Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023:

Báo động 50% người mắc HIV/AIDS ở nhóm thanh thiếu niên

HƯƠNG CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Năm 2023 ghi dấu mốc tròn 40 năm thế giới tìm ra virus HIV. Việt Nam cũng trải qua 33 năm ứng phó đại dịch với gần 250.000 người nhiễm HIV. Dù đã có nhiều nỗ lực, từng bước kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, nhưng thách thức vẫn luôn tiềm ẩn khi những năm gần đây, số ca mắc mới có dấu hiệu gia tăng, trong đó đa phần là người trẻ.

Báo động 50% người mắc HIV/AIDS ở nhóm thanh thiếu niên - ảnh 1
Bác sĩ thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân nhiễm HIV. Nguồn: Int

Năm 2023, phát hiện mới nhiễm HIV tăng trên 13.000 trường hợp

Theo GS.TS Nguyễn Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế: Thời gian qua, Bộ Y tế đã cùng các bộ, ngành và địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện; cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS.

Độ bao phủ các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS liên tục được mở rộng và cải thiện về chất lượng. Nhờ đó đã cứu được gần 1 triệu người không bị nhiễm HIV, hơn 200.000 người không bị tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Không chỉ năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, Việt Nam còn có sự cam kết chính trị rất mạnh mẽ, kịp thời từ lãnh đạo các cấp. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, sau một thời gian dài từng bước khống chế, kiểm soát được đại dịch HIV/AIDS, những năm gần đây dịch lại có dấu hiệu gia tăng ở nước ta. Dự báo năm 2023, phát hiện mới nhiễm HIV tăng trên 13.000 trường hợp; trong đó nhóm trẻ tuổi chiếm tỷ lệ cao. Thống kê năm 2022 cho thấy, có tới 50% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở nhóm tuổi thanh thiếu niên từ 15-29. 

Đáng nói, số liệu báo cáo của chương trình phòng, chống HIV của Việt Nam trong những năm gần đây còn chỉ ra: Nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu hiện nay. Lây truyền HIV qua đường tình dục chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2021-2023. Trong đó nhóm vợ, bạn tình của nam giới sống với HIV và nam giới có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV chiếm một tỷ trọng không nhỏ. 

PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhận định: HIV/AIDS không chỉ là một vấn đề y tế toàn cầu, mà còn là một vấn đề xã hội và nhân đạo. Trên khắp thế giới, phụ nữ vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch HIV/AIDS. Họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tương xứng; đồng thời chịu nhiều áp lực xã hội, kinh tế và gia đình, gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ. 

Cùng với đó, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng gặp nhiều thách thức. Độ bao phủ của các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS hiện chưa đáp ứng được các mục tiêu mà kỳ vọng. Độ bao phủ điều trị HIV cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV bị giảm sút kể từ năm 2020. Phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ thuộc các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều hơn do thiếu kiến thức và hiểu biết về HIV: Chưa đến 50% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 có hiểu biết đúng và toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV. Tỷ lệ này trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi 15-24 còn thấp hơn nhiều. Gần 1/4 phụ nữ chuyển giới cho biết họ có trải nghiệm bị kỳ thị trong cộng đồng vì liên quan đến tình trạng nhiễm HIV.

Những thách thức này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quyết tâm, cùng hành động để vượt qua; tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam.
Hướng tới cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS
Với quyết tâm hướng đến chấm dứt bệnh HIV/AIDS và phương châm “lấy người bệnh là trung tâm”, trong thời gian tới công tác điều trị HIV/AIDS của Việt Nam được định hướng theo hướng cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS. 

ThS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông tin: Gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS sẽ kết nối điều trị thuốc ARV sớm cho người mới phát hiện nhiễm HIV; từ đó, giúp họ đạt ức chế virus và phục hồi miễn dịch sớm, giảm nguy cơ tử vong, hạn chế lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Gói dịch vụ cũng cung cấp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa cho người bệnh HIV qua bảo hiểm y tế gồm: Xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng HIV, cấp thuốc ARV 90 ngày sử dụng; điều trị các nhiễm trùng cơ hội nặng ở người nhiễm HIV giúp họ sớm phục hồi miễn dịch và giảm tỷ lệ tử vong do AIDS; quản lý, điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm trên người bệnh HIV (lao, viêm gan B, C các bệnh lây qua đường tình dục).

