Xuất huyết não do thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh
PNTĐ-Tuần qua, bệnh viện Nhi TƯ tiếp nhận 3 trẻ hơn 1 tháng tuổi bị xuất huyết não. Nguyên nhân gây bệnh được xác định do thiếu vitamin K – thành phần quan trọng trong quá trình đông máu.
![]() |
Bệnh nhi xuất huyết não do thiếu vitamin K được điều trị tại khoa Hồi sức Ngoại, bệnh viện Nhi Trung ương |
TS.BS Đặng Ánh Dương, Phó Trưởng khoa Hồi sức Ngoại – bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ba trẻ sơ sinh (đến từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định) đều nhập viện trong tình trạng hôn mê. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi bị thiếu vitamin K, giảm tỉ lệ prothrombin trong máu dẫn tới xuất huyết. Để điều trị, bệnh nhi được truyền các chế phẩm máu để cầm máu, ngăn chặn chảy máu màng não và ổn định chức năng sống như hô hấp, tuần hoàn…. Sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ cho 3 bệnh nhi.
Hầu như tuần nào bệnh viện Nhi Trung ương cũng tiếp nhận trẻ sơ sinh từ các tỉnh phía Bắc nhập viện vì căn bệnh xuất huyết não do thiếu vitamin K. Bác sĩ Dương cho biết, theo nghiên cứu, 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 30-40 ngày tuổi. Trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 25 – 40%, di chứng là 40 – 50%. Những di chứng hay gặp nhất thường có: teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động…
Theo các bác sĩ chuyên khoa sơ sinh, vitamin K là loại cần thiết cho sự tạo thành prothrombin trong gan, có vai trò thiết yếu trong quá trình đông máu. Gần đây, một số chức năng khác của vitamin K được phát hiện, đặc biệt giúp bảo vệ tim mạch, chống oxy hóa, giảm thiểu chứng khoáng hóa xương…
Đối với trẻ nhỏ, một phần vitamin K được cung cấp do chuyển từ mẹ sang thai nhi qua nhau thai, lượng này rất nhỏ. Những tháng cuối thai kỳ và sau khi sinh, nếu người mẹ không được ăn bồi dưỡng đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt ở những người mẹ ăn kiêng khem, thì lượng vitamin K trong sữa mẹ càng ít. Bởi lượng vitamin K mà cơ thể nhận được hàng ngày, một phần là do vi khuẩn trong đường tiêu hóa tổng hợp, phần khác được cung cấp từ thức ăn. Bởi vậy, trẻ trong thời kỳ mới sinh (ngày thứ 3 – 5) dễ bị thiếu vitamin K do vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ chất này hoặc trẻ bị tắc đường mật, rối loạn tiêu hóa.
Biểu hiện của bệnh thường xuất hiện từ rất sớm, ngay trong tuần lễ đầu tiên sau sinh cho đến 3 tháng tuổi, dễ gặp nhất là ở trẻ 30 – 45 ngày tuổi, chẳng hạn: trẻ bỏ bú, quấy khóc, có thể khóc thét, nôn trớ kèm theo da xanh xao, co giật, li bì, hôn mê... Biểu hiện thường thấy là chảy máu đường tiêu hóa, chảy máu ở da, niêm mạc, mũi, miệng... Tỷ lệ di chứng não nặng của bệnh lý này lên đến 82,9% trong nhóm di chứng. Những di chứng trầm trọng cho trẻ, kéo dài gây tàn tật suốt thường gặp theo thứ tự là liệt tứ chi, liệt nửa người, liệt 2 chân, trẻ bị di chứng còn chậm phát triển.
Để phòng bệnh, trẻ cần được cung cấp vitamin K ngay sau sinh theo 2 phương pháp: tiêm (bắp) hoặc uống. Phương pháp tiêm áp dụng cho tất cả trẻ mới sinh (một mũi vitamin K1: 1mg, hoặc vitamin K3: 2mg). Với phương pháp uống, trẻ sơ sinh uống vitamin K1 2mg, chia làm 3 lần (lần một là sau khi sinh, lần hai khi trẻ 7 ngày tuổi và lần ba lúc trẻ 1 tháng tuổi). “Trên thế giới ghi nhận, nếu trẻ được dùng vitamin K với chiến lược tốt thì tỉ lệ xuất huyết não chỉ là 0,25/100.000 trẻ đẻ sống” – BS Dương nhấn mạnh.
Được biết, các bệnh viện sản ở Hà Nội đang triển khai hiệu quả chương trình bổ sung vitamin K cho trẻ sơ sinh. Bệnh nhi xuất huyết não chủ yếu ở các tỉnh lân cận như: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Nam Định… chuyển đến. Tình trạng này cho thấy, việc cho trẻ ngay sau sinh uống hoặc tiêm vitamin K vô cùng quan trọng.
Yên Hưng