Khuyến cáo chăm sóc người sốt xuất huyết
PNTĐ-Các bác sĩ phải sàng lọc, trường hợp nào có dấu hiệu cảnh báo mới được nhập viện. Vì vậy, việc chăm sóc và điều trị tại nhà cho người bệnh rất quan trọng...
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có dấu hiện giảm “nhiệt”, khiến hầu hết các bệnh viện (BV) chuyên khoa truyền nhiễm trên địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Các bác sĩ phải sàng lọc, trường hợp nào có dấu hiệu cảnh báo mới được nhập viện. Vì vậy, việc chăm sóc và điều trị tại nhà cho người bệnh rất quan trọng.
![]() |
Người bệnh được theo dõi tại Khu điều trị dã chiến Bệnh viện TƯ Quân đội 108 |
SXH thường khởi phát bằng những triệu chứng sốt cao liên tục, từ 39 – 400C, đau đầu, mệt mỏi. Biểu hiện SXH có nhiều dạng như: xuất huyết dưới dạng chấm hay dạng mảng; xuất huyết niêm mạc gây chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh, kinh sớm hoặc kinh nguyệt kéo dài; xuất huyết dạ dày có biểu hiện nôn ra máu, đi ngoài phân đen; xuất huyết não gây triệu chứng li bì, hôn mê, co giật.
SXH diễn biến trung bình từ 5 – 7 ngày và qua 3 giai đoạn: sốt, nguy hiểm và hồi phục. Thông thường, trong 3 ngày đầu, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, đau đầu, mỏi người, nhức mắt (như biểu hiện của sốt virus) và chưa có biến chứng, vẫn trong giai đoạn an toàn nên có thể theo dõi, điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát (có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng). Sang ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt trở đi) là thời điểm nguy hiểm nhất, dễ xảy ra biến chứng bệnh nhân không còn sốt cao như 3 ngày trước. Trong đó, sốc là dấu hiệu trở nặng thường gặp dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời. Vì thế, trong ngày thứ 4-7, người nhà đặc biệt chú ý, khi bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như: mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh… cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị ngăn ngừa biến chứng.
Sốt cao liên tục khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Khi nhiệt độ cở thể từ 38.5 – 390C, người bệnh cần uống thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất (liều lượng cho trẻ nhỏ là 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ/lần; người lớn mỗi lần uống 500mg – 1.000mg, tối đa không quá 4.000mg/ngày). Tuyệt đối không dùng Aspirin và Ibuprofen, vì hai loại thuốc này sẽ khiến tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm tới tính mạng. Bên cạnh đó, cần chú ý cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng để không làm cản trở việc tỏa nhiệt, hạ nhiệt của cơ thể. Có thể kết hợp dùng thuốc với chườm mước mát ở vị trí nách, bẹn và các nếp gấp; lau toàn bộ cơ thể bằng nước ấm để nhiệt độ toàn thân hạ nhanh hơn. Tuy nhiên, với trẻ em, nên lưu ý lau bằng nước ấm; lau nhanh ở ngực, lưng, vì nơi này dễ dẫn đến viêm phổi.
Sốt là phản ứng tốt của cơ thể chống lại virus. Nhưng nhiều bệnh nhân nỗ lực hạ sốt bằng cách lạm dụng Paracetamol liều cao, dẫn tới ngộ độc gan và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể. Một số người lại quan niệm oresol là thuốc nên chỉ cần uống 2 gói pha trong ít nước là đủ mà không hề nghĩ như vậy sẽ dẫn tới rối loạn nước điện giải cho cơ thể. Trường hợp khác không uống đủ nước trong giai đoạn sốt nhưng lại bổ sung quá nhiều nước trong giai đoạn hết sốt, gây thừa nước dẫn tới phù phổi cấp, nguy hiểm tới tính mạng… Thậm chí có bệnh nhân nghĩ rằng cần truyền dung dịch muối, dung dịch sinh tố hay truyền đạm sau khi BN ra viện để bồi bổ sức khỏe mà không biết đây là giai đoạn cơ thể tái hấp thu dịch, nếu thừa dịch sẽ rất nguy hiểm. Chưa kể, việc truyền dịch tại gia đình hoặc cơ sở y tế tư nhân khi chưa có kiến thức sâu về bệnh SXH, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Đồng thời, người bệnh chú ý không cạo gió, giác hơi, vì sẽ làm đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng.
Bên cạnh việc tránh những sai lầm trên, người bệnh cần chú ý về chế độ dinh dưỡng, đảm bảo 4 nhóm chất cơ bản gồm: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Quan trọng nhất là cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể, ngoài nước lọc có thể dùng các loại nước trái cây như: cam, chanh, dừa tươi hoặc nước canh, nước cháo, dung dịch bù nước, chất điện giải. Các loại thức ăn cần được chế biến lỏng, nhuyễn, dễ tiêu như: cháo, súp, sữa… Ngoài ra, trong thời gian này người bệnh nên kiêng ăn hoặc uống những thực phẩm có màu đỏ, nâu, đen để tránh nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
TS. Nguyễn Đăng Mạnh
(Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV TƯ Quân đội 108)
(Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV TƯ Quân đội 108)