Đồng thời tăng cường công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Trên cơ sở phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, cơ quan, đơn vị chức năng sẽ có sự chăm sóc, đưa họ vào điều trị HIV và quản lý; điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV; quản lý, chăm sóc vị thành niên nhiễm HIV về tư vấn bộc lộ, tuân thủ điều trị, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn bao gồm sức khỏe tâm thần cho nhóm tuổi này.

Gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS còn mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV cho mọi đối tượng bị phơi nhiễm với HIV; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV và thực hiện sàng lọc, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm ngay tại cơ sở điều trị HIV, tập trung vào các bệnh tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid máu, đái tháo đường. Từng bước triển khai sàng lọc các rối loạn sức khỏe tâm thần (lo âu, trầm cảm), sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nữ giới nhiễm HIV phát hiện sớm chuyển đến cơ sở điều trị chuyên khoa.

Về giải pháp để duy trì điều trị ARV bền vững, theo ThS.BS Võ Hải Sơn cần thực hiện mô hình “Kết nối tìm ca - Xét nghiệm HIV - Cơ sở điều trị HIV (CSĐT HIV)”. Có nghĩa, chúng ta cần huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng, mở rộng cơ sở xét nghiệm HIV, và cơ sở điều trị HIV tại tuyến y tế cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ điều trị HIV qua bảo hiểm y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Bên cạnh đó, bảo đảm nguồn thuốc ARV qua BHYT và tăng tỷ lệ người bệnh có thẻ BHYT, giúp họ tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh HIV từ quỹ BHYT; nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về điều trị lao tiềm ẩn, các bệnh đồng nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, giúp cơ sở điều trị cung cấp được các dịch vụ khám chữa bệnh khác ngay tại cơ sở điều trị HIV; mở rộng điều trị PrEP bao gồm cả các tỉnh không có dự án hỗ trợ cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nguy kịch sau tiêm khớp vai tại phòng khám tư

Nữ bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn nguy kịch sau tiêm khớp vai tại phòng khám tư

(PNTĐ) - Một nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Hải Dương vừa được cứu sống tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau khi rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn cực kỳ nguy kịch. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nhiễm trùng từ mũi tiêm trực tiếp vào khớp vai tại một phòng khám tư nhân. Sự việc đặt ra hồi chuông cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi thực hiện các thủ thuật y khoa tại những cơ sở không đảm bảo vô trùng.
Bệnh viện Da liễu Trung ương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến: Tiện lợi, nhanh chóng

Bệnh viện Da liễu Trung ương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến: Tiện lợi, nhanh chóng

(PNTĐ) - Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự nhanh chóng, tiện lợi cho người bệnh khi tới khám, BV Da liễu Trung ương đã chính thức áp dụng hình thức đăng ký và thanh toán chi phí khám bệnh trực tuyến qua website chính thức của bệnh viện tại địa chỉ Dalieu.vn.
Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

(PNTĐ) - Tình trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đang là vấn nạn nhức nhối. Ngày 07/5, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã chia sẻ về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tăng cường quản lý, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.
Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

(PNTĐ) - Ung thư vú ở nam giới rất hiếm, với khoảng 2.710 ca mới tại Hoa Kỳ năm 2022. Các dấu hiệu ung thư vú ở nam giới có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đặc biệt là ở người 60-70 tuổi. Tuy nhiên, do ít phổ biến hơn ở nữ giới, nam giới thường bỏ qua triệu chứng, dẫn đến chẩn đoán muộn và ảnh hưởng đến tiên lượng điều trị.
Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn

Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn

(PNTĐ) - Mới đây, các bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thực hiện nội soi thành công, gắp bỏ một khối bã thức ăn lớn kích thước khoảng 4x4cm ra khỏi dạ dày của một bệnh nhân nữ 65 tuổi. Trường hợp này không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ biến chứng nguy hiểm mà còn là lời cảnh báo về tình trạng bã thức ăn dạ dày, một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng không thể chủ quan.