Vô tinh... vẫn có thể sinh con

Chia sẻ

PNTĐ-Với sự tiến bộ của y học và các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới, thậm chí vô tinh vẫn có thể chữa trị được.

 
Kết hôn đã lâu nhưng không có con, vợ chồng anh Hoàng Văn Duy và chị Nguyễn Thị Hằng quyết định tới bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kiểm tra. Qua kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, bác sĩ phát hiện trong tinh dịch của anh Duy không có tinh trùng (còn gọi là hiện tượng vô tinh). Đây là nguyên nhân khiến vợ chồng anh chị không thể thụ thai tự nhiên.
 
Để điều trị, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp Micro TESE - vi phẫu tinh hoàn nhằm tìm kiếm, “bắt” tinh trùng của anh Duy; đồng thời làm thủ thuật kích trứng cho chị Hằng để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh ống nghiệm. May mắn là các thủ thuật trên đều có kết quả tốt, quá trình thụ tinh, chuyển phôi của anh chị cũng diễn ra thuận lợi. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng, anh Duy, chị Hằng cũng sinh được một bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh.
 
Vô tinh... vẫn có thể sinh con - ảnh 1
BS CKII Nguyễn Khắc Lợi tư vấn cho bệnh nhân về điều trị vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: Lê Nhài

 
BS CKII Nguyễn Khắc Lợi - Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Trường hợp vô sinh, hiếm muộn do vô tinh như gia đình anh Duy không phải cá biệt. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng trên 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Trong đó, vô sinh do vợ và chồng cùng chiếm khoảng 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân.
 
Riêng nhóm vô sinh do vô tinh (không có tinh trùng trong tinh dịch) thường chiếm từ 10-15% trong các trường hợp vô sinh nam. Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này: do nam giới bị bệnh lý liên quan đến tinh hoàn (teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, một số rối loạn nhiễm sắc thể...); hoặc gặp vấn đề về đường dẫn (tắc ống dẫn tinh, tắc ống mào tinh, không có ống dẫn tinh bẩm sinh…). 
 
Nam giới vô tinh do đường dẫn nhưng 2 tinh hoàn vẫn sản xuất tinh trùng bình thường, căn cứ vào tình trạng và nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể áp dụng một trong các phương pháp: mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc, nối lại ống dẫn tinh, mào tinh; dùng kỹ thuật chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (kỹ thuật PESA) để lấy tinh trùng; chọc hút tinh trùng từ mào tinh nhưng sau khi đưa mào tinh ra ngoài (kỹ thuật MESA); phẫu thuật để lấy một miếng mô nhỏ của tinh hoàn và lọc tinh trùng ra khỏi tinh hoàn (kỹ thuật TESE) để làm thủ thuật thụ tinh.
 
Trường hợp nguyên nhân vô tinh nằm ở tinh hoàn (hệ thống dẫn tinh bình thường nhưng 2 tinh hoàn tổn thương quá nặng, không sinh tinh), bệnh nhân sẽ được chỉ định làm thủ thuật tìm tinh trùng bên trong tinh hoàn. Một trong số đó là phương pháp vi phẫu Micro TESE: Dưới kính hiển vi phóng đại, bác sĩ sẽ soi kỹ các ống sinh tinh của nam giới và tìm chính xác vài điểm có khả năng sinh tinh trong cả khối tinh hoàn bị hư.
 
Nếu người đàn ông bình thường mỗi lần xuất tinh có thể được hàng trăm triệu tinh trùng thì việc dùng kỹ thuật này đôi khi chỉ có thể tìm được một vài tinh trùng hoặc vài chục tinh trùng, vừa đủ để làm ống nghiệm. 
 
Khi phát hiện bị vô tinh, đa số nam giới tỏ ra lo sợ, nhiều trường hợp sốc nặng, bị trầm cảm vì nghĩ rằng mình sẽ vĩnh viễn không thể có con… Tuy nhiên, BS CKII Nguyễn Khắc Lợi khẳng định: Với tiến bộ của y học hiện đại, việc điều trị căn bệnh không có tinh trùng, đặc biệt là chứng vô sinh do không có tinh trùng đã đơn giản hơn rất nhiều. Nam giới mắc chứng vô tinh vẫn có thể có con, thậm chí có nhiều con.
 
Riêng tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, từ năm 2017 tới nay đã mổ vi phẫu tìm tinh trùng cho khoảng 200 nam giới, trên 50% tìm thấy tinh trùng và có cơ hội làm cha.
 
Trừ trường hợp nam giới không có tinh trùng do suy tinh hoàn, khả năng có con và khỏi bệnh là thấp; các nguyên nhân khác đều có thể khắc phục nhanh chóng nếu phát hiện sớm.
 
Bởi vậy, BS Lợi khuyến cáo: Nam giới cần chủ động thăm khám sức khỏe sinh sản: kiểm tra nội tiết tố sinh dục nam, viêm tinh hoàn, nhiễm trùng hệ tiết niệu - sinh dục, bất thường bẩm sinh… để phòng ngừa nguy cơ dẫn đến mất khả năng sinh tinh. Nhiều trường hợp nam giới bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục thông thường nhưng không được điều trị triệt để, dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn tinh, gây vô tinh bế tắc.
 
Lý Thanh 

Tin cùng chuyên mục

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Báo động dịch sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

(PNTĐ) - Mùa mưa đến cũng là thời điểm sốt xuất huyết (SXH) bùng phát. Bệnh có thể diễn biến nhanh, nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Hiện nay, chúng ta đang bước vào giai đoạn cao điểm của dịch với nguy cơ bùng phát phức tạp.
7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

7 nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài

(PNTĐ) - Mất ngủ không đơn thuần là thiếu ngủ. Đó là tình trạng không hài lòng về số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ, kéo dài ít nhất 3 đêm/tuần trong ít nhất 3 tháng, dù có đủ cơ hội để ngủ, gây ra đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong các hoạt động xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, học tập, hành vi hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

Hà Nội: Số ca mắc sởi tăng nhanh, báo động dịch bệnh mùa hè diễn biến phức tạp

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ ngày 20/6 đến 27/6, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc mới. Đáng chú ý, dịch sởi ghi nhận mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm trước, đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng chống dịch trong mùa hè.
Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

Bệnh viện Nam Thăng Long triển khai bệnh án điện tử, bước đi quan trọng trong số hóa Y tế

(PNTĐ) - Trong bối cảnh ngành y tế Thủ đô đang mạnh mẽ đẩy nhanh tiến trình số hóa và chuyển đổi số, hướng tới mô hình y tế thông minh, Bệnh viện Nam Thăng Long đã đánh dấu một bước tiến quan trọng khi chính thức triển khai bệnh án điện tử (EMR). Đây là bệnh viện công lập thứ 17 của Hà Nội thực hiện chuyển đổi này, khẳng định nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố trong việc hiện đại hóa dịch vụ khám chữa bệnh.