Trầm cảm ở tuổi vị thành niên
(PNTĐ) - Trầm cảm là vấn đề phổ biến ở tuổi vị thành niên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 10-20% trẻ vị thành niên trải qua ít nhất một rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm là phổ biến nhất.
Nguyên nhân sinh bệnh
Trầm cảm ở vị thành niên là một vấn đề sức khỏe tâm thần phức tạp, bắt nguồn từ sự tương tác của nhiều yếu tố khác nhau. Trẻ có cha mẹ mắc trầm cảm có nguy cơ cao gấp 2 lần.
Ngoài ra còn có các yếu tố về mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh: Giảm serotonin (ảnh hưởng tâm trạng), dopamine (mất hứng thú) và norepinephrine (giảm năng lượng). Sự mất cân bằng giữa chất kích thích (glutamate) và ức chế (GABA) cũng góp phần vào rối loạn cảm xúc. Thay đổi giải phẫu não: Giảm thể tích vùng hồi hải mã, tăng hoạt động hạch hạnh nhân (gây ra các phản ứng sợ hãi căng thẳng thái quá, phản ứng tiêu cực mãnh liệt) và giảm thể tích vỏ não trước trán.
Yếu tố gia đình: Ly hôn, bạo lực, thiếu quan tâm; bị bắt nạt ở học đường, áp lực thi cử. Yếu tố cá nhân: Tính cách nhạy cảm, khó chia sẻ cảm xúc. Những người trải qua các trải nghiệm tiêu cực nghiêm trọng trong thời thơ ấu như bị lạm dụng, bạo hành trải qua các triệu chứng trầm cảm cao hơn khi phải đối mặt với các yếu tố gây căng thẳng hiện tại.
Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không phải ai tiếp xúc với trải nghiệm đau thương cũng trở nên chán nản. Tính cách và thời điểm xảy ra các sự kiện đều liên quan đến mối quan hệ giữa trầm cảm và các sự kiện cuộc sống căng thẳng, mặc dù các yếu tố sinh học như chức năng serotonergic cũng bị ảnh hưởng.

Dấu hiệu nhận biết
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu khác nhau, đôi khi dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với những thay đổi tâm sinh lý bình thường của lứa tuổi.
Cảm xúc: Buồn bã vô cớ, có thể bao gồm những cơn khóc không rõ lý do; cảm thấy vô vọng hoặc trống rỗng. Tâm trạng cáu kỉnh hoặc khó chịu, dễ tức giận cáu gắt vì những chuyện nhỏ. Mất hứng thú hoặc niềm vui trong các thú vui sở thích trước đây; cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi. Nhớ về những sự kiện buồn khi còn nhỏ, tự trách bản thân và gia đình. Cực kỳ nhạy cảm với sự từ chối hoặc thất bại. Khó suy nghĩ, tập trung, đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ. Cảm giác tương lai thật ảm đạm và u ám. Thường xuyên nghĩ đến cái chết.
Hành vi: Mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn so với mức bình thường. Thay đổi cảm giác ngon miệng; sử dụng rượu hoặc chất để cố làm mình dễ chịu hơn. Kích động hoặc bồn chồn, đi lại nhiều, không thể ngồi yên. Kết quả học tập kém hoặc thường xuyên nghỉ học, bỏ học. Ít chú ý đến vệ sinh cá nhân hoặc ngoại hình. Bùng nổ cơn giận dữ vô cớ, hành vi gây rối. Tự làm đau bản thân (hành vi tự gây thương tích). Lên kế hoạch tự sát hoặc cố gắng tự sát.
Nhận thức: Giảm tập trung, học tập sa sút, khó đưa ra quyết định. Ngoài ra, trầm cảm ở vị thành niên có thể đi kèm với các rối loạn đồng mắc khác, bao gồm: Rối loạn liên quan đến sử dụng chất; rối loạn hoảng sợ; rối loạn ám ảnh cưỡng bức; chán ăn tâm thần; ăn vô độ tâm thần; rối loạn nhân cách ranh giới.
Sự quan tâm là chìa khóa phòng ngừa
Phòng ngừa trầm cảm ở vị thành niên đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo đó, gia đình cần dành thời gian lắng nghe, tránh so sánh giữa các con; can thiệp kịp thời khi trẻ có dấu hiệu bị bắt nạt hoặc stress. Về phía nhà trường, càn tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý, phát hiện sớm học sinh có nguy cơ; giáo dục kỹ năng ứng phó với áp lực. Ngoài ra, khuyến khích trẻ tham gia thể thao, nghệ thuật để giải tỏa cảm xúc.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiên lượng của trầm cảm ở vị thành niên. Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần khi có các dấu hiệu sau: Trẻ có ý định tự sát hoặc hành vi tự hủy hoại. Triệu chứng (buồn chán, mất ngủ, chán ăn) kéo dài trên 2 tuần. Suy giảm nghiêm trọng học tập, sinh hoạt.