Trẻ gánh họa vì cha mẹ “bỏ quên” mũi tiêm vắc-xin nhắc lại

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nguyên tắc tiêm vắc-xin là cách giúp ra hệ miễn dịch cho trẻ. Quá trình tiêm nhắc lại để kích thích cơ thể tăng tính miễn dịch, đảm bảo tạo kháng thể giúp trẻ phòng, chống được bệnh mà trẻ được tiêm vắc-xin loại bệnh đó. Tuy nhiên, có không ít cha mẹ do tâm lý chủ quan nên “quên” mũi tiêm này, gây ra di chứng nặng nề cho trẻ.

Quên tiêm nhắc lại, trẻ liệt tứ chi do di chứng viêm não Nhật Bản

Hiện tại, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (bệnh viện Nhi TƯ) đang điều trị cho 3 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản, độ tuổi từ 5-10 tuổi. Trước đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 38-390C, sau đó bị đau đầu tăng dần và ngủ nhiều; được đưa tới bệnh viện để khám và chẩn đoán mắc viên não Nhật Bản, cho nhập viện điều trị. Hiện 2 bệnh nhân đã có tình trạng tương đối ổn định. Bệnh nhân còn lại tình trạng tương đối nặng phải thở máy. Đáng nói, dẫn tới tình trạng nói trên một phần là do gia đình đã quên không đưa trẻ đi tiêm mũi vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản nhắc lại, gây hậu quả nặng nề.

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Nhi TƯ, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi. Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, bệnh thường xuất hiện và có số ca mắc gia tăng vào mùa hè, đặc biệt tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. 

“Viêm não Nhật Bản thường hay gặp ở những trẻ lớn từ khoảng 3 tuổi trở lên, nhất là nhóm từ 5-15 tuổi. Vắc-xin viêm não Nhật Bản có tác dụng phòng bệnh trong khoảng 3-5 năm, trong khi trẻ thường được tiêm vắc-xin từ khoảng 12 tháng tuổi, nhưng khi trẻ lớn, các bậc phụ huynh hay quên đưa con đi tiêm mũi nhắc lại. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao và di chứng để lại rất nặng nề, thậm chí có những trẻ phải nằm một chỗ cả đời hay phải điều trị phục hồi chức năng trong một thời gian rất dài mà vẫn chịu ảnh hưởng nhất định đến phát triển trí tuệ và phát triển vận động.

Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu; việc điều trị viêm não Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao. Ước tính tỷ lệ trẻ tử vong do mắc viêm não Nhật Bản là từ 3-5%, tỷ lệ di chứng có thời điểm lên tới 20-25%. Nếu tính cả những trường hợp trẻ sau khi ra viện và được theo dõi, đánh giá sau 2-3 năm, thì tỷ lệ di chứng còn cao hơn nhiều” - TS.BS Đỗ Thiện Hải thông tin.

Trong khoảng 10 năm qua, thế giới đã có những tiến bộ rất lớn trong việc bào chế và sản xuất vắc-xin; nhiều vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản lưu hành trên thị trường, trong đó, có loại đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đảm bảo được 3 mũi vắc-xin đầu tiên cho trẻ. Sau đó, các bậc phụ huynh phải lưu ý sau 3-5 năm trẻ cần phải tiêm nhắc lại một lần.

Đặc biệt, hiện đã có loại vắc-xin chỉ cần tiêm 2 mũi đã có thể giúp bảo vệ trẻ trong hơn 10 năm. Với người lớn, cũng có thể mắc viêm não Nhật Bản, nhưng tỷ lệ rất ít và thường không gặp di chứng nặng nề như ở trẻ nhỏ. Bởi vậy, cha mẹ phải tuyệt đối tuân thủ đúng, đủ, lịch tiêm vắc-xin, không bỏ sót mũi tiêm nhắc lại của trẻ.

Trẻ gánh họa vì cha mẹ “bỏ quên” mũi tiêm vắc-xin nhắc lại - ảnh 1
Bệnh nhi 5 tuổi (Thanh Hóa) mắc viêm não Nhật Bản đã hôn mê 10 ngày,  suy hô hấp, di chứng nặng liệt tứ chi đang điều trị tại BV Nhi TƯ

Tiêm vắc-xin đủ, đúng lịch để bảo vệ trẻ tốt nhất

Từ những trường hợp trên, các bác sĩ cũng khuyến cáo: Không riêng với bệnh viêm não Nhật Bản, trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ dưới 1 tuổi cần tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin phòng 8 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/ viêm màng não mủ do Hib, bại liệt, sởi. Trẻ 18-24 tháng tuổi được tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu - ho gà -  uốn ván mũi 4 (DPT4) và tiêm vắc-xin sởi-rubella. Mỗi loại vắc-xin đều có cách tiêm nhắc lại khác nhau. 

Sở dĩ cần có các mũi tiêm nhắc lại vì đối với một số vắc-xin sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này này giảm đi, có thể bé không có khả năng bảo vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Vì vậy, trẻ cần được tiêm chủng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch cả các mũi tiêm nhắc lại để giúp cơ thể được bảo vệ ở mức tốt nhất.

Với các liều vắc-xin tiêm nhắc lại hoặc tiêm bổ sung, về cơ bản tính an toàn không khác biệt các liều tiêm trước đó. Trước khi tiêm chủng trẻ sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc và chỉ định tiêm chủng thích hợp. Những trường hợp có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốc, sốt cao trên 390C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở… sẽ chống chỉ định với liều tiêm tiếp theo cũng như các mũi tiêm nhắc lại có cùng thành phần.

Tuy nhiên trên thực tế nhiều gia đình còn chưa biết vì sao sau 1 tuổi trẻ vẫn cần tiêm nhắc lại đầy đủ các mũi vắc-xin. Tỷ lệ tiêm thấp có thể do cha mẹ “quên” hoặc xao nhãng mũi tiêm này do tâm lý chủ quan cho rằng đã tiêm chủng cho trẻ khi trẻ còn nhỏ thì có thể bảo vệ cho trẻ khỏi mắc các bệnh truyền nhiễm. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tình trạng sức khỏe của trẻ. Và chỉ có đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin phù hợp theo lứa tuổi, đặc biệt lưu ý không quên các mũi tiêm nhắc lại mới là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất cho trẻ.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương

Phó Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương

(PNTĐ) - Chiều 15/3, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã diễn ra lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác cán bộ. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế dự và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho TS.BS Nguyễn Thị Thu Hà.
2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong vì bệnh dại

2 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 22 ca tử vong vì bệnh dại

(PNTĐ) - Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).
Ngoạn mục cứu sống nữ bệnh nhân bị xe tải cán qua người

Ngoạn mục cứu sống nữ bệnh nhân bị xe tải cán qua người

(PNTĐ) - Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiếp nhận và cứu sống thành công một người bị tai nạn giao thông do một xe tải 1,5 tấn chở hàng hóa lùi và đè qua người khiến người này bị đa chấn thương nghiêm trọng: Vỡ khung chậu phức tạp, vỡ bàng quang, đa gãy xương… Nạn nhân được đưa vào cấp cứu thông qua hệ thống cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E.