Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ thành thị và nông thôn tăng 2-3 lần trong 10 năm qua

Chia sẻ

Ngày 15/4, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức hội nghị công bố kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020. Đây là cuộc tổng điều tra dinh dưỡng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ thành thị và nông thôn tăng 2-3 lần trong 10 năm qua - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Cuộc tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 được tiến hành ngay sau cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 (tháng 4-2019) với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh, thành phố đại diện cho 6 vùng sinh thái. Cuộc tổng điều tra này thực hiện đồng thời các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn cá thể cũng như thông tin về an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020), năng lượng trung bình trong khẩu phần ăn của người dân trong năm 2020 đạt 2.023kcal/người/ngày (tăng nhẹ so với mức năng lượng 1.925kcal/người/ngày năm 2010), trong đó protein chiếm tỷ lệ 15,8%, lipid chiếm 20,2% và glucid chiếm 64%. Cơ cấu này được coi là cân đối theo khuyến nghị cho người Việt Nam.

Ngoài ra, mức ăn rau quả của người dân cũng đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày và 60,9g quả chín/người/ngày vào năm 2010 lên 231g rau/người/ngày và 140,7g quả chín/người/ngày trong năm 2020. Tuy nhiên, mức tiêu thụ rau quả mới chỉ đạt khoảng 66,4% - 77,4% so với nhu cầu khuyến nghị của Tháp dinh dưỡng cho người trưởng thành.

Riêng mức tiêu thụ thịt thời gian qua tăng nhanh, nhất là ở khu vực thành thị. Cụ thể, 84g/người/ngày là mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc vào năm 2010, nhưng vào năm 2020 đã tăng lên 136,4g/người/ngày. Với khu vực thành phố, mức tiêu thụ thịt cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (trong năm 2020). Trong khi đó, mức tiêu thụ gạo lại có xu hướng giảm. Điều đáng nói, tại các trường học ở thành phố, có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.

Kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc (2019-2020) cũng cho thấy, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trong 10 năm qua có xu hướng giảm thì tỷ lệ thừa cân, béo phì lại tăng mạnh. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc hiện là 19,6% và được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngoài ra, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (từ 5-19 tuổi) còn 14,8% (năm 2010 tỷ lệ này là 23,4%). Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi này lại tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% vào năm 2020 (gấp hơn 2 lần), trong đó tỷ lệ thừa cân, béo phì khu vực thành thị là 26,8% (gấp hơn 3 lần) và ở nông thôn là 18,3% (gấp hơn 2 lần).

Cũng theo cuộc tổng điều tra lớn nhất này, chiều cao đạt được của thanh niên Việt Nam cũng đã có sự thay đổi mạnh. Cụ thể, chiều cao ở nhóm thanh niên nam 18 tuổi năm 2020 đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010); ở nữ năm 2020 đạt 156,2cm (tăng 1,4cm so với năm 2010).

Đánh giá chung về kết quả của cuộc tổng điều tra này, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định, tổng điều tra 2020 được tiến hành nhằm đánh giá các mục tiêu chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2010-2020, đồng thời cung cấp các bằng chứng khoa học cập nhật về tình hình dinh dưỡng, mức tiêu thụ lương thực - thực phẩm làm cơ sở để xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng mới cho giai đoạn 2020-2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, các kết quả chính của tổng điều tra dinh dưỡng 2019-2020 cho chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh về dinh dưỡng Việt Nam, những tiến bộ trong 10 năm qua cũng như những thách thức, khó khăn cần giải quyết trong giai đoạn tới. Trong chiến lược dinh dưỡng giai đoạn mới, Việt Nam cần có những nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn.

 THU TRANG/HNM

Theo http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/996386/ty-le-thua-can-beo-phi-o-tre-thanh-thi-va-nong-thon-tang-2-3-lan-trong-10-nam-qua

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.