Chuyện về những người “nối dài” sự sống cho trẻ sinh non

Bài và ảnh: THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những năm gần đây, ngành sản khoa Việt Nam liên tục ghi dấu ấn và đạt nhiều thành công trong lĩnh vực nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ sinh non, là những bé có cân nặng 400-500gr, chào đời khi mới 25-27 tuần tuổi. Có được kết quả ấy một phần nhờ vào sự tiến bộ của y khoa, một phần là sự nỗ lực hết mình, sự tận tâm, tận lực chăm sóc trẻ từng ngày, từng giờ của các bác sĩ, điều dưỡng.

Chuyện về những người “nối dài” sự sống cho trẻ sinh non - ảnh 1
Điều dưỡng trưởng Lê Thị Vân chăm sóc các bé sinh non, nhẹ cân

Tận tâm, tận lực, kiên trì cùng trẻ vượt “cửa tử”
Khu Hồi sức cấp cứu - Trung tâm Chăm sóc và điều trị Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TƯ hiện là nơi tiếp nhận và chăm sóc hàng trăm trẻ sinh non, nhẹ cân với đa dạng tình trạng sức khỏe khác nhau. Đặt chân tới đây, bất kỳ ai cũng sẽ thấy một cảm giác rất khác bởi mọi thứ đều vô cùng nhỏ nhắn, từ bệnh nhân tới trang thiết bị. Ngay bên ngoài mỗi phòng điều trị, các điều dưỡng túc trực 24/24. Phía bên trong, mỗi em bé được đặt gọn gàng trong một chiếc lồng ấp, nhiệt độ duy trì ổn định ở ngưỡng 320C, khắp phòng lan tỏa thứ ánh sáng xanh dịu nhẹ đặc trưng.

“Các nhân viên y tế của bệnh viện đã làm được công việc ít người tưởng tượng được. Nếu như trước đây với những trường hợp thai nhi nhỏ 25 tuần và chỉ 500gr thì có không ít khó khăn, nhưng hiện nay đã khác. Chúng tôi đã làm chủ các kỹ thuật cao trong sản khoa. Điều này cũng khẳng định được chuyên môn của thầy thuốc Việt Nam trong chăm sóc, nuôi sống trẻ sơ sinh cực kỳ non tháng, nhẹ cân”- PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ khẳng định.

Giữa những tiếng tít… tít không ngừng phát ra từ thiết bị đo chỉ số sinh tồn của các bé, chị Lê Thị Vân - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Trung tâm) tự hào chia sẻ: Từ 2010 đến nay, bệnh viện đã nuôi dưỡng thành công 14 trẻ sinh non có tuổi thai từ 25-28 tuần, cân nặng vỏn vẹn chỉ 400-600gr. Trong đó có những trường hợp rất đặc biệt như bé gái sinh non (quê ở Nghệ An) nặng 400gr nuôi dưỡng thành công năm 2021; cặp song sinh, sinh non ở tuần 25 và nặng chỉ 500gr/bé nuôi dưỡng thành công tháng 10/2022…

Tới giờ, khi kể lại về kỳ tích nuôi dưỡng bé gái 400gr (ở Nghệ An), sinh đúng vào thời điểm dịch Covid-19, do chính tay mình chăm sóc tỉ mỉ từ những ngày đầu đến khi xuất viện, điều dưỡng Vân vẫn vô cùng xúc động. Đây là em bé thấp cân nhất tại Việt Nam được cứu sống. Đó không chỉ là thành tựu lĩnh vực sơ sinh sớm của Bệnh viện Phụ Sản TƯ, mà còn của ngành y cả nước. Từ những gram đầu tiên phát triển của bé, các bác sĩ và các điều dưỡng viên đã có thêm động lực để chăm sóc trường hợp này và các em bé khác.

Bé gái là Thái T.A, được mổ đẻ ngày 1/6/2021 khi mới 27 tuần 2 ngày. Hiện bé đã biết chạy nhảy, leo trèo, nói cười hoạt bát, khỏe mạnh, hầu như tuần nào mẹ bé cũng gửi ảnh con cho các cô, các bác trong khoa. Nhưng thời điểm mới sinh, bé rất nguy kịch do suy dinh dưỡng nặng, teo đét, bụng chướng, thở nấc, phải thở máy, oxy. Đặc biệt, bé cực kỳ thấp cân non tháng (chỉ nặng 400gr - tương đương 1 xi-lanh tiêm có thể tích 50ml). Tất cả các cơ quan như: Gan, thận, não, phổi, tuần hoàn… vô cùng non yếu và dễ bị tổn thương.

Để nuôi dưỡng, chăm sóc bé T.A, các y bác sĩ đã phải thực hiện nghiêm ngặt về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn, vô khuẩn, hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp; lồng ấp cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, áp dụng Kangaroo, kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da… Trong suốt quá trình ấy, sự tận tâm, tận lực, kiên trì của các thầy thuốc là không kể xiết.

