Bệnh về đường tiêu hóa tăng mạnh sau Tết

YÊN HƯNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thời gian nghỉ Tết khiến nhịp sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống bị xáo trộn không ít. Nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại liên quan đến đường tiêu hóa cũng bắt đầu xuất hiện và có xu hướng gia tăng.

Bệnh về đường tiêu hóa tăng mạnh sau Tết - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Int

Bệnh nhân nhập viện do bia, rượu gia tăng
Theo thống kê của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết (từ sáng 29 đến sáng mùng 6 Tết ÂL), tổng số ca khám, cấp cứu tại các bệnh viện là 381.216 ca, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là 173.351 ca, tăng 38,9%; tổng số ca phẫu thuật các loại là 19.435 ca, tăng 11,4%; 813 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa (chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu), 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.

Đơn cử trường hợp bệnh nhân nam 61 tuổi (Bắc Ninh) nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng ngừng tim phổi. Bệnh nhân được hồi sinh tim phổi, đặt ống nội khí quản, thở máy. Sau khi tim đập lại, bệnh nhân được chuyển đến khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực. Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân hôn mê, thở máy, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao, da nổi vân đá toàn thân, không xuất huyết tự nhiên, bụng mềm, gan to 4cm dưới bờ sườn, bờ sắc, mật độ chắc, lách không to, vô niệu. Theo lời kể của con trai bệnh nhân, bệnh nhân uống rượu thường xuyên và gia đình không kiểm soát được.

Sau khi thực hiện các khám xét lâm sàng và xét nghiệm, các bác sĩ khoa Hồi sức nội và chống độc đã nhanh chóng tiếp cận, nghĩ đến khả năng ngừng tuần hoàn, toan chuyển hóa khả năng do ngộ độc methanol. Bệnh nhân đã được thở máy, lọc máu liên tục, điều chỉnh toan kiềm, điện giải, định lượng độc chất, kết quả cho thấy bệnh nhân bị ngộ độc methanol cấp (cồn công nghiệp) mức độ nặng (nồng độ methanol 78,13 mg/dl).

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong dịp Tết Nguyên đán cũng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện do hệ quả từ bia, rượu. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ca bệnh nhập viện do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp đa phần đều rất nặng và tiên lượng tử vong cao. Ngoài ra, không chỉ nguy cơ từ rượu giả, lạm dụng quá nhiều rượu, bia cũng khiến sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là hệ tim mạch, dạ dày, gan, tụy, khớp, xương, cơ, sức khỏe sinh sản, hệ thống miễn dịch, tâm thần…

Không riêng ngộ độc bia, rượu, theo các chuyên gia, sau dịp Tết, người dân có thể gặp phải nhiều bệnh lý khác về đường tiêu hóa như: Viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản do ăn uống thất thường, ăn nhiều đồ chua, cay; tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, hội chứng ruột kích thích do ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ hoặc sau sống không đảm bảo... Việc sử dụng rượu bia và thức uống có cồn còn khiến người dùng có nguy cơ mắc bệnh viêm tụy cấp, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, đe dọa tính mạng...

thực hiện lối sống khoa học ngay sau kỳ nghỉ Tết 
Để hạn chế tác dụng của rượu bia, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc. Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu đã trót uống loại rượu không bảo đảm, cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất hoặc bệnh viện có điều kiện xét nghiệm để kiểm tra. 

Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, bia, rượu vang, rượu mạnh - là những đồ uống có chứa cồn ethanol ở những nồng độ khác nhau. Không chỉ trong Tết mà ngay sau Tết, chúng ta cũng nên tăng cường uống nước ép trái cây; không chỉ giúp giải độc trong cơ thể do rượu gây ra, mà những chất dinh dưỡng và khoáng chất trong nước ép trái cây còn giúp làm mát gan, hồi phục cơ thể nhanh.

Khắc phục các vấn đề về đường tiêu hóa, theo các chuyên gia, người dân nên thiết lập và thực hiện lối sống khoa học ngay sau kỳ nghỉ Tết: Điều chỉnh giờ giấc ăn uống điều độ; hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, thực phẩm chua, cay, thức ăn chưa được nấu chín; đặc biệt ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường chất xơ và vitamin. 

Chất xơ giúp hạn chế sự tăng đường huyết sau ăn, phòng chống tăng cholesterol trong máu và phòng chống ung thư trực tràng, kích thích trực tràng hoạt động nhẹ nhàng, chống táo bón. Bên cạnh đó, chất xơ còn giúp giảm cân sau Tết. Các loại vitamin trong rau củ, trái cây như vitamin A, nhóm B, vitamin C... có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch. 

Đồng thời, nhịp sinh học cũng cần được thiết lập trở lại: Không thức quá khuya, ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ trước giờ đi ngủ. Việc thiếu ngủ có thể làm ảnh hưởng tới hoạt động của não, làm tăng cảm giác đói và thèm ăn. Ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn có một tinh thần thoải mái và sảng khoái, tràn đầy năng lượng để bắt đầu cho ngày làm việc mới đầu năm.

Cùng với đó, việc tập luyện thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút mỗi ngày) cũng rất quan trọng, thúc đẩy quá trình giảm béo, tiêu thụ năng lượng được hấp thu quá nhiều trong những ngày Tết, đồng thời giúp cơ thể năng động hơn, tỉnh táo hơn, cải thiện hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, phương pháp vận động phải phù hợp với tình hình sức khỏe, thể trạng, tuổi tác, nhu cầu. Người lớn tuổi, có bệnh tim mạch thì không nên chọn những môn cần nhiều sức lực, các môn đối kháng dễ gây chấn thương, đột quỵ, kiệt sức. 

Khi quay trở lại với công việc và cuộc sống thường nhật, nhiều người sẽ gặp phải các trạng thái tâm lý buồn bã, hụt hẫng, vẫn còn tiếc nuối những ngày Tết. Các chuyên gia khuyên rằng, mỗi người nên sắp xếp, xem xét lại những điều cần thiết, lập kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ những công việc cần làm trong năm mới để lên “dây cót” tinh thần cho tâm trạng, bắt tay vào công việc. Có thể bổ sung omega-3 vào chế độ ăn uống thường ngày (cá hồi, cá ngừ, quả óc chó, hạt lanh, các loại rau xanh lá…) giúp làm giảm viêm, chống trầm cảm và cải thiện tâm trạng, sức khỏe. 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Hướng đến mục tiêu ổn định quy mô dân số trong năm 2024

Hà Nội: Hướng đến mục tiêu ổn định quy mô dân số trong năm 2024

(PNTĐ) - Mục tiêu của thành phố hướng đến trong công tác dân số năm 2024 là ổn định quy mô dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố.
Cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân có 4 quả thận trong cơ thể

Cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân có 4 quả thận trong cơ thể

(PNTĐ) - Mới đây, một người đàn ông (35 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện cấp cứu vào Bệnh viện E trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng do nghi ngờ bị sỏi thận. Điều đặc biệt, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện người bệnh có 4 quả thận trong cơ thể.
Phòng tiêm chủng vắc-xin dịch vụ CDC Hà Nội mở cửa trở lại

Phòng tiêm chủng vắc-xin dịch vụ CDC Hà Nội mở cửa trở lại

(PNTĐ) - Phòng tiêm chủng vắc xin dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tại địa chỉ số 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) chính thức mở cửa trở lại vào sáng 12/3 vừa qua. Ngay trong ngày đầu mở cửa đã có nhiều người dân, gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng tại Phòng tiêm.