"Khoảng trống" trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Kỳ cuối: Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn
(PNTĐ) - Theo tính toán, thời gian cần thiết để tăng gấp đôi tỷ lệ người cao tuổi (NCT) ở Việt Nam chỉ mất 27 năm. Trước sự gia tăng nhanh chóng của dân số già, hệ thống an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng y tế, cũng như sự chuẩn bị cho các chính sách và quy định... phải sớm được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của NCT.

Thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn
Theo ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, để khắc phục tình trạng dịch vụ chăm sóc xã hội cho NCT còn nghèo nàn và manh mún, cơ quan chức năng cần thúc đẩy các dịch vụ chăm sóc dài hạn cho NCT, bao gồm: Chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm bảo đảm hòa nhập xã hội, cải thiện sức khỏe và hỗ trợ NCT trong cuộc sống hàng ngày. Những dịch vụ này phải dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và đầy đủ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chăm sóc NCT. Tuy nhiên, chính sách, chiến lược chăm sóc, theo dõi, điều trị cho NCT phải trở thành một hệ thống hoàn chỉnh. Ðó là, hệ thống y học gia đình phải hình thành một nguyên lý hiểu NCT, theo dõi, chăm sóc tại các hộ gia đình, khu dân cư. Từ sự hình thành ban đầu, các tuyến y tế cơ sở cũng phải xây dựng các cơ sở điều trị cho NCT, đặc biệt, các khu vực nên có các cơ sở y tế chuyên sâu, hệ thống điều dưỡng và phục hồi chức năng cho NCT.
Việc phát triển hệ thống chăm sóc dài ngày cũng cần chú trọng xây dựng hệ thống nhà dưỡng lão, đặc biệt là nhà dưỡng lão có chăm sóc y tế (bệnh nhân Alzheimer); có khu chung cư dành cho người già. Từng bước phát triển các Trung tâm ban ngày (cung cấp các dịch vụ xã hội cho NCT).
GS.TS Giang Thanh Long - Viện nghiên cứu Y xã hội học cho hay: Các hoạt động chăm sóc dài hạn cho NCT ở Việt Nam phần lớn được thực hiện tại nhà và do người trong gia đình thực hiện. Do đó việc cung cấp gói dịch vụ chăm sóc dài hạn tại nhà cho NCT là cần thiết. “Cần phải phát triển và tiến hành đào tạo về kiến thức, kỹ năng chăm sóc dài hạn với ưu tiên hàng đầu là dành cho thành viên trong gia đình của NCT. Cùng với đó, sự ưu tiên trong các dịch vụ chăm sóc dài hạn cần dành cho những người trong nhóm đại lão, nhất là phụ nữ” - ông Long nói.
GS.TS Phạm Thắng - Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam khuyến nghị thêm: Để chăm sóc người già trong cuộc sống hiện nay cần có các nghiên cứu đánh giá nhu cầu chăm sóc NCT, phải đẩy mạnh phát triển hệ thống và mạng lưới lão khoa. Dựa trên số liệu do Tổng cục Thống kê công bố năm 2019, trung bình mỗi NCT có 12 năm sống chung với bệnh tật. Mặc dù một bộ phận lớn NCT vẫn có sức khỏe tốt nhưng nhiều NCT đang phải đối mặt với những vấn đề sức khỏe và khó khăn cần được hỗ trợ.
Chính vì thế, việc đa dạng hóa các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng, như lập sổ theo dõi sức khỏe NCT; khám sức khỏe định kỳ tại các trạm y tế xã/phường; phát triển hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn, cơ sở y tế khám, chữa bệnh cho NCT; phát triển và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lão khoa, phục hồi chức năng cho nhân viên, tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe NCT là việc làm quan trọng, cần thiết.
Để các dịch vụ chăm sóc cho NCT phát triển, nhiều ý kiến đề xuất cần khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia dịch vụ chăm sóc NCT, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn của người dân. Muốn vậy, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa như hỗ trợ về mặt bằng, phát triển nhân lực, hỗ trợ về quy chuẩn cho từng mô hình an dưỡng cụ thể, có danh mục nghề cho người chăm sóc để họ được công nhận và được đào tạo...
Song song với đó, việc hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm bảo an sinh xã hội (khi thu nhập bình quân đầu người của nước ta còn ở mức thấp); gắn mục tiêu phát triển kinh tế với các mục tiêu xã hội phải được coi là chiến lược quan trọng hàng đầu. Vấn đề cải cách hệ thống hưu trí; đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác… cũng cần được cơ quan chức năng lưu ý.
