Kết nối cơ sở cung ứng thuốc: Dùng công nghệ quản lý việc bán thuốc
PNTĐ-Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc sẽ dần dần loại bỏ tình trạng mua thuốc không cần đơn, loại bỏ mọi hành vi gian lận trong việc sản xuất và kinh doanh thuốc.
Ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuốc sẽ dần dần loại bỏ tình trạng mua thuốc không cần đơn, loại bỏ mọi hành vi gian lận trong việc sản xuất và kinh doanh thuốc.
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc (với 775 điểm cầu trên toàn quốc) về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc tại Hưng Yên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích: Hiện nay, trên toàn quốc có hơn 61.000 cơ sở bán lẻ (nhà thuốc, quầy thuốc, trạm y tế xã), với 22.000 loại thuốc, rất nhiều tên thuốc. Tuy nhiên, ở đâu người dân cũng có thể mua được thuốc kháng sinh, vừa hại sức khỏe lại khiến Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao trên thế giới. Chưa kể, vì không có ai mặc cả khi mua thuốc nên rất khó quản lý giá thuốc, trừ một số loại thuốc đã được đấu thầu tập trung. Chỉ tính riêng những loại thuốc đấu thầu tập trung trong vài năm qua, chúng ta đã giảm giá trung bình trên 10%/năm và hiện nay giá thuốc ở Việt Nam chỉ cao hơn 1 nước ở ASEAN và có thể giảm tiếp.
Mặt khác, Việt Nam chưa có công cụ hữu hiệu giúp người dân biết được thông tin, nguồn gốc, chất lượng thuốc, giá cả cũng như giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán thuốc trên thị trường. Bởi vậy, xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân và triển khai kết nối hệ thống công nghệ thông tin quản lý toàn bộ các nhà thuốc trên cả nước là hai việc cần làm ngay của ngành Y tế.
![]() |
Tình trạng mua thuốc không theo đơn phổ biến ở Việt Nam. (Ảnh minh họa) |
Ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc bao gồm: Hệ thống quản lý nhà thuốc, Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, Cổng tra cứu trên web và ứng dụng tra cứu thuốc trên di động cho người dân. Đây là quy định bắt buộc để cơ quan quản lý kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra và chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Đến nay, đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia vào hệ thống này.
Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường cho biết: Các cơ sở bán lẻ bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT với lộ trình từng năm một. Đối với nhà thuốc, đến 1/1/2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Các nhà thuốc phải có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Lộ trình này đối với quầy thuốc là từ ngày 1/1/2020 và đối với tủ thuốc trạm y tế xã là 1/1/2021.
Cục Quản lý Dược cho biết, cơ quan quản lý sẽ kiểm tra thẩm định định kỳ việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 3 năm một lần với các nhà thuốc. Ngoài ra, các nhà thuốc còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường… Ngoài xử phạt bằng tiền, nếu các cơ sở bán thuốc không chấp hành triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng có thể sẽ bị tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.
Hà Nội: Đã “đưa” CNTT vào các nhà thuốc Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, việc ứng dụng CNTT đối với các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn TP đã được triển khai. Hà Nội hiện đang quản lý gần 6.000 nhà thuốc. Trong đó, 22,5% nhà thuốc, 5% quầy thuốc có kết nối internet; 18,3% nhà thuốc, 0,9% quầy thuốc có sử dụng phần mềm quản lý thuốc với hơn 10 nhà cung cấp phần mềm. Một số nhà thuốc BV đã có phần mềm kết nối với khoa khám bệnh, đơn thuốc bác sỹ kê được chuyển ra nhà thuốc. Đặc biệt, có nhà thuốc ở một số BV đã có mã dán trên từng sản phẩm, thuận lợi cho việc bán hàng, theo dõi xuất nhập tồn… |
Thảo Hương