Xử trí sơ cứu người bị động kinh

Chia sẻ

Theo chuyên gia của khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (bệnh viện Đại học Y Hà Nội), động kinh là bệnh mạn tính có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đó là một rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương, trong đó hoạt động của não bị thay đổi, gây ra co giật và đôi khi là mất ý thức trong thời gian ngắn. Không ít trường hợp ai đó đã gặp/chứng kiến người bị động kinh, co giật ngay ở ngoài đường, hoặc bất cứ đâu nhưng không biết kỹ năng xử trí. Dưới đây là cách sơ cứu đúng và kịp thời giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm.
 
Xử trí sơ cứu người bị động kinh - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
 
Thái độ xử trí
 
Các chuyên gia khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống cho biết, trường hợp gặp/ chứng kiến người bị động kinh, bạn cần lưu ý: 
 
- Giữ tâm trạng bình tĩnh, không cuống quýt, la lối om sòm. Tiếp đó yêu cầu những người chung quanh bình tĩnh và lùi ra sau.
 
- Nhẹ nhàng đỡ lưng người đang bị co giật nằm xuống một mặt phẳng an toàn, như sàn nhà, hoặc miếng nệm (không nên để nằm trên giường vì có thể bị ngã).
 
- Xoay lưng người đang co giật, để họ nằm nghiêng một bên giúp họ dễ thở hơn, chùi sạch nước bọt, hoặc các chất nôn ói (nếu có), rồi kê một cái gối mềm dưới đầu, hoặc có gì dùng đó, như gấp mền nhỏ, áo khoác... đều được.
 
- Nhìn chung quanh xem có vật nào cứng, nhọn, dễ bể, dễ cháy... hay không. Nếu có, cần thu dọn hết những đồ vật này ra xa để phòng ngừa chấn thương thêm cho bạn và người đang bị co giật. Xem trên người của người đang bị co giật có gì nguy hiểm không, thí dụ như mắt kính, nới lỏng cổ áo, cà-vạt, thắt lưng… đề phòng thắt, ngạt.
 
- Bạn cần theo dõi và ghi nhận những gì đang xảy ra (co giật một bên hay hai bên, tay hay chân hay cả hai, có trợn mắt, gồng người hay không, có bị tiểu ướt quần hay không...) để có thể kể lại với bác sĩ hoặc với người co giật sau này.
 
- Xem đồng hồ, ghi nhận thời gian cơn co giật (điều này rất quan trọng), nếu cơn co giật quá 5 phút phải gọi cấp cứu. Khi cơn co giật thoái lui, bảo đảm bệnh nhân thở lại như bình thường. Nếu sau khi ngưng co giật, người bệnh không tỉnh lại lúc này bạn nên gọi cấp cứu.
 
 
Lưu ý những việc không nên làm
 
Khi gặp/chứng kiến người bị động kinh, co giật bạn cần lưu ý: 
 
- Không cố gắng ngăn ngừa bệnh nhân cắn phải lưỡi bằng cách đưa bất cứ một thứ đồ vật nào vào miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chẳng may cắn phải lưỡi lúc co giật, khi hết cơn đưa bệnh nhân vào bệnh viện để xử trí.
 
- Không đè, hoặc giữ tay chân bệnh nhân lúc đang co giật.
 
- Không nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cũng như không ép bệnh nhân uống thuốc, hoặc uống nước cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn.
 
Thời điểm cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện
 
Bạn đưa bệnh nhân đến viện khi:
 
- Bệnh nhân chưa được chẩn đoán động kinh trước đó.
 
- Bệnh nhân đang mang thai, đang bị tiểu đường, hoặc bị chấn thương lúc co giật. 
- Cơn co giật kéo dài trên 5 phút.
 
- Cơn co giật thứ hai xảy ra ngay khi cơn đầu tiên vừa chấm dứt.
 
- Sau cơn, bệnh nhân không thở lại tốt như bình thường, kêu đau đớn trong người, hoặc không tỉnh lại.
 
Cách chăm sóc và phòng ngừa
 
Kiểm soát tốt cơn co giật, động kinh bằng cách uống thuốc thường xuyên, liên tục theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ liều, hoặc ngưng sử dụng. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống, sinh hoạt, người bệnh động kinh cũng cần lưu ý:
 
- Tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong các bữa ăn hàng ngày.
 
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein, calci, như: thịt nạc, tôm, cua, cá, trứng…
 
- Hạn chế hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích khác.
 
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc, tránh căng thẳng mệt mỏi quá mức.
 
- Tập các bài tập yoga, ngồi thiền, đi bộ nhẹ nhàng, hít sâu thở chậm… nhằm nâng cao sức khỏe, thư giãn tinh thần.
 
Huỳnh Anh
 

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).