Tạo ra ngành dịch vụ chăm sóc xã hội mới cho NCT
Liên quan đến hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT, thống kê cho thấy với khoảng hơn 40 cơ sở dưỡng lão, bảo trợ xã hội có dịch vụ chăm sóc cho NCT đang hoạt động, hệ thống y tế nước ta chưa giải quyết được các nhu cầu ở NCT, không chỉ về việc theo dõi bệnh lý mà còn là nhu cầu chăm sóc cá nhân và sức khỏe tinh thần. Chưa kể, thế hệ NCT hiện đại ngày càng quan tâm đến sinh hoạt khoa học và hưởng thụ cuộc sống vui khỏe, ít phụ thuộc vào con cháu. Nhưng tại Việt Nam, mô hình cao cấp có thể đáp ứng các nhu cầu này vẫn là một “ẩn số”.

“Đã đến lúc chúng ta cần xây dựng các trung tâm chăm sóc sức khỏe NCT chất lượng cao để giải quyết các nhu cầu cho thế hệ NCT hiện đại. Mô hình này đã rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia như Nhật Bản - nơi tỷ lệ dân số già cũng đang rất cao” - GS.TS.BS Đỗ Tất Cường, Chủ tịch Hội đồng cố vấn lâm sàng Hệ thống Y tế Vinmec nhận định.
Trên thực tế, tận dụng lợi thế của công nghệ mới và chuyển đổi số, nhiều quốc gia đã tạo ra ngành dịch vụ chăm sóc xã hội mới cho NCT, để chuẩn bị tốt và đón nhận đúng đắn vấn đề già hóa dân số. Điển hình như tại Mỹ, ngoài các viện dưỡng lão, nước này có nhiều cộng đồng sinh hoạt dành cho nhóm hưu trí với các tiện ích lớp học, bệnh viện cho người già và phòng dưỡng lão ngay trong khuôn viên các trường đại học.
Hay tại Nhật Bản, Bộ Y tế nước này đã phân cấp mô hình tổ chức dịch vụ chăm sóc người già. Trong đó, NCT có bệnh lý phức tạp được đưa vào bệnh viện; người khỏe mạnh hoặc có nhu cầu chăm sóc đơn giản tới các đơn vị dưỡng lão chuyên trách chăm sóc trong ngày và ngắn ngày, lưu trú dài hạn, chăm sóc tại nhà hoặc tập phục hồi chuyên biệt...
Các mô hình dưỡng lão cũng được quy hoạch phù hợp tại những địa điểm giàu tiềm năng để chăm sóc toàn diện cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho NCT. Chẳng hạn ở tỉnh Nara - nơi từng là cố đô Nhật Bản nay là điểm dừng được đông đảo du khách yêu thích, tập đoàn Well Group đã xây dựng một thành phố y tế thu nhỏ khép kín nổi tiếng. Tại đây, các giải pháp công nghệ, y tế được kết hợp để tạo ra xây dựng môi trường sống khỏe và hạnh phúc cho đến cuối đời.
Ứng dụng vào Việt Nam, chúng ta có thể áp dụng linh hoạt hơn cho phù hợp với văn hóa của người Việt, đó là sinh hoạt độc lập nhưng vẫn cần sự quan tâm của người thân. Thay vì hình thức nội trú và hoàn toàn rời xa gia đình giống Nhật Bản, ưu tiên hàng đầu của NCT Việt Nam là tiếp tục sống tại gia đình hoặc vẫn được sống gần nhà, gần con cháu. Bởi thế, hình thức dưỡng lão gần nhà sẽ đáp ứng trọn vẹn hài hòa nhu cầu và tâm sinh lý người già.
Đặc biệt, chúng ta không phải đợi khi già mới chăm sóc, mà ngay từ thời còn trẻ, ngành y tế cần làm tốt việc định hướng chăm sóc để quá trình lão hóa khỏe mạnh. Tất cả NCT cần được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, được chăm sóc y tế; được sống khỏe mạnh, được đóng góp kỹ năng, kinh nghiệm quý báu của mình cho xã hội. Hội NCT cũng cần lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào hoạt động của các câu lạc bộ NCT; hướng dẫn các thành viên giữ gìn, bảo vệ và tăng cường sức khoẻ, tổ chức các hoạt động rèn luyện nâng cao sức khoẻ, hạn chế hút thuốc và uống bia, rượu.
Có thể nói, với xu hướng phát triển hiện tại cùng nhu cầu ngày càng lớn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT đòi hỏi sự đầu tư đúng mực và vai trò dẫn dắt của các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế cao cấp để tạo dựng các mô hình chuyên biệt, góp phần tạo nên xã hội khỏe mạnh bền vững.