Thời gian đầu mỗi tiếng 1 lần trong ngày, các thầy thuốc phải cho các cháu ăn từng 1ml sữa, nuôi dưỡng hoàn toàn bằng tĩnh mạch. Bé được massage ngày 2 lần để hỗ trợ về tiêu hóa và phát triển tổng thể. Và rất may mắn, trong suốt một thời gian dài, bé đã không cần phải sử dụng đến kháng sinh, đồng thời cân nặng cải thiện từng ngày…

Động lực từ những “lời nói dối”
Trong cuộc trò chuyện, không ít lần điều dưỡng Vân rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc khi kể lại thành tựu nuôi dưỡng thành công các bé sinh non, nhẹ cân. Nhưng cũng có những khoảnh khắc… nghẹn ngào không nói thành lời khi nhớ tới những ấn tượng, mà theo chị là không bao giờ quên được.

“Câu chuyện diễn ra cũng lâu rồi. Đó là về một người mẹ, người phụ nữ vô cùng gian nan trong hành trình “tìm con”. Người mẹ này đã 10 lần làm thụ tinh nhân tạo và sinh 2 bé 400gr nhưng lần lượt 2 bé đã ra đi. Vì bạn ấy quá căng thẳng, gia đình đã nhờ các y bác sĩ giấu chuyện bằng cách nói rằng con đã được chuyển sang viện Nhi để chăm sóc. Có lẽ do linh cảm người mẹ nên bạn ấy không tin, cứ vịn chặt hàng rào của khu nhà, gào khóc: Đây là lần thứ 10 rồi, mãi em mới có được 2 con. Con em đâu rồi các bác”.

Hình ảnh đau xót ấy khiến chúng tôi day dứt không ngừng, muốn làm gì đó lắm nhưng “lực bất tòng tâm” vì khi ấy trình độ kỹ thuật của ta còn hạn chế. Có điều, câu chuyện đó vô hình chung cũng trở thành động lực thôi thúc trong chúng tôi ước vọng được giúp các bà mẹ sinh non, khó có con đạt được mong đợi, cứu sống được trẻ sinh non. Bản thân chúng tôi cũng phải nỗ lực hơn; chỉ mong sau này mình sẽ không bao giờ phải “nói dối” ai như vậy nữa. Từ tâm huyết đấy, sau này khi thi tối nghiệp CKI, tôi đã làm về đề tài “Tâm lý của các bà mẹ sinh non”, cũng là để biết và hiểu, hỗ trợ được các mẹ sinh non” - điều dưỡng Lê Thị Vân xúc động kể.

“Nói dối” bệnh nhân là vậy, nhưng cũng có lúc chị Vân và đồng nghiệp lại nghe “lời nói dối” của gia đình để các chị yên tâm làm việc. Ấy là những lần con ốm, sốt cao nhưng khi các chị gọi về, gia đình đều nói mọi thứ đều ổn. Cho tới khi hết ca trực, về nhà thấy con mệt lử mà vừa giận, vừa xúc động. “Giận là bởi lo rằng nếu chẳng may có sự cố, mình sẽ không xử lý kịp. Xúc động là vì thấy mình may mắn có hậu thuẫn lớn từ gia đình. Một người chồng lấy vợ làm ngành y, lại làm sơ sinh thì luôn phải chuẩn bị sẵn sàng tình huống chăm con ốm cho vợ đi trực” - điều dưỡng Vân chia sẻ.

Với chị Vân cũng như các điều dưỡng của Trung tâm, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù việc gia đình có đang bề bộn nhưng đã bắt tay vào việc đều sẽ hết mình. Chẳng thế mà tại khu hồi sức, một cô điều dưỡng sẽ chăm khoảng 20-25 cháu; tại khu hồi sức tích cực, một cô chăm 9-10 trẻ; trong khi ở nước ngoài khu hồi sức trẻ sơ sinh ở nước ngoài phải có 1-2 điều dưỡng chăm 1 em bé, chưa kể họ còn có người đặt nội khí quản riêng, làm ven riêng, phục hồi chức năng riêng, còn ở Việt Nam các điều dưỡng gần như phải đảm đương hết các công việc này… nhưng không ai phàn nàn, bỏ bê công việc.
Và sau mọi tâm huyết cùng lòng yêu nghề, yêu trẻ, các y, bác sĩ cùng các điều dưỡng của Trung tâm đã mang những thiên thần nhỏ đến với mỗi gia đình như một kỳ tích.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

Hội nghị quốc tế về “Quản lý đường thở WAAM” lần đầu tổ chức tại Đông Nam Á

(PNTĐ) - Hội nghị WAAM kéo dài 2 ngày, với phiên 6 làm việc, được tổ chức ngày 13/4 tại BVĐK Hồng Ngọc và ngày 14/4 tại BV Hữu Nghị Việt Đức, thu hút gần 600 y bác sĩ tham dự trực tiếp và 1000 bác sĩ tham dự trực tuyến. Tại Hội nghị, các khách mời đã được nghe một số tham luận tính thực tiễn cao như: Quản lý đường thở của u thanh quản, Đánh giá trước phẫu thuật đường thở khó, Hiệu quản dự trữ oxy, Rút ống nội khí quản khó, Đường thở khó ở trẻ em...