Loạn thị trường thuốc tân dược

Chia sẻ

PNTĐ-Thừa thuốc bổ, thiếu thuốc điều trị, nhiều thuốc rởm bán công khai, việc thu hồi thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ dừng lại trên giấy…

 
Đây là vấn đề nổi cộm của thị trường thuốc tân dược Việt Nam. Thực trạng trên đã khiến Bộ Y tế khẳng định: Từ năm 2015, sẽ siết chặt lại thị trường thuốc tân dược.
 
Loạn thị trường thuốc tân dược - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Thuốc nội: thiếu kháng sinh, thừa thuốc bổ
 
Bước ra khỏi nhà thuốc, cầm đơn thuốc chữa bệnh viêm đường tiết niệu trên tay, chị Hoàng Ngọc Bích rầu rĩ: Đơn có 5 loại thuốc thì toàn là thuốc ngoại nhập, tôi mua hết 1,3 triệu đồng. Một bệnh nhân bị bệnh cao huyết áp cũng than vãn, mặc dù, BHYT chi trả một phần nhưng mỗi tháng tôi cũng mất gần 3 triệu đồng tiền thuốc… Một báo cáo mới đây của Bộ Y tế cho thấy, bình quân mỗi người Việt Nam sử dụng 31 USD tiền thuốc phòng và chữa bệnh. Chi phí cho tiền thuốc của người dân chiếm 50% tổng chi phí khám chữa bệnh (bao gồm dịch vụ khám chữa bệnh, tiền thuốc…).
 
Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược cũng thừa nhận: Thị trường thuốc tân dược Việt Nam đang thiếu thuốc đặc trị, thừa thuốc bổ! Do đó nhiều bác sỹ buộc phải kê thuốc ngoại để điều trị bệnh.
 
Theo Cục Quản lý dược, hiện có hàng trăm loại thuốc bổ cũng có một loại vitamin… Trong khi đó, các loại thuốc đặc trị, bào chế phức tạp, thuốc điều trị chuyên khoa gây mê, giải độc, thuốc tim mạch vẫn phải nhập khẩu. Mặc dù, thuốc nội vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả nhưng hiện tỉ lệ thuốc nội được kê đơn ở các BV tuyến trung ương chỉ khoảng 11%; BV tuyến tỉnh là 34%; BV tuyến huyện là 62%. Một bác sĩ thẳng thắn: bên cạnh tâm lý tiêu dùng, thuốc nội chỉ mới tập trung ở dòng generic phổ thông (thuốc đã hết hạn bảo hộ bản quyền).
 
Cụ thể, thị phần thuốc generic chiếm tới 71% ở Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 10% trên thế giới. Trong khi đó, thuốc đặc trị lại nằm trong tay các hãng thuốc ngoại. Như vậy, khoảng 50% trong doanh thu 4 tỉ USD của thị trường dược phẩm đang chi cho việc mua thuốc ngoại.

Nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng
 
Mới đây, ngày 14/1/2015, lực lượng chức năng đã phát hiện 57.000 viên thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Toàn bộ số thuốc tân dược này có đặc điểm: hình viên nén con nhộng màu xanh, hoạt chất của thuốc bên trong có mùi tanh nồng, không có ký hiệu tên thuốc và nơi sản xuất.
 
Trước đó, ngày 11/11/2014, cơ quan chức năng cũng thu giữ 3.000 hộp thuốc tân dược giả là thuốc Lumbrotine hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não và cốm bổ Zinc-kid hỗ trợ thiếu kẽm cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Theo ông Trương Quốc Cường, tỷ lệ thuốc kém chất lượng ở Việt Nam chiếm khoảng 3%, tỷ lệ thuốc giả khoảng 0,1%. Thuốc giả đã phát hiện được chủ yếu gồm các thuốc chống lao, điều trị sốt rét, gần đây phát hiện cả thuốc bổ, thuốc điều trị tim mạch, giảm đau, điều trị bệnh viêm da, kháng sinh... giả.
 
Riêng về thuốc kém chất lượng, trong năm 2014, cơ quan này đã xử phạt 61 công ty dược có thuốc vi phạm chất lượng. Ngoài phạt tiền, có 5 công ty bị tạm tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề, 4 công ty bị tạm dừng xem xét hồ sơ nhập khẩu thuốc trong thời hạn 6 tháng do liên tiếp có thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng mức độ 2 và 3...
 
Điều đáng nói, trong các quyết định đình chỉ, thu hồi, rút số đăng ký lưu hành các loại thuốc nhập khẩu kém chất lượng mà Cục Quản lý dược thông báo công khai thời gian qua, việc vi phạm chất lượng thuốc phổ biến nhất là các công ty của Ấn Độ như: Umedica Laboratories Pvt Ltd.; Marksans Pharma Ltd.; Yeva Therapeutics Pvt Ltd., Cure Medicines (I) Pvt Ltd., Medley Pharmaceuticals Ltd…
 
Theo Cục Quản lý dược, qua kiểm tra hơn 39.000 cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhà thuốc còn bán thuốc đã có thông báo thu hồi và người bệnh vẫn “vô tư” sử dụng. Lý giải về điều này, nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội cho rằng, không nhận được thông tin về các loại thuốc bị thu hồi của các cơ quan chức năng.
 
Đơn cử, hai loại thuốc viên nang Euroseafox và Cefaclor không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sau khi Cục Quản lý dược ra thông báo đình chỉ lưu hành, và Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu tổ chức thu hồi, nhưng nhà thuốc  vẫn tiếp tục bán thì cũng… chẳng sao. Thậm chí, việc thu hồi kéo dài trong nhiều tháng nên nhiều công ty đã tranh thủ tẩu tán thuốc để khỏi mất công thu hồi và tốn kinh phí tiêu hủy.
 
Dù quyết tâm sẽ siết chặt lại thị trường thuốc tân dược vào năm 2015 nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được các giải pháp đột phá nào.

Tâm Thanh - Ngọc Chính

Tin cùng chuyên mục

​  Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

​ Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi

(PNTĐ) - UBND thành phố Hà Nội vừa có công văn về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Theo đó, để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi trong thời gian tới, Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch trên địa bàn thành phố; có giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tham mưu UBND thành phố các văn bản chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố kịp thời, phù hợp, không để dịch lây lan, bùng phát.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.