Gia tăng bệnh nhân nhập viện do Covid-19
(PNTĐ) - Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội có xu hướng gia tăng. Mặc dù đa số người dân đã tiêm vắc-xin Covid-19 và có kinh nghiệm nhất định trong phòng dịch, tuy nhiên chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại.

Virus gây Covid-19 biến đổi không ngừng
Đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới, đang chiếm ưu thế và được nhận định là có đặc tính lây lan nhanh.
Ghi nhận tại một số bệnh viện của Hà Nội cũng thấy rằng, lượng bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện điều trị đang có sự gia tăng. Đơn cử tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội), nếu như trong tháng 3, bệnh viện chỉ có 25 bệnh nhân Covid-19 thì riêng 15 ngày đầu của tháng 4, tổng số ca phải điều trị nội trú đã là hơn 75 bệnh nhân. Đa phần trong số đó là người cao tuổi có bệnh nền và phải thở oxy.
Đánh giá về diễn biến dịch Covid-19, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thông tin: Số ca mắc Covid-19 của cả nước hiện tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc - nơi đang có sự giao mùa. Thống kê cho thấy số ca mắc Covid-19 hiện nay đã tăng gần gấp 4 lần so với tuần trước.
Về nguyên nhân khiến Covid-19 gia tăng, BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó đơn nguyên Truyền nhiễm (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho rằng: Một bộ phận người dân đang có tâm lý chủ quan, vì nghĩ rằng mình đã tiêm vắc-xin nên lơ là áp dụng biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn. Có nơi, có chỗ tỷ lệ tiêm lại chưa đạt như mong muốn, đặc biệt ở đối tượng nguy cơ cao. Điều này khiến đáp ứng miễn dịch trong cộng đồng giảm đi, lây lan dịch có xu hướng trở lại. Trong khi đó, những ngày này đang là lúc thời tiết giao mùa, rất thuận lợi các virus gây bệnh phát triển, nhất là bệnh về hô hấp như Covid-19, cúm mùa.
Theo chia sẻ của BS Trần Anh Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, từ đầu năm 2023 tới nay, đơn vị vẫn duy trì công tác thu dung, vận chuyển bệnh nhân Covid-19 thuộc tầng 2, tầng 3 tới bệnh viện điều trị như bình thường, song thỉnh thoảng mới có bệnh nhân. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhân tăng nhẹ với 4-6 ca bệnh/ ngày (không tính bệnh nhân thuộc tầng 1 - người có tình trạng bệnh nhẹ).
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, với bối cảnh nhiều nguy cơ như vậy, cùng với sự gia tăng về giao thương, di chuyển của người dân giữa các quốc gia nói chung, các thành phố nói riêng thì sự biến đổi không ngừng của virus gây Covid-19 là một điều đáng lo ngại. Do vậy, nếu không tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch Covid-19 với hình thức quản lý bền vững, chúng ta có thể sẽ bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh và gánh chịu hậu quả nặng nề.
Cần tập trung tiêm chủng, bảo vệ nhóm nguy cơ cao
Trước tình trạng Covid-19 gia tăng trở lại, ngày 12/4, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Đồng thời, các tỉnh, thành phố thúc đẩy tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đạt mục tiêu đề ra, rà soát vận động các đối tượng tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, nhất là nhóm nguy cơ cao…
Khuyến cáo về giải pháp phòng ngừa Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, BS Trần Anh Thắng cho rằng: Với dịch bệnh, chúng ta chống và chữa theo từng thời điểm và từng giai đoạn; ví dụ không thể áp dụng biện pháp của năm 2020 vào năm 2023. Tuy nhiên, vẫn có một số giải pháp mang tính căn cơ, bền vững mà người dân nên lưu ý tuân thủ, nhất là tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng như thực hiện tốt nguyên tắc phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cụ thể trong bối cảnh hiện nay, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong. Ngoài ra, người dân nếu chưa tiêm đủ các mũi vắc-xin cơ bản phải tiêm đủ mũi 1, mũi 2. Nếu ai chưa được bổ sung mũi 3, 4 thì đến các trạm y tế xã, phường để triển khai tiêm.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội vẫn sẵn có vắc-xin phòng Covid-19 để tiếp tục duy trì các điểm tiêm chủng, phục vụ nhu cầu của người dân. Hiện nay công tác tiêm vắc-xin Covid-19 không cần phải đăng ký tiêm, chỉ cần ra trạm y tế là được tiêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đặc tính hiệu quả của vắc-xin trong phòng lây nhiễm với biến thể Omciron còn hạn chế, tuy nhiên khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá những người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không có triệu chứng.
Cùng với đó, người dân, cộng đồng xã hội cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác. Nếu có triệu chứng mắc bệnh như bỗng dưng sốt, ho, khó thở cần chủ động tự kiểm tra, theo dõi, cách ly tại nhà; chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và có triệu chứng biểu hiện nặng thì cần đến cơ sở y tế điều trị.