Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mới đây, các bác sĩ tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thực hiện nội soi thành công, gắp bỏ một khối bã thức ăn lớn kích thước khoảng 4x4cm ra khỏi dạ dày của một bệnh nhân nữ 65 tuổi. Trường hợp này không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ biến chứng nguy hiểm mà còn là lời cảnh báo về tình trạng bã thức ăn dạ dày, một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng không thể chủ quan.

Bệnh nhân là bà T.T.X, 65 tuổi, trú tại Đông Anh, Hà Nội. Bà nhập viện tại Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương với các triệu chứng kéo dài như đau bụng, đầy hơi, khó chịu và chán ăn.

Qua thăm khám lâm sàng và đặc biệt là nội soi dạ dày, các bác sĩ bất ngờ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân tồn tại một khối bã thức ăn rắn chắc, kích thước đáng kể, khoảng 4x4cm. Theo người nhà bệnh nhân, bà X có đặc điểm răng yếu và thói quen ăn các loại thực phẩm khó tiêu, đặc biệt là trái cây xanh hoặc có nhựa - những yếu tố được biết đến là có thể góp phần hình thành khối bã thức ăn trong dạ dày do chúng chứa các hợp chất khó phân hủy.

Nội soi gắp bỏ khối bã thức ăn lớn 4x4cm trong dạ dày cụ bà, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn - ảnh 1
Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nội soi dạ dày cho bệnh nhân

Nhận định đây là trường hợp cần can thiệp kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm như tắc nghẽn, loét hay thủng dạ dày, ê-kíp y bác sĩ của Trung tâm đã nhanh chóng tiến hành thủ thuật nội soi để gắp bỏ toàn bộ khối bã ra ngoài. Ca can thiệp diễn ra thuận lợi, an toàn, sức khỏe của bệnh nhân sau thủ thuật hồi phục tốt.

Chia sẻ về trường hợp này và tình trạng bã thức ăn dạ dày (bezoar) nói chung, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Hà, Quyền Giám đốc Trung tâm Nội soi Tiêu hóa và Thăm dò chức năng cho biết: "Bã thức ăn dạ dày là những khối vật chất rắn hoặc bán rắn bị ứ đọng lâu ngày, không tiêu hóa được trong dạ dày. 

Chúng thường hình thành từ thực phẩm nhiều chất xơ, khó tiêu như măng, rau sống, gân bò, hoặc các loại trái cây xanh, trái cây có nhựa như hồng. Đôi khi, bã thức ăn cũng có thể hình thành từ tóc, giấy, hoặc thuốc".

Bác sĩ Hà cũng nhấn mạnh sự nguy hiểm của tình trạng này: Bã thức ăn thường diễn tiến âm thầm với triệu chứng ban đầu mơ hồ như đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và xử lý sớm, khối bã có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí là thủng dạ dày – những biến chứng rất nặng nề, đe dọa tính mạng.

Những đối tượng có nguy cơ cao hình thành bã thức ăn bao gồm người cao tuổi (đặc biệt là phụ nữ) do chức năng nhai yếu, người có bệnh lý nền như đái tháo đường gây rối loạn vận động dạ dày, người từng phẫu thuật dạ dày hoặc có thói quen ăn uống không khoa học (ăn nhanh, nhai không kỹ, ăn nhiều đồ khó tiêu). Trẻ nhỏ hoặc người có rối loạn tâm thần, hành vi (như ăn tóc, đất) cũng là nhóm cần lưu ý.

Các triệu chứng ban đầu của bã thức ăn thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa thông thường: đầy bụng sau ăn, buồn nôn, cảm giác khó tiêu, đau âm ỉ vùng thượng vị, ăn uống kém, sút cân không rõ nguyên nhân. Khi khối bã lớn và gây tắc nghẽn, triệu chứng sẽ rõ ràng hơn như nôn nhiều, tắc ruột, hoặc thậm chí là xuất huyết tiêu hóa cấp tính, đòi hỏi cấp cứu y tế.

Để phòng ngừa bã thức ăn dạ dày, TS.BS Trần Thanh Hà khuyến cáo mọi người nên xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh: Ăn chậm, nhai kỹ, ăn chín, uống đủ nước và tránh ăn quá no. Đặc biệt, người cao tuổi hoặc người có bệnh lý tiêu hóa nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm nhiều xơ cứng, khó tiêu hoặc trái cây xanh, trái cây có nhựa. Cần kiểm soát tốt các bệnh lý nền như đái tháo đường và tái khám định kỳ nếu có bệnh tiêu hóa mạn tính.

Bác sĩ Hà đặc biệt nhấn mạnh: Quan trọng nhất là không được chủ quan với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài. Khi có biểu hiện đầy bụng, ăn uống kém, buồn nôn sau ăn liên tục nhiều ngày mà không rõ nguyên nhân, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, nội soi. Chẩn đoán và can thiệp kịp thời là "chìa khóa" để tránh những biến chứng nặng nề, bảo vệ sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục

Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

Cục An toàn thực phẩm chỉ rõ chiêu trò thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và cách nhận biết

(PNTĐ) - Tình trạng thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng đang là vấn nạn nhức nhối. Ngày 07/5, bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đã chia sẻ về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc tăng cường quản lý, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác.
Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

Đừng tưởng ung thư vú chỉ là bệnh của phụ nữ: Quý ông cũng cần cảnh giác!

(PNTĐ) - Ung thư vú ở nam giới rất hiếm, với khoảng 2.710 ca mới tại Hoa Kỳ năm 2022. Các dấu hiệu ung thư vú ở nam giới có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, đặc biệt là ở người 60-70 tuổi. Tuy nhiên, do ít phổ biến hơn ở nữ giới, nam giới thường bỏ qua triệu chứng, dẫn đến chẩn đoán muộn và ảnh hưởng đến tiên lượng điều trị.
Kháng thể Palivizumab: Biện pháp dự phòng RSV hiệu quả cho trẻ nguy cơ cao

Kháng thể Palivizumab: Biện pháp dự phòng RSV hiệu quả cho trẻ nguy cơ cao

(PNTĐ) - Virus hợp bào hô hấp (RSV – Respiratory Syncytial Virus) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc có bệnh lý nền như tim bẩm sinh. Mặc dù đa số ca bệnh ở mức độ nhẹ và tự giới hạn, một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhi có thể diễn tiến nặng, dẫn đến viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt trong những tháng đầu đời.
Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

Sữa giả hoành hành: Lộ bất cập trong công bố sản phẩm thực phẩm

(PNTĐ) - Vừa qua, vụ sản xuất và buôn bán sữa bột giả quy mô lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã gây chấn động dư luận. Vụ việc này làm dấy lên nhiều câu hỏi về hiệu quả của chính sách "tự công bố sản phẩm" và những lỗ hổng trong công tác quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.