Hà Nội:

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Hà Nội, sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước tình hình đó, y tế Thủ đô và các quận, huyện trên địa bàn đang đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh.

Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp - ảnh 1
Nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn, diệt loăng quăng, bọ gậy tại khu vực nguy cơ cao Ảnh: Khánh Chi

Số ca sốt xuất huyết tiếp tục tăng
Theo báo cáo của CDC Hà Nội, trong tuần qua thành phố ghi nhận 1.034 ca mắc mới (tăng 1% so với tuần trước đó), với 48 ổ dịch tại 19 quận, huyện. Cộng dồn trong năm 2022, thành phố đã có 6.779 ca sốt xuất huyết, 5 trường hợp tử vong; ghi nhận 638 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc đã tăng gấp 3,2 lần (2.091 ca và không có người tử vong). Qua xét nghiệm mẫu thấy biến chủng virus Dengue phổ biến trong cộng đồng là DENV1, DENV2 và DENV4. 

Hiện thành phố còn 147 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện. Trong đó, một số ổ dịch đang hoạt động có số lượng bệnh nhân lớn là: Thôn Bùng (Phùng Xá, Thạch Thất) 163 ca, Ngọc Đình (Hồng Dương, Thanh Oai) 45 ca, Phượng Trì (thị trấn Phùng, Đan Phượng) 41 ca. Hay như tại quận Hoàng Mai, mới tính đến ngày 27/9, trên địa bàn quận đã ghi nhận 185 ca sốt xuất huyết…

Đánh giá về diễn biến dịch năm nay, anh Nguyễn Minh Phúc - Phó Trạm trưởng TYT phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) dự báo: Số ca mắc sốt xuất huyết có thể sẽ tiếp tục tăng, diễn biến phức tạp trong thời gian tới do chúng ta đang trong cao điểm của mùa dịch hàng năm (từ tháng 7 đến tháng 11). “Từ đầu năm đến nay phường ghi nhận 37 ca mắc sốt xuất huyết, tập trung toàn bộ trong tháng 8, 9, 10. Trong khi thời kỳ dịch cao điểm những năm trước đó, cả năm toàn phường chỉ có gần 50 ca”.

Trước tình hình đó, ngành y tế thành phố đang phải tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ra quân nhằm tuyên truyền, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

Ý thức của người dân là tiên quyết
Nhận định nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh, ngay từ sớm, TYT phường Đông Ngạc đã tham mưu cho chính quyền triển khai công tác tuyên truyền phòng dịch thông qua nhiều kênh: Tổ chức hội nghị truyền thông, loa truyền thanh, kênh zalo của tổ dân phố, khối dân vận, ban chỉ đạo phòng dịch phường… Qua đó kịp thời cung cấp thông tin ca bệnh tới từng người dân. “Từ thời kỳ cao điểm dịch bệnh đến nay, TYT phường đã tổ chức ra quân tuyên truyền và tổng vệ sinh 4 đợt trên toàn địa bàn; phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố, ban quản lý các khu chung cư điều tra dịch tễ ca bệnh phát sinh; phun khử khuẩn tại khu vực ổ dịch cũng như nơi có nguy cơ cao…” - Phó Trạm trưởng Nguyễn Minh Phúc cho hay.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, TTYT quận Hoàng Mai cũng tăng cường theo dõi, dự báo, đánh giá sát tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận, đặc biệt lưu ý các phường có nguy cơ cao như Đại Kim, Hoàng Liệt, Định Công để phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn. Đến nay, TTYT đã phối hợp với 14 phường tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh môi trường với 39 chiến dịch diệt bọ gậy. Thực hiện kiểm tra bọ gậy tại 170.514 hộ gia đình, loại trừ được 8.379 ổ bọ gậy, thả 17.574 con cá, cấp phát 128.570 tờ rơi phòng chống sốt xuất huyết; huy động 3.171 cán bộ chính quyền, các ban ngành đoàn thể, cộng tác viên tham gia thực hiện chiến dịch.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quận Hoàng Mai tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi và chuyển tuyến đảm bảo kịp thời, an toàn; tăng cường theo dõi sát người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú; phối hợp chặt chẽ với hệ thống giám sát dịch trên địa bàn (TTYT quận, TYT phường) khi phát hiện ca mắc, nghi mắc sốt xuất huyết để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh…

Là địa bàn có mật độ dân số cao, nhà ở chật chội, tồn tại nhiều dụng cụ chứa nước không nắp đậy, khách du lịch đông… ứng phó với nguy cơ phát sinh và bùng phát sốt xuất huyết, quận Hoàn Kiếm đã phát động chiến dịch “Vì cộng đồng không có sốt xuất huyết năm 2022”, nhằm tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận tích cực tham gia vào công tác phòng, chống SXH; thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng có thể gây đọng (chứa) nước, xóa các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi trên địa bàn toàn quận... Chiến dịch bao gồm các hoạt động truyền thông đại chúng, lễ phát động ra quân tại các phường, chiến dịch thu gom phế liệu, loại bỏ các điểm nguy cơ, diệt lăng quăng bọ gậy.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dù công tác tuyên truyền có tích cực, quyết liệt đến đâu, nếu người dân vẫn chủ quan, không có ý thức hợp tác thì việc phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế, tại nhiều khu chung cư, khi cán bộ y tế đi tuyên truyền hay phun khử khuẩn người dân còn không mở cửa; một số không lắng nghe và thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế khiến dịch sốt xuất huyết lây sang nhiều người. Như vậy, muốn đẩy lùi sốt xuất huyết, bên cạnh chiến dịch ra quân của các cơ quan, tổ chức đoàn thể, rất cần sự chung tay và hưởng ứng từ mỗi người dân.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Quận Nam Từ Liêm khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ mầm non

Quận Nam Từ Liêm khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ mầm non

(PNTĐ) -  Trong tháng 10 năm 2024, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với các trường mầm non công lập trên địa bàn quận tổ chức khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ 3 tuổi đang học tại các trường nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh liên quan đến thính giác cho trẻ mầm non.
Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng

Thuốc lá và ung thư vú, những nguy cơ tiềm tàng

(PNTĐ) - Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất và thuộc một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn thế giới. Hút thuốc liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn ở một số người. Bởi, một số hóa chất trong thuốc lá có thể dẫn đến sự phát triển tế bào không kiểm soát được trong cơ thể.