Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo thống kê, hiện số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao (ước tính trên 100.000 bệnh nhân). Như vậy sẽ có trên 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị...

Trên 40% bệnh nhân lao chưa được phát hiện và điều trị - ảnh 1
Bác sĩ khám cho một bệnh nhân mắc lao. Ảnh: Int 

70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động 
Báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy: Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Đến năm 2023, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11/30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. 

Năm 2023, ước tính cả nước có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao (so với năm 2022), cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao được phát hiện. 

Mục tiêu Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội đặt ra trong năm 2024 là giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 45 người/100.000 dân; giảm tỷ lệ tử vong do lao trên địa bàn thành phố xuống dưới 4 người/100.000 dân; giảm tối đa nguy cơ phát sinh tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn lao, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Đồng thời, duy trì mạng lưới phòng chống lao từ tuyến thành phố đến quận/huyện và 100% xã/phường. 

Trong 2 năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Đáng nói, không chỉ người già mà cả người trẻ cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lao. PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cảnh báo: Trẻ em mắc lao đang là mối lo ngại mới. Đặc biệt, trẻ sống trong gia đình có người mắc lao phổi, có nguy cơ lây nhiễm cao hơn trẻ khác, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Triệu chứng lao ở trẻ em khác với người lớn, không đặc hiệu, trẻ không thể nói rõ được các triệu chứng nên khó phân biệt với các bệnh hô hấp khác, dễ chẩn đoán nhầm.

Như vậy, dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm. Trong khi đó, công tác phòng chống lao tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. Trong hoạt động lao kháng thuốc, theo báo cáo năm 2023, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 3.775, và thu nhận 3.587 vào điều trị. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt mức 72,3% so với chỉ tiêu kế hoạch (4.963). Tỷ lệ điều trị thành công của bệnh nhân năm 2021 là 74%, còn thấp hơn chỉ tiêu đề ra (78%) và ghi nhận tỷ lệ bỏ điều trị còn cao (11,6%) trong khi phác đồ chuẩn ngắn hạn đã được mở rộng trên cả nước.

Còn nhiều khó khăn trong công tác phòng chống lao
Phân tích nguyên nhân khiến công tác phòng, chống lao gặp nhiều khó khăn, theo các chuyên gia: Sự thay đổi về cơ chế chính sách đối với việc cung ứng thuốc lao từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng tác động không nhỏ và ảnh hưởng đến hệ thống cung ứng thuốc của Chương trình chống lao quốc gia. Thuốc còn tồn tại địa phương có hạn sử dụng ngắn, nguy cơ hết hạn trong khi chưa được phê duyệt cơ chế chính sách, nguồn kinh phí mua sắm thuốc cho đối tượng bệnh nhân lao không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bệnh nhân lao tại các cơ sở chưa đủ điều kiện thanh toán nguồn BHYT.

Chưa kể, nhiều đơn vị tỉnh, thành vẫn còn lúng túng trong việc triển khai mô hình phối hợp y tế công - tư (PPM) do thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và sự chỉ đạo của Sở Y tế. Hoạt động phát hiện lao trẻ em còn hạn chế, số ca lao trẻ em phát hiện còn thấp so với kỳ vọng và so với ước tính của WHO. 

Đứng trước những khó khăn nói trên, đại diện lãnh đạo Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, chương trình chống lao cần triển khai tối ưu các chiến lược/chính sách hiện có. Đó là, bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội. Đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc-xin mới, các tiếp cận/can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao. Chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình. 

Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế - Chương trình chống lao quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở trong đó có cán bộ làm công tác chống lao. Chương trình chống lao quốc gia sẽ triển khai các hoạt động phát hiện tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng động và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nội dung của cuốn tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Nguy cơ trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

(PNTĐ) - Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, các con càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.
Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

Tăng cường hợp tác, ứng dụng công nghệ mới trong y khoa

(PNTĐ) - Sáng 17/7/2024, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và công ty Fujifilm Việt Nam đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ; hợp tác triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là lĩnh vực nội soi tiêu hóa; tập trung nghiên cứu khoa học, trao đổi để tiếp cận công nghệ mới; thúc đẩy nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Châu Âu.
Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

Hà Nội: Ghi nhận 11 ổ dịch sốt xuất huyết mới

(PNTĐ) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 5/7 đến ngày 12/7) toàn thành phố ghi nhận 109 ca mắc sốt xuất huyết tại 20 quận, huyện; trong đó huyện Đan Phượng có số mắc cao với 43 ca. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 1.166 ca mắc, 0 tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023 (990/0).