Lạm dụng Corticoid: Lợi bất cập hại

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Để xảy ra tình trạng lạm dụng Corticoid thời gian qua, một phần nguyên nhân từ nhận thức của người bệnh, một phần do công tác quản lý hoạt động bán thuốc tại các cửa hàng hiện chưa chặt chẽ. Bởi vậy, cần thay đổi cả về nhận thức của người bệnh và hành vi kinh doanh của nhà thuốc, để kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng trên.

Lạm dụng Corticoid: Lợi bất cập hại - ảnh 1
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ nhiều sản phẩm điều trị Covid-19 chứa Corticoid bán trôi nổi trên địa bàn TP Hà Nội Ảnh: Hà Thanh

Cần hiểu rõ tác dụng và nhận biết thuốc chứa Corticoid
Theo ThS.BS Vũ Thị Thục Trang - khoa Nội tiết, Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) Corticoid có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm nhưng hiện nay không phải ai cũng thực sự hiểu biết về loại hoạt chất này. Đa phần bệnh nhân chỉ thấy rõ công dụng “tức thì” của thuốc chứa Corticoid; lại thấy việc mua chúng quá dễ dàng, không cần đơn hay chỉ định của bác sĩ… nên sử dụng tràn lan, quá liều, dùng trong thời gian dài, gây nguy hại trực tiếp cho sức khỏe. Chưa kể, không chỉ Tây y mà trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi, Đông y giả mạo, Corticoid cũng được trộn lẫn để tăng tác dụng trước mắt, đánh lừa người dùng.

Trên thực tế, thuốc Đông y giả mạo được quảng cáo rất rầm rộ với nhiều công dụng như: Mát huyết, trị bệnh gan gây ngứa, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ… Do tác dụng từ Corticoid nên sau khi dùng, bệnh nhân đã lập tức ăn được, ngủ được, tăng cân, giảm ngay tình trạng đau nhức xương khớp, hết nổi mề đay hay mẩn ngứa. Tới khi phải nhập viện cấp cứu vì biến chứng nặng, bệnh nhân mới thực sự nhận thức được tác hại của các thuốc trên. Chỉ tiếc, khi đó sức khỏe bệnh nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng lạm dụng Corticoid, mỗi người cần có hiểu biết về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của loại dược chất này. Thông thường, tác dụng phụ thường gặp của Corticoid toàn thân bao gồm: Tăng cân, thay đổi tâm trạng, yếu cơ, nhìn mờ, tăng sự phát triển của lông trên cơ thể, dễ bị bầm tím (xuất huyết), giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, hội chứng cushing, mụn, loãng xương, bệnh tiểu đường khởi phát hoặc trở nên trầm trọng hơn, kích ứng dạ dày, lo lắng, bồn chồn, khó ngủ, đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp, giữ nước, phù… 

Đồng thời, khi mua thuốc, người dùng cần đọc kĩ thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc có chứa thành phần Corticoid hay không; và tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.  

Với sản phẩm mỹ phẩm, người mua có thể thông qua quan sát bằng mắt thường để loại bỏ nguy cơ. Vì vậy, người dùng không mua sản phẩm mà mẫu mã thiếu thông tin, không thương hiệu, thành phần, mã vạch, chứng nhân của cơ quan có thẩm quyền. Kem chứa Corticoid thường có màu vàng nhạt, trắng ngả hồng, hồng đậm, màu sắc kem thường không đều… Mùi hương đa phần nồng và hơi hắc, cảm giác hơi chua vì chứa nhiều chất tẩy và kim loại nặng. 

Ngoài ra, người bệnh không nên nghe theo những quảng cáo thuốc Đông y “chất lượng”, “tác dụng nhanh” để tránh gây hại cho bản thân. Tốt nhất, khi gặp vấn đề về sức khỏe, không tự ý mua thuốc mà cần đi khám ở những cơ sở y khoa chất lượng. Nhóm thuốc chứa Corticoid là sản phẩm bán theo đơn, nên phải sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn và kê đơn của bác sĩ. 

Xử lý nghiêm hành vi bán thuốc không theo đơn
Vì thuốc chứa Corticoid thuộc nhóm bán theo đơn nên bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người mua, việc kiểm soát từ phía các nhà thuốc cũng rất quan trọng. Liên quan tới nội dung này, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối cho biết: Theo quy định của Luật Dược 2016, thuốc kê đơn là thuốc khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Vì thế, về nguyên tắc nếu muốn mua thuốc kê đơn tại nhà thuốc, quầy thuốc, người mua phải trình được đơn kê của bác sĩ; do những thuốc này phải dùng đúng liều lượng, đúng cách và đúng với tình trạng bệnh. 

Hành vi bán thuốc không theo kê đơn của bác sĩ cũng bị pháp luật nghiêm cấm tại Luật Dược 2016. Dược sĩ có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cụ thể, hành vi bán các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ trong trường hợp không gây ra hậu quả nghiêm trọng đủ để truy cứu hình sự thì phạt tiền đến 10.000.000 đồng, theo quy định tại tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6-9 tháng.

Trong trường hợp, hành vi bán thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, về tội vi phạm quy định về bán thuốc tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. 

Mức xử phạt hành chính hiện nay đã tăng lên rất nhiều so với Nghị định trước đây, tuy nhiên, để tình trạng này vẫn tiếp diễn một phần đến từ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn chưa thường xuyên, liên tục cũng như thói quen của người tiêu dùng có bệnh tự mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc. Dù các dược sĩ đều biết bán thuốc kê đơn không cần đơn thuốc của bác sĩ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người dùng và là hành vi bị cấm, nhưng vì lợi nhuận họ vẫn bất chấp quy định để bán thuốc cho khách. Việc mua bán, sử dụng thuốc kê đơn không có đơn của bác sĩ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe khôn lường. 

“Chính vì vậy, để hạn chế và kiểm soát được tình trạng này, trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân tuân thủ quy định phải đi khám bệnh trước khi mua thuốc điều trị, tránh hệ lụy xấu về sức khỏe thì các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, quản lý dữ liệu nhập, bán hàng của các nhà thuốc” - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng phân tích.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Hướng đến mục tiêu ổn định quy mô dân số trong năm 2024

Hà Nội: Hướng đến mục tiêu ổn định quy mô dân số trong năm 2024

(PNTĐ) - Mục tiêu của thành phố hướng đến trong công tác dân số năm 2024 là ổn định quy mô dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố.
Cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân có 4 quả thận trong cơ thể

Cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân có 4 quả thận trong cơ thể

(PNTĐ) - Mới đây, một người đàn ông (35 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhập viện cấp cứu vào Bệnh viện E trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng do nghi ngờ bị sỏi thận. Điều đặc biệt, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện người bệnh có 4 quả thận trong cơ thể.
Phòng tiêm chủng vắc-xin dịch vụ CDC Hà Nội mở cửa trở lại

Phòng tiêm chủng vắc-xin dịch vụ CDC Hà Nội mở cửa trở lại

(PNTĐ) - Phòng tiêm chủng vắc xin dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội tại địa chỉ số 70 Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) chính thức mở cửa trở lại vào sáng 12/3 vừa qua. Ngay trong ngày đầu mở cửa đã có nhiều người dân, gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng tại Phòng tiêm.