệp y khoa. Đầu năm 2020, sau 6 năm kết hôn, vợ chồng anh quyết vay mượn và dồn hết số tiền đang có để thực hiện thụ tinh nhân tạo (bơm “con giống” vào buồng tử cung - IUI) nhưng rồi thất bại.

Trong lúc chị Hoài không còn dám mơ đến giấc mơ được làm mẹ nữa, bởi điều kiện kinh tế khó đủ chi phí để làm thụ tinh trong ống nghiệm - IVF, thì một cuộc điện thoại của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã thay đổi tất cả. Biết được hoàn cảnh của anh chị, bệnh viện đã quyết định hỗ trợ miễn phí 100% chi phí làm IVF. Hạnh phúc hơn chị Hoài đã mang bầu thai đôi ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Những ngày mang bầu dù lo lắng, sợ hãi, nhưng chị vẫn luôn cố gắng có đủ sức khỏe để chăm chồng, đi làm công nhân may và dưỡng thai thật tốt dưới sự tư vấn của các bác sĩ.

Năm 2021, sau 7 năm cưới nhau, chị Hoài sinh thường hai bé trai, đặt tên là Trần Minh Nhật và Trần Nhật Minh. Anh Đức vẫn nhớ mãi ngày đặc biệt ấy: “Ngày vợ vào viện sinh con, tôi không đi cùng được mà chỉ có thể theo dõi qua điện thoại. Khi biết tin hai con đã chào đời khỏe mạnh, tôi ôm mặt khóc nức nở. Tôi cảm ơn vợ rất nhiều vì đã hi sinh cả tuổi thanh xuân cho tôi, cảm ơn các bác sĩ đã giúp đỡ và tận tâm để tôi đón con chào đời suôn sẻ”.

Và ngôi nhà của họ xưa kia vắng vẻ nay đã ngập tràn tiếng cười trẻ thơ. “Ngày chưa có con, 8h tối là nhà cửa im ắng, giờ có bọn trẻ thì lúc nào cũng bận rộn, vui vẻ, cười đùa, nhà cửa rộn ràng hơn rất nhiều. Vợ chồng mong sao các con sẽ lớn lên thật khỏe mạnh và vui vẻ”, chị Hoài nở nụ cười hạnh phúc.

Thụ tinh trong ống nghiệm: Hiện thức hóa giấc mơ làm cha mẹ của người hiếm muộn - ảnh 3
ThS, BS Lê Thị Thu Hiền tư vấn cho cặp vợ chồng hiếm muộn

Thành công cao nhờ phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp

Thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization và viết tắt là IVF) là phương pháp hỗ trợ sinh sản bằng cách cho trứng và tinh trùng kết hợp ở ngoài cơ thể. Phôi thai được tạo thành sau khi trứng và “con giống” kết hợp thành công sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung của người phụ nữ. Phôi sau đó làm tổ, phát triển thành thai nhi như trong các trường hợp thụ thai tự nhiên. Đây là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất và được áp dụng rất phổ biến cho các cặp vợ chồng vô sinh hiện nay.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Tỉ lệ thành công của IVF phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm: Nguyên nhân vô sinh: các bệnh lý, bất thường cơ quan sinh sản. Tuổi người vợ và thời gian vô sinh: Tuổi vợ càng cao, thời gian vô sinh kéo dài sẽ làm giảm tỉ lệ thành công. Bệnh lý nội khoa, ngoại khoa ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Yếu tố phôi: Số lượng phôi chuyển, chất lượng phôi chuyển. Thói quen hút thuốc lá, dùng các chất kích thích: có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến kết cục điều trị.

Tuy nhiên, không phải mọi chu kỳ điều trị đều dẫn đến việc chuyển phôi, có một tỉ lệ nhỏ phụ nữ không có noãn hoặc noãn chưa trưởng thành sau khi chọc hút hoặc có noãn trưởng thành sau chọc hút nhưng không thụ tinh tạo thành phôi dẫn đến không có phôi để chuyển.

Thụ tinh trong ống nghiệm: Hiện thức hóa giấc mơ làm cha mẹ của người hiếm muộn - ảnh 4
Nhiều phương pháp y học hiện đại được ứng dụng đã mang đến tin vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh trung bình của các cặp vợ chồng trên toàn cầu từ 6 đến 12%. Trong đó, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất. Hiện tại, có rất nhiều ca bệnh hiếm muộn khó điều trị, nhưng tại bệnh viện vẫn đạt tỉ lệ thành công cao nhờ áp dụng phác đồ điều trị và can thiệp y khoa thích hợp, tỉ lệ thành công trung bình từ 65-70%. Qua từng năm, tỉ lệ điều trị thành công cho bệnh nhân hiếm muộn cần can thiệp các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, điển hình là IVF càng tăng.

Bệnh viện cũng rất thành công trong việc điều trị những ca khó, như trường hợp mắc vô sinh do hội chứng Klinefelter, vô tinh do nhiều nguyên nhân (ứng dụng kỹ thuật vi phẫu Micro TESE), bệnh nhân nữ có bất thường như tử cung đôi, bệnh nhân vô sinh trên 20 năm, gia đình mang gen Thalasemia, Hemophilia,…

Chuyên gia Hỗ trợ sinh sản khuyên, các cặp vợ chồng, khi duy trì đời sống tình dục bình thường, không sử dụng biện pháp tránh thai: Dưới 35 tuổi – độ tuổi sinh sản tốt nhất, trong vòng 1 năm vẫn chưa thấy mang thai thì nên đi thăm khám vô sinh, hiếm muộn. Trên 35 tuổi, trong vòng 6 tháng chưa thấy mang thai thì nên đi thăm khám vô sinh, hiếm muộn để phát hiện, điều trị kịp thời.

Tin cùng chuyên mục

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

Tiêm cồn tuyệt đối điều trị u nang tuyến giáp

(PNTĐ) - Nang tuyến giáp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Dù đa phần bệnh mang yếu tố lành tính nhưng cũng gây ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Xu hướng điều trị mới, can thiệp không phẫu thuật hay can thiệp tối thiểu như phương pháp tiêm cồn tuyệt đối đang ngày càng được quan tâm, vì tính hiệu quả, nhanh chóng và ít tốn kém hơn so với phẫu thuật.