Đẩy mạnh kết nối tương hỗ y tế khi thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi)

Bài và ảnh: HƯƠNG BÍCH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong lĩnh vực y tế, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 28/6, đã định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia và mạng lưới cơ sở y tế địa phương.

Đẩy mạnh kết nối tương hỗ y tế khi thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) - ảnh 1
Ngành Y tế Hà Nội đang tiếp tục đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.

Tổ chức mạng lưới y tế phục vụ cả nước
Hà Nội được xem là trung tâm y tế lớn nhất cả nước. Ngoài các bệnh viện lớn của thành phố (như bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội, Tim Hà Nội…), trên địa bàn Thủ đô còn có mạng lưới các bệnh viện chuyên sâu tuyến cuối do Bộ Y tế quản lý (gồm 4 bệnh viện đa khoa, 15 bệnh viện chuyên khoa), và bệnh viện thực hành thuộc trường đại học, học viện. Đây là những bệnh viện chuyên khoa, đa khoa thuộc cấp chuyên sâu và đáp ứng tiêu chí là bệnh viện đầu ngành, không chỉ phục vụ người dân Thủ đô mà còn đảm đương nhiệm vụ chăm sóc, khám sức khỏe, điều trị cho người dân trên cả nước.

Theo GS. Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội), những điều trên đã được quan tâm trong Luật Thủ đô (sửa đổi), và thể hiện đó là việc tổ chức một mạng lưới y tế phục vụ không chỉ cho chính thành phố Hà Nội hoặc khu vực miền Bắc mà còn cho cả nước. Cụ thể, về mặt quy hoạch sẽ có 3 cấp y tế. Cấp thứ nhất là cấp của các cơ sở y tế rất lớn tập trung lại thành các trung tâm y khoa. Trong Trung tâm y khoa có nhiều viện và bệnh viện chuyên khoa. Như vậy, có tính độc lập tương đối, khi cần có sự hỗ trợ lẫn nhau tạo ra được sự hợp lực rất mạnh.

Trên thế giới, các nước rất phát triển đang đi theo xu hướng này. “Các trung tâm đó không cần nằm ở giữa trung tâm thành phố, ra ngoại thành cũng được nhưng ở chỗ phải thuận lợi về giao thông kể cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không” - GS Trí chia sẻ.

Tầng cấp thứ hai là các bệnh viện khoảng 300-500 giường bệnh đóng tại các quận, huyện nơi có nhu cầu. Thứ ba là mạng lưới các phòng khám đa khoa nằm rải rác trong dân. Bám vào những khu vực dân cư đông, càng gần dân càng tốt. Thí dụ như sốt, tai nạn bỏng… thì đến chỗ cấp cứu gần nhất, đây là chăm sóc sức khỏe ban đầu, nặng hơn một chút thì đến các bệnh viện quận, huyện. bệnh vô cùng nặng, khó điều trị thì được điều trị tại các Trung tâm y khoa lớn.

Không chỉ có sự hỗ trợ từ bệnh viện y tế cấp Trung ương cho các bệnh viện ở Hà Nội, mà ngay tại Thủ đô, Sở Y tế cũng đã khai thí điểm mô hình “Bệnh viện Chị - Em”. Hình thành 4 bệnh viện đảm nhận chức năng vùng gồm: Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Các bệnh viện này hỗ trợ toàn diện đơn vị tuyến huyện trong việc phát triển, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, phát triển nguồn lực, hỗ trợ cải tiến quy trình vận hành bệnh viện, quy trình khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng phát triển các bệnh viện đa khoa hạng I và bệnh viện chuyên khoa đáp ứng khám chữa bệnh cấp chuyên sâu; phát triển các bệnh viện đa khoa hạng II đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản theo quy định Bộ Y tế.
Nâng cao chất lượng y tế dự phòng, y tế cơ sở
Khẳng định Luật Thủ đô (sửa đổi) đã định hướng sự phát triển đồng bộ, cân đối và đảm bảo tính kết nối cao, tương tác hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế quốc gia (do Bộ Y tế quản lý) và mạng lưới cơ sở y tế địa phương (do thành phố Hà Nội quản lý), PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) phân tích thêm: Tại Điều 26 về phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân (của Luật Thủ đô) cũng quy định về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. 

“Khám chữa bệnh y học gia đình là mô hình cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được minh chứng rất có hiệu quả về cả về kỹ thuật và chi phí tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình này đòi hỏi nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ về y học gia đình, cơ chế tài chính phủ hợp để đảm bảo sự duy trì bền vững cũng như một số yếu tố hỗ trợ thiết yếu khác. Do vậy, việc phát triển mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình cần có lộ trình phù hợp, ưu tiên trước tại những khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh” - PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng nói.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho rằng, phải giải quyết thật tốt việc tổ chức hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình. Bởi đây là xu thế của thời đại, song song với đó cần thực hiện chuyển đổi số thật tốt.

Trên thực tế, nhằm xây dựng hệ thống y tế của Thành phố thuận lợi, phát triển, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô, ngành Y tế Hà Nội tham mưu thành phố xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là phát triển hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực cung ứng dịch vụ y tế có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe theo vùng và theo các cấp khám bệnh, chữa bệnh được phân công (ban đầu, cơ bản, chuyên sâu), chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. 

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống y tế thông minh năm 2024 của ngành Y tế Hà Nội, triển khai các nhiệm vụ theo Đề án 06 của Chính phủ. Trong đó, triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế của 50 bệnh viện, 39 phòng khám đa khoa, 297 trạm y tế với trên 3,5 triệu hồ sơ đã được đẩy thành công lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VneID; hơn 16,2 triệu lượt khám chữa bệnh được đồng bộ từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe thành phố…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội và hành trình cứu người

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội và hành trình cứu người

(PNTĐ) - Những ngày này, khi khắp phố phường Hà Nội ngập tràn không khí đón xuân thì các y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội vẫn căng mình băng qua các cung đường, đối mặt không ít tình huống nguy cấp để cấp cứu, hỗ trợ người bệnh. Những câu chuyện từ họ không chỉ mang đến sự xúc động, mà còn khiến bất kỳ ai cũng phải nể phục về lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm.
Từ 1/1/2025, người dân có thể mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID

Từ 1/1/2025, người dân có thể mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID

(PNTĐ) - Từ 1/1, với việc chính thức triển khai mua thuốc của nhà thuốc Long Châu bằng phương pháp trực tuyến trên ứng dụng VneID, không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, mà còn đảm bảo tính minh bạch, an toàn và bảo mật thông tin nhờ hệ thống công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại, tạo ra sự tiện lợi và an tâm cho khách hàng.
Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương trực tiếp cắt dây rốn cho em bé đầu tiên của năm 2025

Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương trực tiếp cắt dây rốn cho em bé đầu tiên của năm 2025

(PNTĐ) - Vào đúng 0h00 ngày 1/1/2025, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện, BS CKII Phan Thị Thu Nga - Phó trưởng khoa Khám bệnh cùng cả ê kíp đã vui mừng đón công dân nhí đầu tiên chào đời bằng phương pháp sinh thường trong niềm xúc động và hân hoan.
Tước giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng

Tước giấy phép hoạt động Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng

(PNTĐ) - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Việt Đức – Giải Phóng trực thuộc Công ty TNHH Bệnh viện cơ xương khớp Minh Y Đường Hà Nội đã mắc hàng loạt các sai phạm trong quá trình hoạt động, trong đó có hành vi khám chữa bệnh vượt quá phạm vi được cấp phép, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh cho bệnh nhân…