Tiêm vắc-xin cho trẻ 12-17 tuổi, cha mẹ cần lưu ý gì?

Chia sẻ

Tỷ lệ trẻ em tử vong do Covid-19 không cao so với người lớn song vẫn gây ra ảnh hưởng lâu dài về thể chất, tinh thần của trẻ. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tiêm cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Một số nước cũng tiêm cho trẻ 5-12 tuổi, thậm chí từ 2 tuổi trở lên (chẳng hạn vắc-xin của Cuba đã được tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên ở nước này).

Tiêm vắc-xin cho trẻ 12-17 tuổi, cha mẹ cần lưu ý gì? - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa, int)

Tới đây, khi Việt Nam triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi, điều cần lưu ý đầu tiên là cha mẹ, người giám hộ của trẻ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành kèm theo Công văn 8688/BYT-DP.

Trước khi tiêm vắc-xin Covid-19, trẻ nên ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, uống đủ nước, không sử dụng chất kích thích, ngủ đủ giấc, tuân thủ các quy định phòng chống dịch như: Khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi thực hiện chủng ngừa, các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sàng lọc những trường hợp trẻ có bệnh nền, có tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc, vắc-xin hay bất kỳ dị nguyên nào khác trước khi tiêm là rất quan trọng. Về tinh thần chung, tất cả các loại vắc-xin đều phải thận trọng, không riêng vắc-xin Covid-19.

Sau khi tiêm vắc-xin, trẻ cần phải ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí kịp thời những dấu hiệu bất thường. Ngoài ra, trẻ cần tiếp tục tự theo dõi ít nhất 7-28 ngày sau tiêm tại nhà, thông báo bác sĩ ngay nếu nổi mề đay, mệt tức ngực, khó thở, choáng váng, đau bụng nhiều…

Cơ thể trẻ tiêu thụ năng lượng rất lớn khiến bản thân dễ bị mệt sau khi tiêm vắc-xin. Nếu thêm việc vận động mạnh, chạy nhảy quá mức thì cơ thể càng mệt hơn. Vì thế khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin Covid-19 về, người nhà phải dặn dò, hạn chế hoạt động của trẻ để kiểm soát, phát hiện sớm các bất thường về tình trạng sức khỏe, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh.

Phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi không đáng lo ngại, được chia làm hai nhóm: Thông thường (phổ biến) và nghiêm trọng (cực kỳ hiếm). Trẻ em cũng có thể chịu các tác dụng phụ, có khả năng kéo dài với mức độ tương tự như người lớn. Thực tế, hầu hết phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19 là những phản ứng thông thường như đau, đỏ tại vị trí tiêm hoặc các triệu chứng “giả cúm” như mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, đau đầu, sốt…

Các phản ứng này thường sẽ tự khỏi trong vòng 2-3 ngày sau tiêm. Trong trường hợp sốt cao, lạnh run có thể dùng thuốc hạ sốt để giảm triệu chứng khó chịu. Nếu xuất hiện tình trạng nôn ói, đi ngoài, mệt lả, khó thở… gây khó chịu, người được tiêm nên đến ngay bệnh viện kiểm tra. Đối với một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp gây phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 1 nghiêm trọng, thì trẻ không nên tiêm mũi 2 hoặc phải được tiêm ở bệnh viện có đủ điều kiện cấp cứu ban đầu và được khám sàng lọc cẩn trọng.

Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hiện nay, vắc-xin Covid-19 được coi là “chìa khóa” quan trọng để người dân thích ứng trong tình hình mới, giúp trẻ giảm nguy cơ mắc Covid-19, ngăn ngừa lây lan, không trở nặng, hạn chế tối đa nguy cơ chăm sóc điều trị khẩn cấp và tử vong mà còn giúp con trẻ được trở lại với các hoạt động bình thường tại trường học và với bạn bè. Nhưng để đảm bảo an toàn trước đại dịch, trẻ em và người lớn vẫn cần tuân thủ khuyến cáo 5K + 5T theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

BS Trương Hữu Khanh
(Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh)

Tin cùng chuyên mục

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).
Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

Sự cố y khoa tại BV Thu Cúc: Bộ Y tế nói gì?

(PNTĐ) - Liên quan đến sự cố y khoa trường hợp tử vong thai nhi là con chị Trần Ngọc Diệp khi đến khám thai và sinh con tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Thu Cúc tháng 3/2024, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu đơn vị thực hiện giải quyết sự cố y khoa nêu trên theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.