Hà Nội tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đến ngày 20/2/2025, 27/30 quận, huyện đã triển khai chiến dịch tiêm sởi, với 6.128/18.300 trẻ đã được tiêm, đạt 33% so với tổng số trẻ thuộc diện tiêm chủng.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC), trong tuần qua (từ ngày 14-2 đến 21-2), thành phố ghi nhận 88 trường hợp mắc sởi, không có ca tử vong, giảm 26 ca so với tuần trước (114 ca/0 tử vong). Cộng dồn từ đầu năm 2025, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 529 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (0 ca/0 tử vong).

Số ca mắc sởi phân bổ theo nhóm tuổi như sau: 55 trường hợp dưới 6 tháng (10,4%); 75 trường hợp từ 6-8 tháng (14,2%); 56 trường hợp từ 9-11 tháng (10,6%); 126 trường hợp từ 1-5 tuổi (23,8%); 79 trường hợp từ 6-10 tuổi (14,9%); và 138 trường hợp trên 10 tuổi (26,1%).

CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi trong tuần giảm nhưng vẫn ở mức cao, chủ yếu là ở những người chưa tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Tình trạng mắc bệnh có xu hướng tăng ở nhóm trẻ từ 6-8 tháng và người trên 10 tuổi, dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh trong thời gian tới.

Hà Nội tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi cho trẻ từ 6-9 tháng tuổi - ảnh 1
Cán bộ TTYT Thanh Oai phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh cúm tại cộng đồng

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng ghi nhận 11 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong, giảm 1 trường hợp so với tuần trước (12 ca/0 tử vong). Cộng dồn từ đầu năm 2025, thành phố đã ghi nhận 160 ca mắc sốt xuất huyết, giảm so với cùng kỳ năm 2024 (457 ca/0 tử vong), và không có ổ dịch nào trong tuần qua.

Về bệnh tay chân miệng, trong tuần qua ghi nhận 34 trường hợp mắc, rải rác tại 15 quận, huyện, thị xã và 29 xã, phường, thị trấn, không có ca tử vong. Số ca bệnh tay chân miệng đã tăng so với tuần trước (32 ca/0 tử vong), và cộng dồn từ đầu năm 2025, Hà Nội ghi nhận 130 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (88 ca/0 tử vong). Trong tuần cũng phát hiện 2 ổ dịch tại Nam Đồng, Đống Đa và Văn Khê, Mê Linh.

Thành phố cũng ghi nhận 1 trường hợp mắc uốn ván tại Thanh Oai (nam, 36 tuổi), không có ca tử vong. Tính đến nay, năm 2025, Hà Nội đã ghi nhận 2 trường hợp mắc uốn ván, tương đương so với cùng kỳ năm 2024 (2 ca/0 tử vong).

Đặc biệt, năm 2025 chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại ở người, tuy nhiên, trong tuần qua, có 1 ổ dịch dại trên chó tại xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn. Một con chó chạy rông, không rõ nguồn gốc, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dại. Ba người đã phơi nhiễm với con chó này và được điều trị dự phòng theo quy định. Cộng dồn năm 2025, thành phố ghi nhận 2 ổ dịch dại trên chó tại Ngô Quyền, Sơn Tây và Tân Dân, Sóc Sơn.

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2 ổ dịch dại trên chó, và nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, có thể sẽ ghi nhận ca bệnh dại ở người trong thời gian tới. Ngoài các bệnh trên, trong tuần qua, Hà Nội không ghi nhận trường hợp mắc ho gà, não mô cầu, hay liên cầu lợn.

Trước diễn biến của dịch bệnh, CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các ca mắc bệnh để điều tra, khoanh vùng và xử lý kịp thời. Đồng thời, CDC Hà Nội tiếp tục giám sát chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại các quận, huyện, thị xã.

Đến ngày 20/2/2025, 27/30 quận, huyện đã triển khai chiến dịch tiêm sởi, với 6.128/18.300 trẻ đã được tiêm, đạt 33% so với tổng số trẻ thuộc diện tiêm chủng.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để giám sát chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi tại các địa phương như Long Biên, Thanh Xuân, Quốc Oai, Thanh Trì, Cầu Giấy, Thạch Thất.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi theo chỉ đạo của UBND Thành phố và Sở Y tế Hà Nội. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng giám sát việc phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế và cộng đồng, xử lý các ca bệnh, ổ dịch kịp thời, không để dịch lây lan rộng.

Các quận, huyện tăng cường công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, đặc biệt là sởi, cúm, khuyến khích người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ theo lịch và tham gia các chiến dịch tiêm chủng bổ sung.

Sở Y tế Hà Nội và ngành thú y tiếp tục phối hợp giám sát các bệnh lây truyền từ động vật, như cúm gia cầm và bệnh dại, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan sang người.

Tin cùng chuyên mục

Bệnh viện Da liễu Trung ương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến: Tiện lợi, nhanh chóng

Bệnh viện Da liễu Trung ương triển khai đăng ký khám bệnh trực tuyến: Tiện lợi, nhanh chóng

(PNTĐ) - Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự nhanh chóng, tiện lợi cho người bệnh khi tới khám, BV Da liễu Trung ương đã chính thức áp dụng hình thức đăng ký và thanh toán chi phí khám bệnh trực tuyến qua website chính thức của bệnh viện tại địa chỉ Dalieu.vn.
Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

(PNTĐ) - Tình trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đang là vấn nạn nhức nhối. Ngày 07/5, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã chia sẻ về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tăng cường quản lý, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.
Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

(PNTĐ) - Ung thư vú ở nam giới rất hiếm, với khoảng 2.710 ca mới tại Hoa Kỳ năm 2022. Các dấu hiệu ung thư vú ở nam giới có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đặc biệt là ở người 60-70 tuổi. Tuy nhiên, do ít phổ biến hơn ở nữ giới, nam giới thường bỏ qua triệu chứng, dẫn đến chẩn đoán muộn và ảnh hưởng đến tiên lượng điều trị.
Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn

Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn

(PNTĐ) - Mới đây, các bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thực hiện nội soi thành công, gắp bỏ một khối bã thức ăn lớn kích thước khoảng 4x4cm ra khỏi dạ dày của một bệnh nhân nữ 65 tuổi. Trường hợp này không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ biến chứng nguy hiểm mà còn là lời cảnh báo về tình trạng bã thức ăn dạ dày, một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng không thể chủ quan.
Kháng thể Palivizumab: Biện pháp dự phòng RSV hiệu quả cho trẻ nguy cơ cao

Kháng thể Palivizumab: Biện pháp dự phòng RSV hiệu quả cho trẻ nguy cơ cao

(PNTĐ) - Virus hợp bào hô hấp (RSV – Respiratory Syncytial Virus) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc có bệnh lý nền như tim bẩm sinh. Mặc dù đa số ca bệnh ở mức độ nhẹ và tự giới hạn, một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhi có thể diễn tiến nặng, dẫn đến viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt trong những tháng đầu đời.