Gia tăng ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong:

35% số ca bệnh là trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc-xin

THÁI BÌNH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đánh giá mới đây của Bộ Y tế về các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong cho thấy, khoảng 35% số ca bệnh là trường hợp chưa tiêm, hoặc chưa tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19. Bởi vậy, việc tiêm chủng mũi 3, mũi 4, nhất là với người thuộc nhóm nguy cơ cao, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu rất quan trọng.

35% số ca bệnh là trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc-xin - ảnh 1
Tiêm nhắc lại vắc-xin Covid-19 là cách phòng dịch hiệu quả nhất hiện nay Ảnh: T.H

Biến thể phụ có khả năng lẩn tránh miễn dịch 
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, phức tạp trong thời gian tới. Tại Việt Nam, kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm ca mắc Covid-19 cho thấy, biến thể BA.5 chiếm ưu thế với 60% ở các tỉnh phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, tại TP Hồ Chí Minh biến thể này chiếm đến 80% các ca bệnh; còn lại là các biến thể khác của Omicron như BA.2, BA.2.74. Đáng lo ngại là các biến thể phụ này đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Việc xuất hiện các biến thể phụ mới của Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1) ở nước ta đã khiến ca mắc mới Covid-19, bệnh nhân nặng nhập viện gần đây tăng mạnh.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy trong 7 ngày trở lại đây, trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận khoảng hơn 2.500 ca mắc Covid-19 mới, trong đó liên tiếp 3 ngày số ca bệnh mới vượt mốc 3.000; có 1-2 trường hợp tử vong tại một số địa phương. Số bệnh nhân nặng đang điều trị cũng gia tăng trong vài ngày qua, với khoảng 150 bệnh nhân/ngày. Tại nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận các biến thể phụ mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn.

Đơn cử tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 6 đến nay, số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh. Hiện cơ sở đang điều trị 122 bệnh nhân Covid-19, trong đó 60 ca nặng và 62 ca từ nhẹ đến trung bình, giường bệnh đã xếp kín các phòng điều trị. Riêng khoa Hồi sức tích cực điều trị 40 ca nặng, 20% trong số này chưa tiêm vắc-xin Covid-19. Không chỉ người già, nhiều trẻ em cũng nhập viện vì tình trạng Covid-19 nặng, chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tương tự, tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), từ tháng 5/2022 đến hết tháng 7/2022, đơn vị không có bệnh nhân nào mắc Covid-19 phải ở nội trú. Tuy nhiên, từ tháng 8 trở lại đây, số lượng bệnh nhân gia tăng. Riêng trong tháng 8/2022, khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện ghi nhận 41 trường hợp mắc Covid-19 phải nằm nội trú, 100% bệnh nhân mắc bệnh nền; trong đó 21/41 trường hợp nặng và nguy kịch (tuổi trung bình từ 56-89); 7 trường hợp mắc Covid-19 đã tử vong. Đáng chú ý, trong số đó chỉ có 28% bệnh nhân đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19, còn lại 72% tiêm 2 mũi trở xuống (trong đó khoảng 25% chưa tiêm mũi vắc-xin phòng Covid-19 nào).

Vắc-xin phòng Covid-19: Lá chắn phòng dịch hiệu quả
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc-xin phòng Covid-19 ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trẻ em. Tuy nhiên hiệu lực của vắc-xin giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng. Người mắc bệnh nền, người cao tuổi miễn dịch sẽ giảm nhanh hơn so với người bình thường. Vì vậy, việc tiêm mũi 3 và 4 cho đối tượng này sẽ giúp phục hồi miễn dịch, tăng cường hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh tiến triển nặng do biến thể Omicron.

Trước thực tế nhiều người dân sau khi đã tiêm mũi 2, mũi 3 phòng Covid-19 nghĩ là đã có kháng thể trong người nên e ngại không tiêm vắc-xin nữa, các chuyên gia dịch tễ đã khuyến cáo rằng: Khả năng bảo vệ của vắc-xin phòng Covid-19 giới hạn, sau một khoảng thời gian, hiệu lực của vắc-xin sẽ giảm dần và mất đi, nên chúng ta sẽ dễ mắc lại nếu chủ quan. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 biến chủng liên tục và thời hạn trung bình để hết một đại dịch từ trước đến nay là từ 2-3 năm. Một khi đối phó không tốt, đại dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Do đó, việc tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 là biện pháp tốt nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh ở thời điểm hiện tại. Để biện pháp này phát huy cao nhất hiệu quả, cần sự phối hợp, tự nguyện chấp hành, tham gia tiêm chủng đúng tiến độ của từng người dân. 

Liên quan việc tiêm vắc-xin, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vắc-xin theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc-xin cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vắc-xin, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ. “Chỉ đạo các cấp chính quyền trên địa bàn đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người; tiếp tục khẩn trương tổ chức tiêm chủng lưu động, tại vùng có tỷ lệ tiêm thấp mũi 2 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ người 18 tuổi trở lên để bảo đảm mục tiêu đề ra”- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...