Hà Nội xác định chống dịch ở mức độ cao hơn

Chia sẻ

Thời quan qua, dịch Covid-19 tại Hà Nội diễn biến phức tạp với nhiều ổ dịch lớn, số ca mắc tại cộng đồng tăng cao. Tính riêng từ ngày 1-6/11, chỉ trong vòng 6 ngày, toàn thành phố đã ghi nhận 516 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Liên tục xuất hiện các chuỗi lây nhiễm phức tạp

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tính từ ngày 11/10 đến ngày 6/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 879 ca mắc (trung bình 32,5 ca/ngày), trong đó có 312 ca tại cộng đồng (chiếm tỷ lệ 35,4%), còn lại là các ca tại khu cách ly, khu phong tỏa, ca bệnh nhập cảnh.

Đặc biệt, từ ngày 28/10 đến 6/11, số ca mắc tăng cao từ 33 đến 133 ca/ngày và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Đến nay, thành phố đã có 10 ổ dịch lớn: Ổ dịch liên quan chùm ca bệnh tại đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình; Chùm ca bệnh tại Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Chùm ca bệnh tại phường Phú La, quận Hà Đông; Ổ dịch tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh; Chùm ca bệnh tại Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa; Chùm ca bệnh tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; Đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm; Chùm ca bệnh tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức; Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm.

Bên cạnh đó, thành phố cũng ghi nhận 75 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch, trong đó có 32 ca lây nhiễm thứ phát. Không chỉ người về từ các tỉnh phía Nam, mà các ca F0 còn được phát hiện ở những người về Hà Nội từ các tỉnh phía Bắc.

Căn cứ tình hình dịch bệnh thực tiễn, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã công bố chi tiết cấp độ dịch trên địa bàn. Theo công bố, trong 14 ngày (tính đến 5/11) chỉ có huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất không có ca mắc mới ngoài cộng đồng. Huyện Quốc Oai và quận Ba Đình có số ca mắc Covid-19 cao nhất... Như vậy, về cấp độ dịch, thành phố Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình, tương ứng với màu vàng trong phòng, chống dịch Covid-19. 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội cũng ở cấp độ 2.

Về cấp độ xã, phường, thị trấn: Hà Nội có 264 xã, phường ở cấp độ 2 (tăng 19 xã, phường so với thông báo được phát đi cách đây 5 ngày); 312 xã, phường ở cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh (tăng 20 xã, phường); 3 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 3 - nguy cơ cao, tương ứng với màu cam (tăng thêm 1 phường). Đáng chú ý, về cấp độ theo thôn tổ dân phố, hiện Hà Nội có tổ dân phố Ngô Sài (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) ở cấp độ 4 - nguy cơ rất cao, tương ứng với màu đỏ, do ghi nhận nhiều ca bệnh trong cộng đồng.

Lực lượng y tế tiến hành truy vết, xét nghiệm sàng lọc tại một khu vực có dịch trênđịa bàn Hà Nội.Lực lượng y tế tiến hành truy vết, xét nghiệm sàng lọc tại một khu vực có dịch trên địa bàn Hà Nội. (Ảnh: Thế Long)

Người dân chưa thực hiện nghiêm quy định cách ly y tế tại nhà

Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dù đã được kiểm soát nhưng tình hình dịch bệnh của thành phố còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện thêm nhiều chùm ca bệnh mới. Một trong số những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên là do thời gian qua, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm quy định tự theo dõi sức khỏe và cách ly y tế tại nhà. Một số còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều làm xuất hiện ca lây nhiễm thứ phát.

Ngoài ra, bên cạnh sự xâm nhập từ bên ngoài, khó tránh khỏi còn những mầm bệnh Covid-19 đã tồn tại trong cộng đồng từ ca bệnh lẩn khuất chưa được phát hiện. Khi các địa phương nới lỏng hoạt động phòng dịch, sự đi lại, giao lưu của người dân dễ dàng hơn... cũng khiến dịch có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Ứng phó với diễn biến dịch bệnh của Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố cho biết: Hiện công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm vẫn đang được y tế thành phố tăng tốc triển khai, tiến tới khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất, với phương châm không phong tỏa diện rộng mà bó hẹp ở mức có thể đảm bảo và duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công tác truy vết, xét nghiệm để khoanh vùng, cách ly nhanh nhất các ổ dịch.

Đồng thời, Sở Y tế thành phố Hà Nội cũng có khuyến cáo, đề nghị các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chủ động xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập, nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn, không để bị động. Cùng với đó, tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị; Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở như: Nhân lực, thuốc, tập huấn công tác hồi sức cấp cứu phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Trước thực tế thời gian qua nhiều người dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 nhưng vẫn mắc bệnh, các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh người dân cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế để bảo vệ những đối tượng chưa được tiêm chủng, trong đó có một số người mắc bệnh nền nặng, trẻ em và người mới được tiêm phòng 1 mũi. Bởi vắc-xin chỉ giúp hạn chế các biến chứng, giảm nhẹ nồng độ virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn có khả năng làm lây nhiễm virus.

Theo đó, người dân vẫn nên hạn chế tối đa đến những nơi đông người. Khi phải đi đến trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bến tàu, nơi công sở..., thực hiện quét mã QR theo đúng khuyến cáo, thực hiện khai báo y tế để thuận tiện cho việc truy vết khi phát hiện F0.

YÊN HƯNG

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.